Khi điều tử tế được lan tỏa

20/04/2018 08:25 GMT+7

Cổ tích đời thường là có thật từ những câu chuyện tử tế được chia sẻ trên mạng xã hội, hay mỗi người chúng ta đều có thể là một 'hiệp sĩ' nếu muốn hướng đến những điều tốt đẹp...

Những thông điệp đó được truyền tải trong buổi tọa đàm “Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày” do Báo Thanh Niên thực hiện sáng 19.4 và được truyền hình trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.
Tham gia buổi tọa đàm có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, các nhà nghiên cứu, nhà xã hội học, tâm lý học, nhà văn, giới văn nghệ sĩ, doanh nhân và những nhân vật, cá nhân có ảnh hưởng từ mạng xã hội; sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Nạn nhân của tin xấu

Nếu gặp tinđồn xấu thì không nên đọc và không chia sẻ
Sinh viên Bùi Hồng Hạnh
 
Sinh viên Bùi Hồng Hạnh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết mình từng là nạn nhân của mạng xã hội vì những tin đồn thất thiệt. Hạnh kể: “Cách đây không lâu trên mạng xã hội có người dùng hình ảnh của mình và một số sinh viên khác để mời gọi hành nghề không hợp pháp. Điều này khiến cuộc sống của mình bị đảo lộn, người thân và gia đình cũng không biết thực hư ra sao. Người ngoài đường nhận ra mình cũng nhìn bằng con mắt khác, khiến mình sống trong những tháng ngày tủi nhục, xấu hổ”.
Từ kinh nghiệm bản thân, Hạnh chia sẻ: “Với những tin đồn thất thiệt trên mạng, khi chưa biết sự thật thì bạn không nên chia sẻ. Nếu biết đó là tin xấu thì nên báo với đội ngũ mạng xã hội. Những người tung tin xấu trên mạng không nghĩ rằng họ có thể giết người khác bằng lời lẽ của mình. Tôi mong chúng ta sử dụng mạng, nếu gặp tin đồn xấu thì không nên đọc và không chia sẻ để giúp cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn”.
Á hậu Quý bà thế giới - Hoa khôi Thể thao Thu Hương cũng kể lại câu chuyện tương tự của bản thân. Á hậu nói: “Tôi từng đóng phim Cô thư ký xinh đẹp và hình ảnh của tôi trong phim này có nhiều phiên bản khác nhau sau đó, thậm chí rất không tốt. Từ đó tôi thấy rằng, chúng ta không thể nào đập hết “muỗi”. Nếu thực sự những tin xấu đó không phải mình thì hãy cứ tiếp tục là mình và sống cuộc sống của mình. 20 năm sống trong showbiz tôi nhận ra rằng, con người hãy hướng về điều tốt đẹp thì điều tốt đẹp sẽ đến với mình”.
Ca sĩ Phương Thanh cũng nói: “Nếu nói về lời đồn thì tôi là người bị nhiều nhất trong giới và với tất cả những gì ghê gớm nhất. Có lần đứng hát trên sân khấu, do hay bị khàn tiếng nên tôi thường sử dụng chút muối trắng để duy trì giọng hát trong quá trình biểu diễn, và thế là bị đồn nghiện... ma túy”.
Chỉ có sự thành thật mới đem đến nhiều năng lượng tốt cho xã hội
Ca sĩ Phương Thanh
Nói về cách đối mặt thông tin xấu, ca sĩ Phương Thanh bày tỏ: “Có những lúc chúng ta rơi vào tình trạng năng lượng xấu, khi bản thân ta tâm tính không tốt sẽ làm mọi điều xấu hết. Do vậy, việc bản thân chúng ta phải mạnh mẽ tiếp nhận thông tin để có năng lực tích cực trong cuộc sống. Chỉ có sự thành thật mới đem đến nhiều năng lượng tốt cho xã hội”.
PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết bản thân từng là một nạn nhân của mạng xã hội. “Nhưng cách đối diện tốt nhất thời điểm đó theo tôi là chỉ cần quan tâm đến những người xung quanh mình”, ông Quân chia sẻ.
Mạng xã hội chỉ là công cụ
Tiến sĩ xã hội học - tâm lý học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, phân tích tin xấu có 2 loại. Loại thứ nhất là tin bịa đặt, xúc phạm người khác và hậu quả gây ra rất lớn, có thể dẫn đến cái chết của một ai đó. Loại thứ hai là chuyện xấu có thật, cần thiết được đưa ra như một bài học để giúp người đọc có tinh thần trách nhiệm sống tốt hơn. Nhưng ngay cả loại tin thứ hai thì vấn đề vẫn nằm ở cách đưa tin: xây dựng thay vì đả kích phê phán mang tính tiêu cực.
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, cho hay chúng ta cần định nghĩa kỹ lưỡng thế nào là tin tốt: “Tôi nhìn lại trang cá nhân của mình, một tuần qua tôi chia sẻ 5 tin, xung khắc mẹ chồng nàng dâu, chàng trai làm cho cô gái có bầu nhưng không cưới… Vậy tôi đã chia sẻ toàn tin xấu hay sao? Chúng ta cần nhìn ra động cơ chia sẻ tin tức trên mạng xã hội là gì, người chia sẻ có mục đích gì”.
Theo thạc sĩ Tô Nhi A, chúng ta cần phải công bằng với mạng xã hội là công cụ, một ứng dụng công nghệ, nó không có lỗi, những vấn đề sau đó là do người sử dụng. “Thời đại 4.0 nhưng chúng ta đã trang bị năng lực để sống trong thời đại này chưa?”, chị Tô Nhi A đặt câu hỏi.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho hay tin vui là tin tốt, nhưng tin buồn chưa chắc là xấu. Theo anh Thông, không phải chỉ những cái tròn trịa, tốt đẹp mới cần chia sẻ. Tin xấu hay tốt, các bạn trẻ có thể dựa vào 2 điều: Mục đích người chia sẻ để làm gì, người chia sẻ muốn dẫn dắt mọi người đi đâu? Có thể là tin vui, có thể là tin buồn, phản cảm, nhưng từ chuyện buồn, phản cảm đó cho mọi người những bài học quý giá.
Anh Thông nêu dẫn chứng câu chuyện xảy ra cách đây 5 năm để lại ấn tượng mạnh mẽ trong anh: “Đó là một tin buồn nhưng có tác động tốt, vụ xe chở bia bị lật ở Đồng Nai, nhiều người dân chạy lại hôi của. Hành vi này bị lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội. Từ đó, sau khi các vụ tai nạn tương tự xảy ra, không còn nạn hôi của”.
Có nhiều cách lan tỏa điều tốt
Con người hãy hướng về điều tốt đẹp thì điều tốt đẹpsẽ đến với mình
Á hậu Quý bà thế giới - Hoa khôi Thể thao Thu Hương
Từ việc tài xế bẻ lái cứu 2 nữ sinh ở Hải Phòng, á hậu Thu Hương cho hay sau đó vợ chồng chị đã gửi tặng tài xế 240 triệu đồng giúp khắc phục thiệt hại. Á hậu chia sẻ: “Thực sự bất ngờ vì chồng mình trở thành “soái ca” của mạng xã hội sau sự việc 240 triệu đồng. Việc chồng tôi làm điều tốt là bình thường và chẳng may trở thành “soái ca” thôi”.
Từ đó á hậu kết luận: “Điều này chứng tỏ trên đời có rất nhiều người tốt. Chúng ta không nên sợ hãi và không nên dừng đấu tranh cho điều tốt. Khi người tốt lên tiếng thì người xấu sẽ ít miệng lại, khi xã hội có nhiều điều tốt thì sẽ dẹp bớt điều xấu lại. Thay vì việc nêu xấu người làm bẩn thì hãy nêu gương người làm việc tốt”.
