Theo một dự thảo báo cáo của IPCC, hiểm họa lớn nhất từ sự nóng lên của Trái Đất là thiếu nước sinh hoạt do nhiệt độ tăng và lượng mưa suy kiệt. Vào năm 2025, lượng nước trung bình cho một người ở Ấn Độ có thể giảm đi một nửa do các sông băng ở cao nguyên Tây Tạng và dãy Himalaya, hai nguồn nước quan trọng, bị tan chảy. Lượng nước nông nghiệp tại Bắc Trung Quốc trong tương lai sẽ chỉ bằng 70% hiện nay.
Bên cạnh đó, mực nước biển có thể tăng khoảng 40 cm vào cuối thế kỷ này khiến 13-94 triệu người châu Á sẽ phải chịu cảnh lụt lội. Nếu mực nước biển tăng 1m thì 4 triệu dân ở các thành phố của Nhật Bản có nguy cơ bị lụt lội.
Trái Đất nóng lên còn khiến các nhà máy thủy điện giảm sản lượng điện; chất lượng nước và sản lượng nông nghiệp giảm; các vùng duyên hải bị xói mòn. Ở khu vực Nam Á, sự thay đổi của các dòng hải lưu và sự tăng nhiệt độ của nước biển sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các khu nuôi trồng thủy sản và làm lan tràn các dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tả.
IPCC cho rằng chỉ giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không đủ để ngăn chặn các hậu quả của tình trạng Trái Đất nóng lên, mà còn cần phải tính đến các biện pháp khác như tăng cường ngăn chặn thiên tai và bảo vệ nguồn nước.
IPCC đã thành lập ba nhóm nghiên cứu về những ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu toàn cầu và dự kiến sẽ công bố một báo cáo chính thức về vấn đề này vào tháng 11/2007.
Theo TTXVN
Bình luận (0)