Hơi thở có mùi có cần đến nha sĩ khám?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
11/04/2023 00:08 GMT+7

Hơi thở có mùi có thể khiến người mắc cảm thấy xấu hổ và e ngại khi giao tiếp. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Phương pháp chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ.

Vệ sinh răng miệng kém là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất làm hơi thở có mùi. Vì khi không đánh răng hay dùng chỉ nha khoa thường xuyên thì các mảng bám thức ăn trong miệng sẽ tích tụ vi khuẩn, từ đó tạo ra mùi hôi, theo chuyên trang sức khỏe Heathline (Mỹ).

Khi nào cần gặp nha sĩ vì hơi thở có mùi ? - Ảnh 1.

Nếu đã vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng mà hôi miệng vẫn không cải thiện thì cần đến nha sĩ kiểm tra

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Qua thời gian, tình trạng này sẽ gây hôi miệng và hàng loạt vấn đề sức khỏe khác như sâu răng, viêm nướu. Hơi thở có mùi là vấn đề bình thường, có thể xử lý dễ dàng bằng cách vệ sinh răng miệng.

Trước tiên, mọi người cần thường xuyên đánh răng và dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng. Trung tâm y tế phi lợi nhuận Cleveland Clinic (Mỹ) khuyến cáo nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần đánh răng kéo dài khoảng 2 phút.

Không những vậy, để ngăn hôi miệng thì vệ sinh lưỡi cũng rất quan trọng. Nguyên nhân là do vi khuẩn cũng tích tụ trên lưỡi và thải ra các khí gây mùi. Chúng ta có thể vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi.

Cách khác là dùng nước súc miệng. Nước súc miệng có chứa florua và các chất khử trùng có thể tiêu diệt vi khuẩn ẩn nấp ở những nơi mà bàn chải không chạm tới được, chẳng hạn giữa các kẽ răng.

Ngoài ra, uống đủ nước, tránh thuốc lá, rượu bia và các loại thức uống có caffeine cũng là những cách cần thiết để ngăn hôi miệng.

Tuy nhiên, nếu hơi thở hôi kéo dài, đã thử hết mọi cách nhưng vẫn không khỏi thì cần đến gặp nha sĩ. Nha sĩ sẽ kiểm tra răng miệng của bạn để xác định xem có vấn đề tiềm ẩn nào gây chứng hôi miệng kéo dài như vậy.

Khi đó, hôi miệng có thể là biểu hiện của một số vấn đề răng miệng như viêm nướu, sâu răng hay khô miệng. Đặc biệt, nếu bạn gặp tình trạng đau răng, chảy máu nướu răng thì cần phải đến nha sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt. Nha sĩ sẽ đánh giá và có phương pháp điều trị thích hợp.

Một số bệnh như tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản cũng gây hôi miệng. Nha sĩ có thể hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị các bệnh này, theo Heathline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.