Tối nay 7.5, vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo robot (Robocon) Việt Nam 2013 khởi tranh tại Cung thể thao Tiên Sơn TP.Đà Nẵng. Cuộc thi quy tụ 32 đội xuất sắc vượt qua 180 đội tuyển của 45 trường ĐH, CĐ.
|
Góp mặt Robocon 2013 ngoài các trường giàu truyền thống như ĐH Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, ĐH Lạc Hồng còn có những tân binh đầy tham vọng như ĐH Duy Tân, ĐH Sao Đỏ, CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội… Đặc biệt, lần đầu tiên trong 12 năm Robocon có sự góp mặt của đội Mekong VLC, đội của sinh viên Lào, Campuchia theo học tại trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật thông tin. Tên các đội cũng có nhiều thú vị, Ban tổ chức (BTC) chỉ hỗ trợ mỗi đội 3 triệu đồng kinh phí sáng tạo robot, trong khi khi đầu tư mỗi robot khoảng 5 - 7 triệu đồng, có robot 10 - 20 triệu đồng. Vì vậy, ĐH Bách khoa TP.HCM đã tiên phong trong việc tìm nhà tài trợ và gắn tên nhà tài trợ lên robot của mình. Nét mới của tên các đội còn thể hiện tình yêu đối với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc với hai đội Hoàng Sa và Trường Sa của ĐH Sao Đỏ.
|
BTC đánh giá, với một vòng loại mà các kỷ lục về thời gian thực hiện được chiến thắng tuyệt đối (Green Planet) liên tục bị phá vỡ đã hứa hẹn một vòng chung kết kịch tính và nhiều bất ngờ. Ngay trước ngày diễn ra vòng chung kết, trong một lần luyện tập làm quen với sân đấu, một đội robot của ĐH Lạc Hồng đã làm nên kỷ lục Green Planet nhanh nhất từ trước đến nay trong 38 giây. Nếu tái lập được thành tích này, đội tuyển đại diện cho Việt Nam hoàn toàn có hi vọng giành thứ hạng cao tại Robocon châu Á - Thái Bình Dương tháng 8 tới cũng tại Cung thể thao Tiên Sơn TP.Đà Nẵng.
Robot “thông minh” hơn
Luật chơi Robocon Việt Nam 2013 cũng khiến các sinh viên phải làm cho robot “thông minh” hơn, sự vượt trội của các robot tự động tại vòng loại đã chứng minh điều đó. Nhiều đội sử dụng các thiết bị tìm đường hiện đại tỏ ra ưu thế hơn so với các thiết bị cảm ứng quang học bị nhiễu bởi ánh sáng trong nhà thi đấu.
Ông Đinh Đắc Vĩnh, Trưởng Ban giám khảo Robocon Việt Nam 2013 nhận định, đã có sự thay đổi tư duy rất lớn trong sinh viên, ví như điều khiển thủ công bắn mũi tên mang mầm xanh lên mặt trăng thì rất may rủi, còn tư duy theo kiểu robot thì chỉ cần cho robot ghi nhớ lực bắn, góc bắn một lần chính xác thì những lần sau cũng thành công. Trường như ĐH Lạc Hồng thì sử dụng laze định vị xác định khoảng cách, tự tính toán khí nén vừa đủ để bắn chính xác mũi tên mang mầm xanh lên mặt trăng giành chiến thắng tuyệt đối, nhưng cũng có trường như ĐH Sao Đỏ sử dụng hệ thống bắn bằng dây kéo rất đơn giản mà hiệu quả cũng chính xác như nhau, điều đó cho thấy sức sáng tạo của sinh viên là rất lớn.
“Điều đáng mừng là sau 12 kỳ Robocon, đã có nhiều sinh viên có sản phẩm bán ra nước ngoài như robot lắp ráp, vận chuyển hàng, robot khoan công nghiệp… Điều đó đã từng bước cải thiện điểm yếu trong tính ứng dụng khoa học vào thực tiễn của giáo dục Việt Nam” - Ông Vĩnh nói.
Nguyễn Tú
>> Chơi robot để học kỹ năng
>> Nhanh như gián robot
>> Lập trình Pascal cùng robot
>> Dùng ý nghĩ di chuyển tay robot
Bình luận (0)