Ở góc nhìn khác, nhà văn trẻ Anh Khang chia sẻ cách làm của mình: “Viết về nỗi buồn không phải lan truyền nỗi buồn đến người trẻ mà cho thấy người trẻ phải đi qua nỗi buồn đó, khi rơi đến “đáy” nỗi buồn thì trở lại niềm vui. Đó là cách tôi truyền tải năng lượng tốt, xem đó là hành trang vượt qua mọi nỗi chông chênh của cuộc sống”.
“Tôi tin rằng cổ tích đời thường vẫn diễn ra nhưng vì chúng ta chỉ quan tâm những tin xấu nên quên đi điều tốt đẹp. Việc đọc trang thông tin chính thống sẽ giúp xây dựng thông tin nền tảng của mình và nơi cần thiết để xác nhận thông tin. Chính bản thân mình phải là nguồn tin tốt, xác thực thông tin tốt trước khi lan tỏa tới mọi người. Cách tốt nhất để năng lượng khởi đầu một ngày đẹp trọn vẹn là đọc trang báo chính thống và thông tin tích cực”, nhà văn nhắn nhủ.
Tẩy chay với thông tin giả, tiêu cực
“Trên nền tảng mạng xã hội, thông tin được lan tỏa đa chiều. Chúng tôi quan niệm, thế giới ảo nhưng được làm ra, được phát triển bởi con người thật, tác động lớn đến con người. Chúng tôi nghĩ rằng môi trường mạng xã hội sẽ phát huy tính tích cực nếu mọi người chia sẻ những thông tin tốt đẹp, mối quan hệ tương quan giúp đỡ cho mọi người… Chúng tôi cũng mong muốn những Facebooker có thể nhận biết, có thể “đề kháng”, tẩy chay với thông tin giả, tiêu cực. Nhất là các bạn trẻ cần cân nhắc phân bổ thời gian, trí lực hợp lý, tương tác trên mạng xã hội hiệu quả”, anh Nguyễn Quang Thông nói.
Anh Nguyễn Quang Thông dẫn ra cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội” do T.Ư Đoàn phát động, cuộc tọa đàm do Báo Thanh Niên là một phần việc thể hiện hưởng ứng với cuộc vận động trên của T.Ư Đoàn.
“Chúng tôi hy vọng những ý kiến của các chuyên gia, thầy cô, văn nghệ sĩ và các bạn trẻ trong cuộc tọa đàm sẽ chuyển tải những thông tin nhân văn đến bạn đọc nói chung, bạn đọc trẻ nói riêng, giúp lan tỏa lẽ phải, những điều tốt đẹp từ thế giới ảo đến đời sống thực. Mỗi ngày chúng ta thức dậy và đón nhận được nhiều tin tức tốt đẹp để làm phong phú cuộc sống quanh ta, gia đình và cộng đồng”, anh Nguyễn Quang Thông nói.
Tổng biên tập Báo Thanh Niên cũng cho biết sắp tới báo sẽ mở mục Câu chuyện đẹp trên mạng xã hội (cuối tuần trên báo in) và cuối năm 2018, Thanh Niên cũng sẽ tổ chức biểu dương những nhân vật đưa tin tốt và những người kể các câu chuyện đẹp trên mạng xã hội.

Lay động lòng người
Anh Trần Khương kể về nhật ký nuôi dạy, chăm sóc con bị câm điếc lan tỏa trên mạng xã hội Ảnh: Độc Lập
Tại buổi tọa đàm, nhiều khách mời bày tỏ biết ơn và trân trọng việc lan tỏa những tin tốt trên mạng xã hội. Nhờ đó họ được giúp đỡ, cộng đồng tương thân tương ái hơn.
