“Khi được cô giáo mời đến trường, tôi lấy làm lạ. Con bé vốn ngoan, học giỏi, thế mà chẳng hiểu sao cô giáo lại mời đến gặp với vẻ khẩn trương như vậy? Đến khi nghe cô thông báo con mình lấy cắp đồ của bạn, tôi tưởng mình nghe nhầm...”. Chị Mai, nhân viên công ty bao bì L.T (quận 7 - TPHCM), chia sẻ như vậy trong một buổi tọa đàm về nuôi dạy con mới đây.
Quá chủ quan
Bé Linh, con chị Mai, vốn xinh xắn, lanh lợi nên đi đâu chị cũng dẫn bé theo và rất tự hào về con. Chị còn khoe: “Linh được bạn bè yêu mến lắm, hôm nào đi học về cũng đầy quà tặng, khi thì cục gôm, cây bút, truyện tranh... Quà tặng của bạn để đầy một cái bàn”. Hơi nghi ngờ về điều này, cô em dâu nhắc nhở: “Chị xem lại chứ quà tặng gì nhiều thế?”. Không những không lưu ý mà chị Mai còn phật lòng cho rằng cô em thấy mọi người yêu mến con mình nên ganh tị.
Cho đến khi chị Mai nhận được tin sét đánh là con bé ăn cắp cái máy tính của bạn ngồi kế bên. Khi bị phát hiện, con bé khăng khăng là mẹ mới mua cho chứ chẳng lấy của ai. Cho đến khi bạn này chỉ ra tên mình được ghi nhỏ xíu dưới góc trái chiếc máy tính thì Linh mới thừa nhận. Lúc này, nhiều bạn học mới nói với cô giáo là các em thường xuyên bị mất đồ và nghi ngờ Linh lấy. Bối rối, cô giáo phải mời chị Mai đến.
“Thất vọng, xấu hổ, tôi lôi con bé ra giữa sân tát một cái và bảo: “Nhà mình có thiếu thứ gì đâu, tại sao con lại làm xấu mặt ba mẹ như vậy? Chiều nay về nhà, mẹ sẽ méc ba đánh cho một trận”. Không ngờ, nghe vậy, con bé sợ quá nên hôm đó bỏ nhà đi luôn. Khi tìm được con về, tôi mới thấy cách dạy con của mình có vấn đề. Tôi đã quá chủ quan, không để ý hành vi cử chỉ của con; đến khi con lầm lỗi thì lại đánh chửi, thật là sai lầm” - chị Mai than thở.
Đừng gọi con là “thằng ăn cắp”
Trong chương trình “Rèn luyện kỹ năng cho con” do Công đoàn Trường ĐH Ngân hàng TPHCM tổ chức cho giảng viên, CBCNV của trường mới đây, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh kể khi phát hiện tiền trong ví bị mất, chị bạn của bà đã nổi giận mắng con: “Thằng ăn cắp!”.
Chuyên gia Thụy Anh đã khuyên nên xin lỗi con vì trót gọi thằng bé là “thằng ăn cắp” và tìm hiểu nguyên nhân nào khiến cậu bé đã làm thế. Khi người mẹ nói: “Mẹ xin lỗi vì đã gọi con là “thằng ăn cắp”. Thật bất ngờ, cậu bé nghẹn ngào và òa khóc nức nở: “Con cũng xin lỗi mẹ vì đã lấy tiền của mẹ mà không hỏi”. Do là con một nên cậu bé quá được cưng chiều; bất cứ vật gì, bố mẹ cũng mua sẵn mà chưa cho con tiền bao giờ. Thằng bé rất thèm cái cảm giác tự cầm tiền mua một vật gì đó mà mình yêu thích nên đã lấy tiền của mẹ.
Còn chị Minh, đồng nghiệp của tôi, kể cuối tuần rồi, chị dẫn con sang nhà em gái chơi, thật tình cờ chị thấy con len lén giấu chiếc ô tô của em họ vào giỏ xách của mẹ. Chị Minh đã nghiêm giọng: “Con đã xin phép dì chưa mà mang ô tô về? Nếu chưa thì lấy ra trả lại cho em”. Về nhà, chị hỏi con tại sao lại lấy ô tô của em thì thằng bé trả lời: “Em có nhiều ô tô đẹp mà có chơi hết đâu”.
Chị Minh phải giảng giải cho con hiểu rằng lấy đồ của người khác mà chưa có sự đồng ý của họ là không được. Chị kể: “Cuối cùng, thằng bé cũng nghe ra và hứa không làm như vậy nữa. Tôi nghĩ gặp trường hợp như vậy, phải làm sao cho con đừng bị xấu hổ; đồng thời cũng phải chỉ cho con thấy rõ đó là điều không được phép làm dù với bất cứ lý do gì”.
TIẾN SĨ GIÁO DỤC HỌC NGUYỄN THỤY ANH, CHỦ NHIỆM CLB ĐỌC SÁCH CÙNG CON: Đừng vội phán xét Khi biết con lấy đồ, tiền của người khác, cha mẹ thường gán ngay cho con những từ như: ăn cắp, dối trá, lừa cha mẹ, thầy cô… Cha mẹ không nên vội vàng như thế vì khi nghe những lời này, trẻ rất dễ rơi vào 2 thái cực: Hoảng sợ, hoang mang mặc định mình có tính ăn cắp, rất khó định hướng được hành vi sau đó, khó sửa đổi hoặc phản ứng dữ dội trong nội tâm cho rằng người lớn không công bằng, không hiểu mình. Vì thế, khi trẻ có hiện tượng này, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe nguyện vọng của trẻ để tìm cách giải quyết. |
Theo Hồng Đào / Người Lao Động
Bình luận (0)