Khát vọng sáng tạo phụng sự Tổ quốc

20/05/2018 07:42 GMT+7

Những sáng tạo hay, bài học bổ ích, vận dụng lời dạy của Bác vào thực tế... đã được các đại biểu truyền cảm hứng trong buổi giao lưu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác với chủ đề: Khát vọng sáng tạo phụng sự Tổ quốc, do Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức chiều 19.5.


Chương trình đã được truyền hình trực tuyến trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.
Tham gia buổi tọa đàm có anh Nguyễn Quốc Huy, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; 20 gương tiêu biểu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác trong nhiều lĩnh vực và 100 sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Anh Nguyễn Quốc Huy, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn tặng hoa cho các đại biểu Ảnh: Ngọc Dương 
Khao khát phụng sự quê hương, đất nước
Bác sĩ Lá Văn Khôi (29 tuổi), Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện đa khoa khu vực tây bắc Nghệ An, cho biết mình là người dân tộc Thái, sinh ra ở một vùng khó khăn của tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ đã thường xuyên nhìn thấy cảnh người thân, đồng bào dân tộc thiểu số của mình đau ốm phải cậy nhờ thầy mo thầy cúng. “Đó là những cách chữa trị không khoa học. Mình ấp ủ ước mơ phải trở thành bác sĩ để phục vụ bà con quê hương của mình. Ứớc mơ ấy được mình đeo đuổi thường xuyên, và đã trở thành hiện thực”, Khôi chia sẻ.
Ngoài công việc đầy áp lực của một bác sĩ, Khôi hiện còn là chủ nhiệm của nhiều CLB như: Ngân hàng máu sống, Thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh, Thầy thuốc trẻ thị xã Thái Hòa (Nghệ An).
Khôi chia sẻ: “Khi mình còn trẻ, phải có sự khao khát để cống hiến sức trẻ ấy phục vụ cộng đồng. Khi còn trẻ, còn có sức rướn, thì cố gắng làm, và tin là bản thân có thể làm được mọi thứ. Và tôi tin rằng tôi làm được thì mọi người trẻ đều có thể làm được”.
Từ năm 2012 đến nay, Vòng Bính Long (34 tuổi), tiến sĩ hóa sinh - vật liệu sinh học, giảng viên bộ môn sinh hóa, Khoa Sinh học - công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã công bố 15 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín có chỉ số ảnh hưởng cao, trong đó có Gastroenterology (Impact Factor 18.3), Biomaterials (IF 8.4), Journal of Controlled Release (IF 7.3)… tham gia báo cáo trên 50 hội nghị trong nước và quốc tế (tác giả chính)…
Cũng theo tiến sĩ 34 tuổi này, mỗi người đều có quỹ thời gian như nhau, người trẻ lại có ưu thế về sức lực nên có thể làm được nhiều điều ý nghĩa để giúp cho xã hội, đất nước. Và để có thể cân bằng được thời gian giữa công việc, nghiên cứu và cuộc sống thường ngày, Long chia sẻ bí quyết: “Nên sắp xếp lịch làm việc khoa học, có những thứ tự ưu tiên rõ ràng”.
Cũng là một người trẻ khao khát phụng sự quê hương, Nguyễn Hữu Dự, bác sĩ chuyên khoa I ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, Ủy viên T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ VN, cho biết từ khi là sinh viên của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, anh đã khao khát được làm việc ở quê nhà, để giúp đỡ người dân địa phương. “Bạn bè thời sinh viên rất ít người về quê làm việc, thế nhưng mình lại thích làm việc ở quê. Chỉ vì một lý do, đó là để được cống hiến cho cộng đồng, bà con ở Bạc Liêu”, bác sĩ Dự chia sẻ.
Vị bác sĩ trẻ tuổi này đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, và triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong vết thương thấu bụng, đã được lãnh đạo đơn vị ghi nhận và đánh giá cao, như: triển khai phẫu thuật nội soi bướu tuyến giáp, hay triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong tắc ruột…
Đại biểu trả lời câu hỏi của sinh viên trong buổi giao lưu  Ảnh: Ngọc Dương 
Lĩnh vực nào cũng cần sáng tạo
Không chỉ có những sáng tạo, đổi mới từ giới nghiên cứu, trí thức trẻ, trong các lĩnh vực khoa học, nhiều gương tiêu biểu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, dù học tập, lao động ở lĩnh vực nào cũng thể hiện sự sáng tạo của mình.
Nguyễn Đình Thanh, kỹ sư khai thác, chuyên viên Phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ Công ty than Quang Hanh, trung bình mỗi năm có từ 3 - 4 sáng kiến. Thanh cho biết: “Sáng tạo không phải là điều gì quá cao siêu. Đó chỉ là sự trăn trở để tìm ra cách xử lý vấn đề một cách tốt nhất, đem lại hiệu quả, kết quả cao nhất”.
Cũng theo Thanh, người trẻ khi làm bất kỳ việc gì cũng nên đặt vấn đề sáng tạo, đổi mới lên hàng đầu, tránh làm việc theo lối mòn, tư duy cũ. “Khi va chạm với mỗi công việc, hãy đặt ra câu hỏi: làm như thế này, làm theo cách này đã tốt nhất chưa? Nếu cảm thấy chưa tốt thì xem lại, thống kê ra cần giải quyết vấn đề như thế nào. Nghiên cứu thêm về khoa học kỹ thuật, tìm hiểu kinh nghiệm của người khác… để có những ý tưởng mới. Đó là cách để giúp bản thân sáng tạo hơn”, Thanh chia sẻ.
