Bộ mặt lạ lẫm
Việc Asian Cup 2023 mở rộng quy mô từ 16 lên 24 đội, đồng nghĩa đội thứ ba cũng có khả năng vượt qua vòng bảng, mục tiêu của các đội tham dự trở nên đơn giản hơn đôi chút. Giành 3 điểm là có cơ hội vào vòng sau. Còn với 4 điểm, cánh cửa đi tiếp mở toang đến 99%. Nhờ chiến thắng 2-0 trước Kyrgyzstan trong ngày ra quân, nhiệm vụ của đội tuyển Thái Lan trước Oman ở lượt hai được hoạch định rõ ràng: lấy tối thiểu 1 điểm.
Ghi bàn không phải ưu tiên. Quan trọng là nếu sạch lưới, "Voi chiến" chắc chắn đạt mục tiêu.
Bối cảnh này đã dẫn tới một trận đấu rất thú vị, khi đội tuyển Thái Lan, một tín đồ của trường phái tấn công, được đặt ở thế nên (hoặc nói đúng hơn là phải) chơi phòng ngự. HLV Masatada Ishii đã chứng minh khi cần phòng ngự, Thái Lan cũng có thể lì lợm không kém ai.
90 phút trước Oman, đội tuyển Thái Lan chỉ cầm bóng 30% (so với 70% của đối thủ), chuyền bóng 267 lần (còn Oman có 624 đường chuyền, tỷ lệ chính xác cũng cao hơn), thắng vỏn vẹn 37 lần tranh chấp tay đôi (bằng gần nửa Oman). Nếu chỉ nhìn thống kê, dễ kết luận là Thái Lan bị đối thủ lấn lướt. Nhưng thực tế là trong suốt trận đấu, Oman không thể dồn ép Thái Lan.
Đội bóng của ông Ishii cầm bóng ít hơn, chuyền "mỏng" hơn bởi Thái Lan chủ động chọn cách tiếp cận an toàn, phù hợp với bối cảnh trận đấu. Oman về lý thuyết tấn công nhiều hơn, nhưng cả trận chỉ dứt điểm 6 lần (bằng Thái Lan), số cơ hội thực sự nguy hiểm thậm chí ít hơn đối thủ. Nói đội tuyển Thái Lan đã có trận đấu phòng ngự phản công chuẩn mực là vì thế.
Highlight Thái Lan 2 - 0 Kyrgyzstan | Asian Cup 2023
Dấu ấn của tân HLV Nhật Bản
HLV Ishii phần nào gây ấn tượng dù mới huấn luyện Thái Lan được khoảng 1 tháng. Ông không vội "đập bỏ" nền móng kiểm soát bóng dưới thời những người tiền nhiệm như Akira Nishino hay Alexandre Polking, mà thay đổi cho khéo léo và linh hoạt hơn.
Trước khi ông Ishii nắm quyền, Thái Lan đã vô địch AFF Cup 2 lần liên tiếp dưới thời HLV Polking với lối đá thiên về tấn công, ban bật ngắn đẹp mắt. Nhưng bước ra sân chơi châu Á, "Voi chiến" lại chơi kém. Thất bại 1-2 trước Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2026 vạch rõ giới hạn cho Thái Lan, khi ở trận đấu này, đội bóng của HLV Polking đã chơi tấn công nhỉnh hơn, cầm bóng nhiều hơn, nhưng lại thua bởi những miếng phản đòn hiệu quả của đối thủ.
Gặp những đội mạnh ở châu Á, Thái Lan cần chơi kỷ luật và biết mình biết người hơn. Đó là lý do ông Ishii, người đã rất hiểu "Voi chiến" khi còn huấn luyện Buriram United, được mang về.
HLV Ishii cũng là "tín đồ" của trường phái tấn công. Buriram của HLV người Nhật chơi nhanh, quyết liệt, pressing cực tốt và rất mạnh ở những mảng miếng chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công (và ngược lại). Tuy nhiên bước ra châu Á, Thái Lan rất khó đá theo cách này.
Ngoại trừ Nhật Bản là đội có thể đá cửa trên trong phần lớn trận đấu, các đội tuyển đều cần tìm lối đá phù hợp với trình độ cầu thủ, khéo léo "liệu cơm gắp mắm" và linh hoạt, tùy biến trong trận đấu, biết lúc nào nên bung ra, khi nào cần thu mình lại.
Ở trận đấu với Oman, Thái Lan áp sát mạnh ở tuyến giữa nhằm chủ động đoạt bóng và tổ chức tấn công nhanh. Nhưng khi tuyến giữa bị lấn lướt, "Voi chiến" lùi về rất nhanh để phòng ngự, giữ cự ly đội hình chặt chẽ, rồi lại bung ra phản đòn khi giành lại bóng.
Hạn chế thể hình (chiều cao, độ dày cơ thể, sức bền) đòi hỏi đội tuyển Thái Lan phải có cách tiếp cận khôn ngoan hơn. Sau 2 trận sạch lưới trước Kyrgyzstan (2-0) và Oman (0-0), HLV Ishii đang vạch rõ con đường ông cùng học trò muốn đi.
Đội tuyển Thái Lan còn nhiều "vết xước" trong cách chơi. Điều này dễ hiểu bởi HLV Ishii vốn chưa có nhiều thời gian huấn luyện, tìm hiểu học trò. Song ít nhất, việc duy trì cự ly đội hình chặt chẽ, thi đấu khoa học và quan trọng nhất là rũ bỏ được lối mòn tư duy phải tấn công đã giúp Thái Lan chuyển mình. Dẫu rằng, đây mới là những viên gạch xây móng đầu tiên.
Bình luận (0)