TNO

Khẽ chạm tay vào Tháp Đôi

03/06/2016 11:29 GMT+7

(iHay) Bình Định là một xứ được mệnh danh đất Võ với biểu tượng quen thuộc là hình ảnh vua Quang Trung cưỡi ngựa vung gươm. Vậy thủ phủ của tỉnh Bình Định là thành phố Quy Nhơn có biểu tượng là gì?

(iHay) Bình Định được mệnh danh đất Võ với biểu tượng quen thuộc là hình ảnh vua Quang Trung cưỡi ngựa vung gươm. Vậy thủ phủ của tỉnh Bình Định là thành phố Quy Nhơn có biểu tượng là gì? Dù chưa có đáp án được coi là chính thức nhưng nếu hỏi người Quy Nhơn, có lẽ họ không mấy đắn đo mà nói rằng: Tháp Đôi.

Tháp Đôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh vì ngày xưa nằm ở xã Hưng Thạnh thuộc huyện Tuy Phước nhưng người dân chỉ quen gọi là Tháp Đôi mà thôi vì đơn giản đó là hai ngọn tháp một lớn, một nhỏ đứng cạnh nhau.
Tháp Đôi thuộc phường Đống Đa, cách đây 20 năm được coi là ngoại ô Quy Nhơn nhưng giờ đã thấy rất gần vì cách vị trí trung tâm quảng trường có tượng đài vua Quang Trung cưỡii ngựa chỉ chừng 1,5km. Tháp Đôi được cho xây vào khoảng thế kỷ 10-11 là dấu tích thời huy hoàng của người Chiêm Thành trên vùng đất mà ngày nay là tỉnh Bình Định.
Tháp Đôi nằm bên bờ của đầm Thị Nại trên những cánh đồng muối. Ngày xưa khi còn kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) của vương quốc Chiêm Thành thì từ ngoài biển muốn đến được kinh đô Đồ Bàn (nay là xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) thì người ta phải vượt qua đầm Thị Nại trước rồi mới từ đó men dọc theo nhánh sông Côn mà lên kinh sư. Do vậy trải dọc bờ đầm Thị Nại quanh vị trí Tháp Đôi là nơi quần cư của người Chăm sinh sống nghề chài lưới, đi biển và làm muối. Mãi về sau này, khi đào móng để xây nhà cửa, một số người dân ở phường Đống Đa vẫn còn thấy vết tích của các ngôi mộ cổ của người Chăm cách đó đến cả 500-600 năm.
Trở lại Quy Nhơn thăm Tháp Đôi thấy sừng sững với chiều cao 20 mét, uy nghi nhờ được trùng tu, sửa chữa của các tổ chức bảo tồn di sản nước ngoài chứ trước đây chừng hơn 30 năm, nó cũng giống như bao ngọn Tháp Chàm khác trên đất Bình Định, cũng bị đổ nát, hoang phế, cây cỏ mọc um tùm trên mái tháp.
Đời người thì ngắn mà dòng chảy lịch sử lại rất dài, phải biết và hiểu những gì còn hiện diện hôm nay để biết yêu và quý hơn những tiền nhân dù là người Chiêm Thành hay Đại Việt đã góp công tạo nên mảnh đất ngày nay mà chúng ta sinh sống.
Đến với Quy Nhơn nếu có đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, bãi tắm Hoàng hậu (bãi Trứng) hay thả mình vùng vẫy với làn nước ấm của biển chiều thì cũng đừng quên ghé thăm Tháp Đôi – nơi mà khi đến, bạn hãy chạm vào viên gạch đỏ thắm rồi nhắm mắt để nghe những tiếng thì thầm của lịch sử vọng về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.