Còn Vũ Văn Bình, Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội, được mọi người gọi bằng biệt danh là “cây sáng kiến”. Bình đã từng có những sáng kiến làm lợi 92,1 tỉ đồng. Những sáng kiến của Bình không chỉ làm lợi tiền tỉ mà bên cạnh đó còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn và vì cộng đồng sâu sắc.
Bình cho biết: “Tôi luôn trăn trở sáng tạo là gì, sáng tạo có ích gì? Với tôi, việc dù to hay nhỏ mà đem lại giá trị phục vụ cho cộng đồng, cho nhân loại thì đó là sáng tạo. Và để sáng tạo không khó. Khi gặp công việc khó, không thể làm theo cách thông thường, thì nghĩ ra cách mới, để tìm giải pháp giải quyết vấn đề khó ấy, thì đó là sáng tạo. Bản thân tôi làm việc trong môi trường công nghệ và viễn thông nên chịu sức ép rất lớn và liên tục khi ngành này thay đổi rất nhanh và phát triển thường xuyên. Thế nên đòi hỏi tôi phải luôn phải sáng tạo khi làm việc”.
Anh Bình cũng nhìn nhận: “Giới trẻ có tiềm năng sáng tạo vô hạn. Nhưng cần phải có sự kiên trì, bền bỉ để biến những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến thành sản phẩm thực tế để đóng góp cho xã hội”.
Còn Lê Thị An, công nhân Nông trường cao su Nhà Nai, Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (Bình Dương), là người có tay nghề luôn đạt xuất sắc 10/10. Từ năm 2005 cô luôn được chọn vào đội thi tay nghề khai thác mủ cao su các cấp và đạt được nhiều thành tích cao.
Theo An, dù lao động bằng tri thức hay lao động bằng chân tay thì cũng luôn cần sự sáng tạo. Khi có sự sáng tạo, đổi mới, cải tiến sẽ vừa giúp giảm nhẹ sức lao động vừa giúp nâng cao năng suất. Ngoài sáng tạo thì mỗi người cũng phải học hỏi để nâng cao năng lực. “Bản thân mình dù bận công việc nhưng vẫn dành thời gian để học tập. Mình vừa hoàn thành xong hệ trung cấp, và có ý định sẽ học lên cao đẳng, đại học”, An cho biết thêm.
Ý kiến
Ngưỡng mộ các đại biểu
Em thấy ngưỡng mộ những gương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Em cũng mong ước có thể đạt được những thành tích giống như các anh chị ấy, giúp cho bản thân và xã hội. Và em hiểu rằng mình cần nỗ lực hơn nữa trong việc học tập, rèn luyện bản thân. Cũng sau chương trình này, em biết xác định được mục tiêu của bản thân một cách rõ ràng hơn, và cố gắng biến mục tiêu, dự định ấy thành hiện thực.
Lê Thanh Nhã, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Sự sáng tạo quyết định thành công
Có tham gia buổi giao lưu mới nhận ra sự sáng tạo là cần thiết với người trẻ. Vì sự sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng giúp cơ hội thành công trong học tập, công việc, nghiên cứu… nhiều hơn. Từ buổi giao lưu này, mình đã có những “thần tượng” cho chính mình, đó là 20 gương tiêu biểu của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc 2018. Mình sẽ cố gắng học hỏi và noi gương.
Đỗ Trường Giang, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Lê Thanh - Xuân Phương
Tư duy sáng tạo thể hiện sự năng động
Chia sẻ tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho rằng: “20 đại biểu ưu tú ngồi đây chính là những tấm gương tích cực học tập, rèn luyện và thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy trong thời gian qua nhằm thể hiện khát vọng sáng tạo phụng sự Tổ quốc và năng lực sáng tạo phục vụ cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực. Những chia sẻ của các đại biểu chính là sự lan truyền những cảm xúc, trải nghiệm và mô hình thiết thực, góp phần thúc đẩy cho hoạt động sáng tạo bổ ích của các tầng lớp thanh niên trong thời gian tới”. Anh Thông hy vọng cuộc giao lưu tọa đàm góp phần vào hiệu quả chủ đề năm công tác Đoàn 2018: Năm tuổi trẻ sáng tạo.
Cũng theo Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đối với các bạn trẻ, tư duy sáng tạo là một phẩm chất thể hiện sự năng động và sức sống nhằm khẳng định vị thế của mình trong việc góp phần xây dựng xã hội, đất nước ngày một tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đây đó những bối rối, chần chừ với chuyện sáng tạo là gì, làm gì để sáng tạo, phải chăng sáng tạo chỉ dành cho chuyên gia và mình liệu đủ năng lực để suy nghĩ mà làm nên sáng kiến hay chưa… Sự sáng tạo có thể thực hiện trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, tạo ra sự khác biệt, mới mẻ so với sản phẩm cùng loại ra đời trước đó, vừa đảm bảo có ích, vừa có lợi cho bản thân, gia đình, cho phong trào thanh niên và cộng đồng xã hội.
“Với người trẻ, với sức sống và hoài bão cống hiến thì quá trình sáng tạo chính là niềm say mê nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để tạo ra những giá trị mới, hiện đại mà hữu dụng về cả vật chất lẫn tinh thần”, anh Thông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.