Với tất cả những yêu thương, trăn trở, anh Trần Khương (cha của bé Khả Ái, cô bé bị câm điếc bẩm sinh) đã viết nhật ký nuôi dạy, chăm sóc con bị câm điếc và cả những tháng ngày vô cùng vất vả để lấy được giấy chứng nhận khuyết tật đúng với tình trạng khuyết tật của con mình. Những dòng nhật ký lan tỏa trên mạng xã hội, làm lay động rất nhiều người và nhận về nhiều hiệu ứng tích cực.
Còn anh Hồ Tuấn Sáng, trưởng nhóm SOS Sài Gòn, là những bạn trẻ chuyên đi cứu nạn đêm khuya, cũng cảm ơn vì những việc làm của họ được lan tỏa và từ đó họ nhận được nhiều chia sẻ để có động lực tiếp tục cống hiến. Sáng nói: “Sau bài báo đăng trên Thanh Niên, tôi rất bất ngờ trước sự đón nhận của cộng đồng, từ đó sự lan tỏa mạnh mẽ và tích cực hơn. Và cũng nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội mà nhóm chúng tôi nhận được những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn. Đấy là động lực để chúng tôi luôn cố gắng làm cho cộng đồng tốt đẹp hơn”.
Tương tự, anh Trần Hoàng Anh (đại diện nhóm hiệp sĩ Bình Dương), kể: “Nhờ mạng xã hội, có bạn nữ sinh viên quay được clip trộm mở cửa nhà trọ lấy đồ, gửi qua cho nhóm. Nhờ đó, nhóm đã xác định được thủ phạm. Nhờ mạng xã hội lan tỏa những điều tốt, nhất là những vụ truy bắt tội phạm của nhóm, giúp nhóm có thêm nhiều động lực phấn đấu cho chặng đường dài phía trước”.
Sau khi được nghe những câu chuyện của các khách mời, nhiều bạn trẻ đã có thay đổi trong nhận thức về việc lan tỏa tin tốt.
Trần Thị Bảo Nhi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Từ trước giờ em rất ít khi chia sẻ tin tức trên mạng xã hội, dù là tốt hay tiêu cực. Nhưng qua câu chuyện của chú Khương, từ nay em sẽ tích cực lan tỏa những tin tốt. Bởi em thấy chia sẻ một tin tốt lên mạng xã hội đâu có khó khăn gì, thế tại sao mình không cùng làm mỗi ngày. Biết đâu lại giúp được nhiều người”.
Chương trình tọa đàm “Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày” được rất nhiều cơ sở Đoàn chia sẻ lại để cho các thành viên có cơ hội theo dõi.
Bên cạnh đó, nhiều CLB, đội, nhóm tình nguyện cũng kêu gọi các thành viên tìm xem. Và đặc biệt là hàng trăm bạn trẻ cũng xem trực tuyến chương trình này qua Facebook.
Lê Văn Huỳnh, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: “Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ theo dõi, nghe những câu chuyện của các vị khách mời, đặc biệt là các nhóm SOS Sài Gòn, Những ước mơ xanh, hay của hiệp sĩ bắt cướp Trần Hoàng Anh, em nhận ra lòng tốt luôn có trong mỗi người, những câu chuyện đẹp luôn tồn tại trong cuộc sống. Và em tự nhủ mình cần chia sẻ những câu chuyện đẹp, tin tốt mỗi ngày”.
Cũng có những bạn trẻ khi xem chương trình, qua chia sẻ của Bùi Hồng Hạnh, đã thấy “mình từng rơi vào hoàn cảnh tương tự”.
“Em cũng từng là nạn nhân của những tin bịa đặt. Kẻ xấu mạo danh loan tin không đúng về em, để rồi em mất uy tín, phải giải thích với nhiều người cho họ hiểu. Hy vọng sau chương trình này, mọi người, nhất là giới trẻ, chỉ chia sẻ và lan tỏa những thông tin tích cực, những câu chuyện đẹp và nói không với tin xấu”, Nguyễn Thành Lâm, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói.
Nữ Vương - Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.