Khi các lò gạch ngừng hoạt động

06/06/2014 09:54 GMT+7

Hàng nghìn lao động tham gia sản xuất gạch trên địa bàn TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) lo lắng vì các lò gạch thủ công sắp phải ngừng hoạt động, trong khi người dân chưa nhận được thông báo cụ thể nào về chính sách hỗ trợ di dời, chuyển đổi nghề nghiệp.

Hàng nghìn lao động tham gia sản xuất gạch trên địa bàn TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) lo lắng vì các lò gạch thủ công sắp phải ngừng hoạt động, trong khi người dân chưa nhận được thông báo cụ thể nào về chính sách hỗ trợ di dời, chuyển đổi nghề nghiệp.

  Lò gạch thủ công
Lò gạch thủ công tại xã Ninh Xuân, TX.Ninh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung

Cuối năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa có Chỉ thị 22 về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục; tăng cường sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến tại khu vực các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh và TX.Ninh Hòa phải chấm dứt hoạt động vào tháng 6.2014.

TX.Ninh Hòa là địa phương tập trung nhiều lò gạch nhất tỉnh Khánh Hòa. Hiện tại trên địa bàn TX có 98 lò gạch thủ công, sản lượng gạch hằng năm từ 100-120 triệu viên. Số lao động tham gia sản xuất gạch bình quân 10-15 người/lò. Việc sản xuất gạch thủ công từ lâu được xem là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, cần phải di dời khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất gạch nung tại đây đã tồn tại hàng chục năm, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Vì thế, việc phải chấm dứt hoạt động theo Chỉ thị 22 của UBND tỉnh Khánh Hòa trong tháng 6 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các chủ lò gạch cũng như người lao động.

Bà Lê Thanh Thủy (49 tuổi, ở thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân), lo lắng: “Gia đình tôi đầu tư 600 triệu đồng xây 3 lò gạch. Nếu phải dừng sản xuất thì chúng tôi không biết phải xoay xở ra sao, lò gạch sẽ thành đống đất bỏ không. Khó khăn không chỉ đè nặng lên gia đình tôi, mà cả 16 lao động nghèo đang làm việc tại lò gạch. Chúng tôi không có ruộng nương nên không biết sẽ làm gì để sống nếu không được hỗ trợ ngay sau khi lò gạch dừng hoạt động”. Ông Lê Văn Hài (thôn Phước Lâm) nói: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương của tỉnh, nhưng việc phải ngừng sản xuất trong tháng 6 là quá gấp gáp và chúng tôi không thấy đề cập cụ thể đến việc hỗ trợ cho người dân hay vị trí di dời là ở đâu nên rất lo lắng. Tôi còn mấy bãi đất dữ trữ, rồi đống bã mía làm chất đốt lò mua về để đó, giờ ngừng thì biết tính sao ?”. Ông Nguyễn Lý (làm tại lò gạch ông Hài), cho biết gia đình ông có 4 người, trước đây ai thuê mướn gì làm nấy, cuộc sống bấp bênh. Từ khi cả nhà xin vào làm gạch, cuộc sống gia đình ổn định hơn nhiều. Nếu lò gạch không hoạt động nữa thì không biết cả nhà sẽ làm gì.

Xã Ninh Xuân là nơi tập trung nhiều lò gạch nhất TX.Ninh Hòa, với hơn 50 cơ sở tư nhân sản xuất gạch thủ công. Ông Nguyễn Trinh - Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, cho biết sau khi xã tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 22 của tỉnh đến các cơ sở sản xuất gạch, đa số người dân cho rằng vốn đầu tư sản xuất gạch rất lớn, hầu hết là vay ngân hàng, nếu ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến hoàn trả tiền gốc lẫn lãi vay. Người dân đề nghị tỉnh có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất khác và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân sản xuất gạch; đồng thời lùi thời gian chấm dứt hoạt động đến năm 2015.

Ông Trần Văn Minh - Phó chủ tịch UBND TX.Ninh Hòa, cho biết địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động các cơ sở chấm dứt hoạt động sản xuất lò gạch thủ công theo chỉ thị của tỉnh. Tuy nhiên, làng nghề gạch đã có cả trăm năm nay, giờ phải ngừng hoạt động sẽ khiến người dân gặp khó khăn. Địa phương mong tỉnh sớm phê duyệt phương án hỗ trợ di dời, để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.

Nguyễn Chung

 >> Dân kêu cứu vì lò gạch thủ công
>> Lò gạch thủ công: Bỏ thì thương, vương thì tội
>> Lò gạch “hun khói” QL1A
>> Đóng cửa 8 lò gạch thủ công
>> Sống trong khói lò gạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.