Khẩu chiến từ Trump - Harris tới lưỡng đảng Mỹ

Khánh An
Khánh An
02/08/2024 06:15 GMT+7

Phát ngôn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về chủng tộc của Phó tổng thống Kamala Harris khiến cuộc đua vào Nhà Trắng thêm kịch tính.

Đài NBC ngày 1.8 đưa tin cựu Tổng thống Trump vừa đưa ra tuyên bố mà truyền thông Mỹ đánh giá là sai lệch rằng đối thủ tranh cử tiềm năng từ đảng Dân chủ - Phó tổng thống Harris "chuyển thành người gốc Phi".

"Bà ấy luôn là người gốc Ấn và bà ấy chỉ quảng bá cho di sản Ấn Độ. Tôi không biết bà ấy là người gốc Phi cho đến khi bà ấy tình cờ chuyển sang gốc Phi và giờ bà ấy muốn được biết đến là người gốc Phi", ông Trump phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Quốc gia các nhà báo gốc Phi (NABJ) ở Chicago (bang Illinois) hôm 31.7.

Ông Trump nghi ngờ nguồn gốc châu Phi của bà Harris

 Diễn biến gay cấn

Tại hội nghị, nhà báo Rachel Scott của Đài ABC News liệt kê các phát biểu bị cho là kỳ thị chủng tộc của ông Trump và hỏi vì sao cử tri gốc Phi nên bỏ phiếu cho ông. Cựu tổng thống bức xúc trả lời ông không nghĩ rằng mình từng bị hỏi một câu như thế và "theo cách kinh khủng". "Bạn thậm chí còn không nói xin chào, ngài có khỏe không. Bạn có làm ở Đài ABC News không? Tôi nghĩ rằng họ là mạng lưới tin giả khủng khiếp", ông vặn lại trước khi nói rằng mình yêu những người Mỹ gốc Phi và đã làm rất nhiều cho họ.

Khẩu chiến từ Trump - Harris tới lưỡng đảng Mỹ- Ảnh 1.

Ông Trump trả lời phỏng vấn tại hội nghị NABJ hôm 31.7

Reuters

Sau đó cùng ngày, phát biểu tại Houston (bang Texas), bà Harris nói cách ông Trump mô tả bà thể hiện "màn trình diễn cũ, sự chia rẽ và thiếu tôn trọng".

"Tôi chỉ nói thế này, người dân Mỹ xứng đáng điều tốt đẹp hơn, một lãnh đạo nói sự thật, không phản ứng bằng sự thù địch và tức giận khi đối mặt với sự thật. Chúng ta xứng đáng có một nhà lãnh đạo hiểu rằng sự khác biệt của mình không chia rẽ mà là nguồn sức mạnh căn bản", bà nhấn mạnh.

Công kích lẫn nhau

Chiến dịch tranh cử của bà Harris cáo buộc ông Trump "công kích cá nhân và lăng mạ các nhà báo gốc Phi theo kiểu mà ông đã làm trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình".

Theo CNN, phu quân của bà Harris là ông Doug Emhoff nói phát biểu của ông Trump phản ánh "một phiên bản tệ hơn của một con người vốn đã khủng khiếp". Cũng về phía đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Mark Kelly cho rằng ông Trump đang lo lắng, dù phát biểu như thế không phải là bất ngờ. Hạ nghị sĩ Steven Horsford cáo buộc ông Trump phát ngôn "kỳ thị chủng tộc và xúc phạm".

Thượng nghị sĩ James Vance, ứng viên Cộng hòa liên danh tranh cử phó tổng thống, lên tiếng bênh vực khi nói ông Trump đã "bước thẳng vào hội nghị NABJ và cho thấy ông có đủ can đảm để trả lời những câu hỏi khó, trong khi bà Harris vẫn tiếp tục trốn tránh mọi sự soi xét hay phương tiện truyền thông không thân thiện như một kẻ hèn nhát".

Tình báo Mỹ nghi ngờ Nga ủng hộ ông Trump tranh cử

Bên cạnh đó, nhiều nghị sĩ Cộng hòa lên tiếng bảo vệ ông Trump hoặc chỉ trích bà Harris. Thượng nghị sĩ Josh Hawley đồng ý với ông Trump rằng "có rất nhiều vấn đề về phó tổng thống và hồ sơ của bà ấy". Thực tế hơn, Thượng nghị sĩ Thom Tillis nhấn mạnh cần tập trung vào những vấn đề có thể công kích đảng Dân chủ như "thất bại về kinh tế, thất bại ở biên giới, an ninh quốc gia".

Khả năng nối lại đối thoại hạt nhân Triều Tiên

Reuters ngày 1.8 dẫn lời cựu quan chức ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Il-kyu cho rằng nước này muốn nối lại đối thoại hạt nhân với Mỹ nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống và đang làm việc để đưa ra một chiến lược đàm phán mới. Theo ông, Triều Tiên xem Nga, Mỹ và Nhật Bản là các nước ưu tiên về chính sách đối ngoại trong năm nay và sau này. Do đó, Triều Tiên vẫn muốn mở lại đàm phán hạt nhân với Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11 và đặt các mục tiêu kêu gọi viện trợ kinh tế, dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với các chương trình vũ khí và được ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Triều Tiên lẫn Mỹ chưa bình luận về thông tin trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.