|
Bùi Kim Đỉnh hy sinh trên đất Quảng Trị trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, lúc 28 tuổi. Theo lời trăn trối của anh, sau này một đồng đội đã mang chiếc ba lô có đựng các kỷ vật cùng bộ nhật ký 12 cuốn từ chiến trường miền Nam về trao lại cho gia đình anh ở Việt Trì (Phú Thọ). Nhật ký ghi lại cuộc sống sôi động của một chiến binh diễn ra hằng ngày suốt 8 năm ròng rã, từ 1964 đến cuối 1971, viết bằng mực xanh với các tùy bút, cùng các bài thơ và nhiều bức thư của bè bạn, người yêu gửi anh, số lượng lên đến cả ngàn trang.
Gần đến kỷ niệm 40 năm Bùi Kim Đỉnh hy sinh (4.6.1972-4.6.2012), chúng tôi nhận được tập bản thảo của NXB Thanh Niên sắp in với tựa: Khát vọng sống và yêu - Nhật ký của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh dày 645 trang, mở đầu đề ngày 13.4.1964, lúc anh gần tròn 20 tuổi, mà câu đầu tiên là câu hỏi: “Tại sao tôi lại yêu? Lại ước mơ chung sống với V. nhỉ?”.
Tiếp đó là dàn trải tâm trạng của một người trẻ đang yêu, được viết khá dài, kể lại chuyện trên đường phố Việt Trì, dưới tựa nhỏ: Một giấc mơ… Anh đã mơ gì? Anh viết: “Tôi và V. dắt tay nhau đi trong muôn nghìn những đôi tình nhân khác. Gió đông về lạnh. V. đưa tay lên nâng cái cổ áo len của tôi cho kín gáy. Tôi cũng đưa tay lên kéo cổ áo bông của nàng che cho kín cổ. Sau đó V. luồn hai tay qua nách tôi rồi thọc tay vào hai túi quần khẽ nói: “Ồ! lạnh quá… nhờ tí…”. Tôi đưa mắt nhìn nàng một cái rồi không ai bảo ai, một cái hôn nồng nàn đã đến… Cái hôn dứt - Nàng cúi trầm mặt xuống đất, lặng lẽ bước - giờ phút yên lặng kéo dài lê thê, chúng tôi nghe thấy tim nhau đập thình thịch, nghe thấy hơi thở dồn dồn. Bỗng V. nói khẽ: Chúng mình lãng mạn quá! Giữa đường phố thế này… Lại một cái hôn nữa dài hơn nổ ra. Chúng tôi tới rạp xi nê cùng nhau xem bộ phim “Hai người từ biệt con sông lớn”… Những dòng tiếp theo, anh Đỉnh gọi đó là “giấc mơ tuyệt đẹp”, một giấc mơ mà đời anh “muốn ghi nhớ mãi”.
Tám năm sau, trải qua đoạn đời chiến binh, những cảm xúc ngọt ngào vẫn bàng bạc trên các trang nhật ký, như vào 9.10.1971 (khoảng 6 tháng trước ngày hy sinh) anh viết: “Mùa đông đã đến. Cái cảnh rét mướt, vất vả và gian lao sẽ lại đến với cuộc sống chinh chiến (...). Ta lại chạnh nghĩ đến cuộc sống riêng tư. Nhớ và nhớ! Mong và mong! Cái nhớ mong da diết và càng nghĩ nhiều càng nhớ (…) kể ra thì cũng đã yêu, song đều tan vỡ cả”. Anh đã viết nhiều đoạn nhớ thương thắm thiết với những người anh yêu như Thanh, như Yến, hoặc như Phương trong ngày 24.10.1971: “Lã Thị Mộc Phương đã đến với ta. Một ngày chủ nhật tạm gọi là ý nhị. Và để rồi khi em ra về, ta nhớ!… Lòng mình sao dễ rung cảm thế nhỉ? Ừ! Đúng rồi! Ở cái tuổi yêu này có lẽ bao giờ người ta cũng thấy như thế”.
