Sau cơn bão Chanchu, người ta lại thấy hình ảnh trẻ em những làng chài gặp tai nạn phải cắn răng nuốt nỗi đau vào trong ngực để bươn chải kiếm sống. Bởi từ đây nhiều em đang tuổi ăn tuổi lớn tuổi học tuổi chơi đã phải thành trụ cột của cả gia đình, những gia đình không còn lao động chính vì người cha, người anh đã vĩnh viễn ra đi. Có những em mới học lớp 5, lớp 6 đã phải nghỉ học. Các em phải làm những công việc nhọc nhằn lẽ ra chỉ dành cho người lớn. Và khi đủ 15, 16 tuổi, các em sẽ lại tiếp nối cha anh mình ra biển, đối mặt hằng ngày với hiểm nguy và lao nhọc. Với các em, có lẽ ngày 1 tháng 6 đang dần trở nên xa lạ, vì trong ngày này, các em đã phải làm những công việc của người lớn, phải gánh những toan lo của người lớn, và buộc phải quên đi những gì mà lẽ ra tuổi thơ các em được hưởng. Chúng ta chưa thống kê được trong cả nước bây giờ có bao nhiêu "búp trên cành" bị buộc phải thành "cây" trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó và nguy hiểm, nhưng con số ấy chắc chắn không hề nhỏ. Đó là một vấn đề cũng không hề nhỏ của xã hội mà không chỉ đến ngày 1 tháng 6 mới được chúng ta nhớ đến, nghĩ đến. Mặc dù từ nhớ, nghĩ đến giải quyết là cả một khoảng đường dài, nhưng nếu không nhớ hay nghĩ tới thì cũng chẳng bao giờ có những quyết sách những biện pháp làm giảm thiểu tình trạng đau lòng này. Như ở một tỉnh nghèo là Quảng Ngãi, hằng năm có hàng vạn trẻ em phải tha hương rời mái ấm gia đình vào Sài Gòn kiếm sống. Có những cuộc ra đi tự nguyện trong hoàn cảnh "chẳng đặng đừng", và cũng có không ít cuộc ra đi vì bị lừa phỉnh, lường gạt, lôi kéo. Đã xuất hiện những tay "cò" chuyên mối manh lừa trẻ em ở những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đời sống còn khó khăn để đưa chúng vào Sài Gòn "bán" cho các "ông chủ" sử dụng bất hợp pháp lao động trẻ em. Những "dịch vụ khai thác trẻ em" vẫn xảy ra hằng ngày trong một đất nước có pháp luật, có những tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, những tổ chức chăm sóc trẻ em. Tôi có người bạn làm công tác ở một cơ quan bảo vệ trẻ em, anh cho biết những nỗ lực của cơ quan anh nhằm đưa trẻ em tha hương "hồi gia" nhiều khi chỉ là những nỗ lực trong vô vọng, vì số trẻ em đưa được về gia đình thì ít mà số trẻ em bỏ nhà ra đi thì ngày một nhiều. Anh nói rằng khi cả xã hội, gồm từ các cơ quan chức năng đến các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và cuối cùng là toàn dân "chưa vào cuộc" thì một vài cơ quan đơn lẻ với những hoạt động đơn lẻ không thể nào giải quyết được vấn đề. Tôi chia sẻ với anh bạn suy nghĩ này. Đã đến lúc xã hội ta phải thực sự suy nghĩ đến vấn nạn trẻ em bị buộc phải lao động nặng nhọc trước tuổi lao động, bị buộc phải thành "cây" khi đang còn là "búp". Vấn đề hỗ trợ các em nghèo trong cuộc mưu sinh, hỗ trợ các em học nghề để "vừa học vừa làm" rất cần đặt ra và giải quyết trong từng địa phương. Nếu những địa phương nào do quá nghèo không giải quyết được thì phải thống kê tổng kết cụ thể để cả nước cùng góp tay giải quyết. Ngày 1 tháng 6 chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó đặt ra được những hướng giải quyết thiết thực cho "quyền trẻ em nghèo" được sống và học tập trong một môi trường có thể chấp nhận được. Đã đến lúc nên bớt nói những khẩu hiệu mà nên làm những việc cụ thể trong một kế hoạch tổng thể để câu thơ của Bác Hồ từ 60 năm trước trở thành hiện thực với tất cả trẻ em Việt Nam.
Thanh Thảo
Bình luận (0)