Công việc chỉ dành cho những người không xin được việc khác?
“Nếu chưa xin được việc thì đi làm sales tạm đi” là những lời rỉ tai nhau của các bạn trẻ mới ra trường. Từ suy nghĩ này khiến cho giới trẻ hiện nay dễ trở nên mất định hướng và thiếu gắn bó trong công việc.
Ông Tăng Trị Trọng cho biết: “Sales là nghề có tỷ lệ chuyển đổi công việc cao, khoảng 30% hoặc hơn tùy vào lĩnh vực. Một phần do họ thiếu động lực, nhưng lý do lớn nhất là không phải ai cũng đủ khả năng để làm nghề sales lâu dài. Công việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng như: kỹ năng tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, thu thập thông tin, phát hiện nhu cầu, trình bày giải pháp, xử lý tình huống, chốt đơn hàng và phục vụ trước, trong và sau bán hàng. Đặc biệt đối với nghề telesales (kinh doanh qua điện thoại), phải có khả năng giao tiếp truyền cảm, lắng nghe, nắm bắt tâm lý, trình bày nội dung mạch lạc và dễ hiểu”.
Trái ngọt chỉ dành cho những ai đủ kiên nhẫn
Chúng ta thường liên kết “sự từ chối” với “thất bại”. Đây cũng là lý do khiến nhân viên sales mới vào nghề cảm thấy nhanh chán nản và muốn nghỉ việc. “Làm sales, khi bị từ chối thì phải cảm thấy là chuyện bình thường vì khách hàng không từ chối bạn mà họ chỉ chưa có nhu cầu, chưa có ngân sách, chưa vội để mua, chưa tin tưởng vào dịch vụ và sản phẩm của bạn có thể mang lại giá trị đúng như mong muốn cho họ,” ông Trọng nói.
15 năm gắn bó cùng VietnamWorks từ khi còn là công ty khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Vân Anh bắt đầu ở vị trí sales và bây giờ đã trở thành Giám đốc khu vực miền Nam. Đồng hành cùng công ty qua những giai đoạn khó khăn nhất nhưng chưa bao giờ chị Vân Anh có ý nghĩ từ bỏ nghề. “Khi VietnamWorks mới ra đời, khách hàng còn e dè vì dịch vụ còn quá mới. Việc bị từ chối mỗi ngày là điều rất bình thường. Nhưng sau rất nhiều nỗ lực và kiên nhẫn, cuối cùng trái ngọt cũng đến. Bây giờ đội ngũ sales của chúng tôi đã lên đến hơn 200 nhân sự, câu chuyện nhẫn nại từ những ngày đầu luôn là động lực để họ đứng lên sau những thất bại”.
Khi chính sự từ chối cũng mang lại “doanh số”
Có một định nghĩa rất hay về nghề Sales đó là “nghề kinh doanh dựa trên sự từ chối”. Nghe có vẻ phi lý nhưng điều này đã thay đổi nhận thức các bạn trẻ về nghề sales, đồng thời còn nguồn động lực rất lớn cho họ theo đuổi nghề này.
Ông Trọng lý giải: “Tôi ví dụ, theo xác suất thống kê cứ gọi 100 cuộc gọi thì sẽ chốt được 1 đơn hàng. Như vậy, người làm sales sẽ phải chấp nhận bị từ chối 99 lần trước khi có được một cuộc gọi thành công. Nếu chỉ tiêu là con số X, thì chúng ta cứ lấy X và nhân lên 100 lần, để ra được số cuộc gọi phải thực hiện. Như vậy, càng bị từ chối nhiều cũng đồng nghĩa bạn sẽ càng mang về nhiều đơn hàng hơn, và từng bước gần hơn với chỉ tiêu đề ra. Chính vì hiểu quy luật này, người làm nghề sales sẽ kiên nhẫn hơn, có cách làm việc khoa học và vẫn duy trì được “ngọn lửa” trong công việc”.
“Cung cấp giải pháp” không phải là nghề cho tất cả mọi người
“Sau hơn 20 năm làm việc và tiếp cận các bạn trẻ, nhiều bạn vẫn cho rằng sales là “công việc mang tính chất đi xin” và không có tương lai phát triển. Tôi luôn chia sẻ với các bạn trẻ rằng, để thành công trong nghề phải luôn ghi nhớ nguyên tắc vàng này: “Hãy bán cái khách hàng cần, không bán cái chúng ta có”. Có như vậy, chúng ta mới biến nghề sales trở thành một “nghề đi cho“. Mình phải hiểu khách hàng đang cần gì để từ đó mang đến cho họ một giải pháp phù hợp nhất”.
Do nhu cầu tuyển dụng của các công ty luôn cao, nên nhiều người vẫn cho rằng đến về nghề sales rất dễ. Nói như vậy có phải ai cũng dễ thành công trong nghề? Ông Trọng trả lời: “Để thành công trong nghề sales cần phải có những phẩm chất nhất định, nhưng quan trọng trước hết là bạn cần phải có một thái độ tích cực, cởi mở và sẵn lòng học hỏi. Kỹ năng có thể đào tạo được, nhưng nếu không phải là người luôn nhìn nhận tích cực và kiên nhẫn thì rất khó để đi xa trong nghề. Nhiều người gắn bó rất lâu với nghề này vì họ thực sự yêu nghề chứ không phải lý do vật chất, vì họ hiểu “có gieo thì mới có gặt”. Để “yêu” được nghề là cả một quá trình, trước hết thì phải “cảm” được cái hay của nghề đã giúp mình có được những kỹ năng gì cho công việc và cuộc sống, sau đó mới “ngộ” ra được ý nghĩa việc mình đang làm, rồi thì họ mới có thể “yêu” nghề và làm việc bằng tất cả nhiệt huyết của mình”.
Bình luận (0)