|
Khi chiến trận nổ lớn, anh sống những giây phút bừng bừng nhiệt huyết, song cũng hết sức ngậm ngùi trước những bi thương, anh xót xa khi chứng kiến những người nữ cứu thương mười chín đôi mươi vất vả dưới bom đạn ác liệt, chẳng biết mạng sống trẻ trung của mình sẽ bị dứt đi lúc nào. Tâm cảnh đó được Đoàn Công Tính, cựu phóng viên chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân, nhắc đến trong bài viết ở đầu bản thảo cuốn Khát vọng sống và yêu với nhận xét: “Bùi Kim Đỉnh là một trong các tác giả đã ghi lại sự thật chiến tranh - cái sự thật chiến tranh bao giờ cũng đủ mật ngọt và thuốc đắng” và trích đoạn Bùi Kim Đỉnh mô tả về trận địa như sau: “Cái tĩnh mịch của chiến trận đến ghê rợn cả người. Phía đông, ánh trăng cuối tuần đang cố gắng xé rách màn đêm để rọi xuống mặt đất những ánh vàng yếu đuối càng làm cho cảnh vật thêm xơ xác tiêu điều. Màu đất đỏ quạch, xác chết ngổn ngang, mùi hôi thối sặc sụa của thịt người làm ô uế cả một vùng rộng lớn. Chúng mình gọi cái mùi đó là “mùi chiến trận”.
Ở đây, cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Bạn đang đi cùng tôi, chỉ oàng một cái là bạn có thể sang thế giới bên kia. Ôi! Ghê rợn! Nhưng đó là sự thật! Song có lẽ không ai dám nói lên cái sự thật này. Những đêm như thế này, từng đoàn thương binh từ mặt trận được khiêng ra tuyến ngoài. Trong đêm trầm mặc, những con người vẫn náo nức hoạt động. Ồ! Lạ nhỉ? Con gái cáng thương à? Đúng rồi! Con gái! Ôi, thật là chua chát! Họ làm công việc này tất nhiên là họ phải chết chóc chứ! Song họ vẫn phải làm vì nhiệm vụ cách mạng vẻ vang và vì sự sống còn của đồng loại. Cảm xúc của tôi thật bùi ngùi. Giá như tôi là thương binh thì vẫn phải nằm trên cáng. Tôi chỉ biết thương và ngậm ngùi cho họ mà thôi….”
Liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh, sinh năm 1944, tại huyện Hạc Trì (TP.Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Anh là con cả trong một gia đình có mười người con. Được nuôi dưỡng trong một gia đình nền nếp, gia phong lễ giáo tại vùng quê giàu truyền thống văn hóa của quê hương rừng cọ đồi chè, trong anh đã kết tinh được những gì cao quý nhất của gia đình và quê hương. Có thể nói: Anh là một người con tiêu biểu của Đất Tổ Hùng Vương. Ba năm đầu nhập ngũ anh là lính thông tin vô tuyến điện, sau là lính trinh sát pháo binh của Sư đoàn 308 anh hùng. Ròng rã trong tám năm trui rèn gian khổ trên thao trường từ Phú Thọ, đến Tuyên Quang, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên rồi tham chiến tại chiến dịch đường 9, Khe Sanh, Nam Lào, Quảng Trị; với bản tính chu đáo, siêng năng và một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn nên cuốn nhật ký anh để lại đã được ghi chép tỉ mỉ, nhiều tư liệu, phản ánh giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất của dân tộc ta trong thế kỷ hai mươi (…). Anh để lại cho chúng ta một cuốn nhật ký mang tính nhân văn cao đẹp. Đó là Khát vọng sống và yêu của anh cũng như thế hệ các anh thời đó. Trích lời giới thiệu của NXB Thanh Niên |
Giao Hưởng
>> Đọc sách cùng con
>> Nguyễn Nhật Ánh mang “hai con mèo” ra công viên
>> Sách hè cho thiếu nhi
Bình luận (0)