Khi mỗi người Việt Nam đang nợ 37,5 USD vốn vay ODA

08/04/2006 01:25 GMT+7

Mới đây, ông Dương Đức Ưng, cố vấn chính sách cao cấp của chương trình nâng cao năng lực toàn diện quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã trả lời trên một tờ báo ngành rằng "chuyện vay vốn ODA của Việt Nam vẫn ở trong vòng an toàn". Ông dẫn chứng rằng các chỉ số nợ ODA của Việt Nam so với GDP, so với xuất khẩu, với dịch vụ trả nợ thì đều dưới mức so với tập quán quốc tế.

Với mức độ vay qua các nguồn viện trợ nước ngoài của Việt Nam hiện chỉ chiếm 17% vốn đầu tư ngân sách và 11% tổng đầu tư toàn xã hội, thì con số này không phải là lớn so với nhiều quốc gia đang phát triển khác. Số nợ ODA mà Việt Nam đã giải ngân đến nay (khoảng hơn 10 tỉ USD), điều này có nghĩa là số nợ tính trên đầu người dân đã lên khoảng 37,5 USD. Được biết, hiện nay Việt Nam còn những 4,6 triệu hộ nghèo (với thu nhập khoảng dưới 1 USD/người/ngày thì bị xem là người nghèo). Vậy thì số tiền vay vốn ODA tính trên đầu người Việt Nam đâu phải là món nợ nhỏ, biết đến bao giờ mới trả xong ? Đó là chưa kể từ 2006 đến 2010, Việt Nam sẽ còn vay tiếp vốn ODA những 10,9 tỉ USD. Như vậy, vay cũ trả chưa xong, lại đến vay mới nữa. Tất nhiên, con số nợ cho mỗi người dân sẽ không còn dừng lại ở 37,5 USD. Đời con đời cháu chúng ta sẽ còn những gánh nợ nặng trĩu hai vai. Chúng sẽ buồn và giận chúng ta thế nào nếu biết được rằng, vào những năm đầu thế kỷ 21, ở một ngành xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước là ngành giao thông lại có những kẻ cậy chức cậy quyền, lợi dụng cơ chế bị buông lỏng mà đục khoét, dùng tiền đánh bạc đến tàn bạo kiểu như Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 với số tiền cá độ bóng đá chưa đầy 1 năm mà đã lên tới 7 triệu USD, thì đúng là các thế hệ sau này khó có ai có thể hình dung nổi.

Tôi lấy làm mừng khi mới đây, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Klaus Rohland đã đánh giá cao phía Việt Nam không bưng bít thông tin xung quanh việc các cơ quan pháp luật Việt Nam xử lý kiên quyết vụ "con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng". Ông cho rằng đó là quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, bởi "minh bạch và cởi mở là thành phần chủ chốt của một cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả". Trong đó, ông đánh giá rất cao vai trò của báo chí Việt Nam. Điều này quả thực rất quan trọng và nó đã phủ nhận một điều: Không phải chúng ta đưa lên mặt báo tất cả sự việc là "vạch áo cho người xem lưng", "có thể làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, môi trường vay vốn của chúng ta đối với các nước" mà khi mới bắt đầu sự vụ bị phát giác, có một số quan điểm tỏ ra lo ngại, không muốn để báo chí đăng tải... Ông Klaus Rohland nhận định: "Chính phủ Việt Nam xử lý vụ PMU 18 thế nào sẽ thể hiện rõ nhất cam kết chống tham nhũng của mình".

Cái khối u ác ở PMU 18 vừa bị vỡ ra, đó là nỗi đau xót của bộ máy chính quyền cũng như tổ chức cơ sở Đảng và nó sẽ sớm được đại phẫu. Dù quá muộn song cũng còn là may cho đất nước trước khi có nguy cơ, vì nó mà có thể hủy hoại cả một cơ thể sống - một quốc gia. Tuy có những lo ngại nhất định về những món nợ Việt Nam ta vay của nước ngoài, nhưng cũng cho thấy một điều đáng mừng: Đảng và Nhà nước đã sớm nhận ra được những "gót chân Asin" trong bộ máy của mình để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục nó, kiên quyết và kịp thời loại trừ những con sâu mọt ra khỏi bộ máy trước khi sự kiện trọng đại của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra: Đại hội toàn quốc lần thứ X.

Hành Thiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.