Khép lại DDVN 21: Sẽ tìm nhau trong ngày hội mới

04/01/2010 00:12 GMT+7

4 đêm Duyên Dáng Việt Nam (DDVN), đêm nào cũng vậy, khi tấm màn nhung mở ra chầm chậm, tôi nhắm mắt lại, lòng rung lên và thầm khấn cho mọi điều may mắn. Sau đó tôi mở mắt ra để cảm nhận sân khấu sáng dần lên, và nhìn một vòng qua ê-kíp của mình chìm trong bóng tối. Với tôi đó là giây phút hạnh phúc... Nghe đọc bài

1. Khi tôi đề nghị chủ đề chương trình cho DDVN 21 vài người có e ngại. Có người nói tại sao không chọn những chủ đề gần gũi hơn như trước đây? Chào Việt Nam, có vẻ to tát quá!

Có lẽ mọi người nghĩ khi nói đến đề tài này phải là những gì to lớn, nhưng khi nghe tôi giải thích thì cũng “xuôi”, vì không ai nghĩ Chào Việt Nam chính là “chào niềm tin trong ngần như giọt sương - chào một cành hoa dại  không vô ích bên đường” như Đỗ Trung Quân đã dẫn.

Chào Việt Nam đã ra đời như thế. Đó là đầu tháng 9 năm 2009.

2. Sau đêm diễn thứ 2 của DDVN 21, tôi ngủ được một giấc đến 7 tiếng đồng hồ. Không gì sung sướng bằng lòng yên bình, tắt cái phone và đặt lưng xuống nệm! Để cho Chào Việt Nam mở màn đúng vào ngày cuối năm, một tuần lễ trước ê-kíp thực hiện gần như thức trắng: bên trái tôi là Tùng (âm thanh), là Bảo (ánh sáng); bên phải tôi là Tín, là Vũ, là Trung và ê-kíp màn hình của Hồng Nhân - Trần Linh. Sau lưng tôi là Sơn, là Bảo (trợ lý). Phía trước tôi là Huân, là Nam và nhóm làm sân khấu của Lữ Nhạc. Xa hơn một chút là những người tổ chức, là Tấn Lộc - người lo cho “phần hồn” của múa trên sân khấu. Và còn bao nhiêu người khác nữa... Mọi người ai cũng mệt nhoài và căng thẳng. Có quá nhiều công việc phải giải quyết, quá nhiều áp lực đặt trên vai. Những ngày cuối tôi cảm giác mình sẽ gục xuống và ngủ bất cứ lúc nào... Tôi sẽ làm được gì nếu không có những sự chia sẻ hết lòng đó?

3. Sau đêm diễn đầu tiên, anh em tưởng đã có thể tự thưởng cho mình bằng một giấc ngủ, nhưng điều đó cũng không thể. Cần phải chỉnh sửa lại. Anh Nguyễn Công Khế gọi trao đổi với tôi lúc 2 giờ sáng. Và ngày đầu năm mới, từ 9 giờ chúng tôi đã có mặt ở sân khấu, lại chỉnh lại sửa, làm miệt mài cho đến lúc mở màn.

Và đêm đó chúng tôi đã ôm nhau khi chương trình kết thúc, Chào Việt Nam đã đúng như những gì chúng tôi mong muốn...

4. Mỗi lần bài Ngày Muộn của Lê Quang viết riêng cho Huỳnh Phúc Điền vang lên, lòng tôi lại rưng rưng những cảm xúc khó tả. Có quá nhiều kỷ niệm trong những ngày bên nhau, ngày Điền bệnh, những ngày cho DDVN 19...

Buổi sáng 27.12.2009, trước khi vào giai đoạn nước rút cho chương trình, anh em trong ê-kíp hẹn nhau lên thăm mộ Điền. Vẫn vuông cỏ xanh và hoa sứ trắng, vẫn gương mặt trên bức tượng đá, nhưng tôi thấy Điền như buồn buồn... Mà sao không buồn được Điền nhỉ, khi anh em đang vui vầy bên nhau. Điền trước thường là đầu tàu của những cuộc vui, giờ ở đây một mình, lặng lẽ quá...

5. Lần đầu tiên gặp Phạm Quỳnh Anh, cô đã cho tôi cảm giác thật gần gũi. Chiếc áo đầm đen, đôi dép mỏng, không hóa trang, trông cô giản dị và thanh khiết biết bao.

Khi bàn về chương trình, Đỗ Tuấn, Ngô Mỹ Uyên và tôi phải thuyết phục mãi người quản lý Phạm Quỳnh Anh mới đồng ý cách dàn dựng theo kịch bản, vì anh ta sợ sẽ làm hỏng bài Bonjour Việt Nam đã quá nhiều người biết đến.

Và đến khi nhìn Phạm Quỳnh Anh cất tiếng hát trên sân khấu, với bầy chim trắng bay cao, hàng tràng vỗ tay vang lên, tôi mới cảm nhận được trọn vẹn những gì bài hát đã mang đến. Một cảm giác ngây ngất, sung sướng và hãnh diện khi được chào đất nước của mình... Xin cảm ơn sự góp mặt quý giá này.

oOo

DDVN 21 đã khép lại. Sẽ còn nhiều DDVN tiếp theo, sẽ còn nhiều bàn tay góp vào cho những chương trình tới khởi sắc và thăng hoa hơn nữa...

Như lời dẫn cho Hội Trùng Dương Đỗ Trung Quân đã viết:

Như trăm suối đổ về sông

trăm sông về biển

trăm biển thành đại dương

trăm đại dương thành nhân loại

Và chúng ta tìm lại nhau trong ngày hội tưng bừng của đất nước, như lời một câu hát “tìm nhau khi nhân loại được trùng tu...”.

Vâng, chúng ta sẽ tìm nhau trong ngày hội mới. Chào Duyên Dáng Việt Nam 21!

Đạo diễn Đinh Anh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.