Khi nào sẽ giảm lãi suất cho vay?

04/09/2011 23:48 GMT+7

Ngày 7.9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp giảm lãi suất cho vay về 17 - 19%/năm với sự tham gia của các ngân hàng thương mại (NHTM). Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước - TGĐ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - xung quanh chủ trương giảm lãi suất.


Giảm lãi suất cho vay đang là ưu tiên số 1 của hệ thống ngân hàng - Ảnh: D.Đ.Minh

Vừa qua, NHNN đã sửa đổi Thông tư 13, 19 về hệ số an toàn. Theo ông, các sửa đổi này có ý nghĩa như thế nào đến thị trường?

Hơn 1 năm nay, hệ thống NHTM rất quan tâm đến quy định cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được vượt quá tỷ lệ 80% bởi nó khiến thị trường vốn bị cô lập một cách tương đối. Sự dịch chuyển vốn trên thị trường liên ngân hàng mất đi tác dụng điều hòa vốn. Việc bỏ quy định này sẽ giúp hệ thống NHTM thanh khoản, ổn định hơn. Đồng thời lãi suất trên thị trường sẽ có cơ sở giảm xuống. Thật ra, việc quản lý an toàn của hệ thống NHTM đã được thông qua hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), quy định NHTM cho vay 80% vốn huy động là không cần thiết.

Lãi suất cho vay 17 - 19%/năm là rất khả thi và theo tôi có thể sẽ thực hiện trong tháng 9 này đối với tín dụng phục vụ lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Để giảm lãi suất cho vay về 17 - 19%/năm, ngoài sửa đổi Thông tư 13 và 19, theo ông cần sử dụng thêm các công cụ nào khác?

Chỉnh sửa và bãi bỏ một số quy định có liên quan vừa qua của NHNN là rất quan trọng nhưng chưa đủ để lãi suất trên thị trường xuống thấp bởi chưa có một cơ chế mang đầy đủ bản chất kinh tế để xử lý vấn đề lãi suất. Các NHTM nhỏ dùng nhiều biện pháp khuyến mãi để huy động lãi suất cao và vì yêu cầu cạnh tranh, các NHTM lớn cũng không chịu ngồi yên để mất thị phần. Do đó lãi suất huy động vừa qua không thể xuống thấp trong khi lạm phát kỳ vọng đã thấp đi nhiều.

Trong khi phải thực hiện triệt để Nghị quyết 11 của Chính phủ để chống lạm phát, cần xem xét lại sử dụng các công cụ trong chính sách tiền tệ có hiệu quả hơn. Việc hạn chế được cung ứng tiền như vừa qua của NHNN là đúng nhưng cũng cần xem xét thêm vai trò của tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng. NHNN cần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng để hút lượng tiền khá lớn từ hệ thống NHTM mà thực chất là từ NH có vốn huy động lớn về NHNN, để từ đây NHNN có thể cho vay tái cấp vốn hỗ trợ NHTM nhỏ. Lúc đó chắc chắn cuộc đua huy động vốn giữa các NHTM sẽ chấm dứt và lãi suất sẽ trở về mức hợp lý, vì kỳ vọng lạm phát của thị trường trong 2 tháng gần đây đã thấp xuống.
 
Có ý kiến cho rằng lạm phát năm nay ít nhất 18%, vậy lãi suất huy động 14%/năm kể từ đây trở đi theo ông có hợp lý, có ảnh hưởng đến lợi ích người gửi tiền?

Đã có nhiều tranh luận về lãi suất thực dương hay thực âm. Nếu người gửi tiền từ tháng 1.2011 với lãi suất 14%/năm thì cuối năm 2011, lãi suất thực âm. Đó cũng là lý do vì sao hệ thống NH phải huy động lãi suất cao hơn 14%/năm trong thời gian qua thông qua các biện pháp khuyến mãi. Thế nhưng, lạm phát kỳ vọng trong tương lai mới là nhân tố quyết định cho lãi suất chứ không phải lạm phát trong quá khứ. Từ tháng 8.2011 đến tháng 8.2012, nếu mỗi tháng lạm phát xoay quanh mức 1% thì lạm phát dự kiến trong 1 năm tới là 12% nên lãi suất ở mức 14%/năm kể từ tháng 8 này vẫn đảm bảo lãi suất thực dương.
 
Trường hợp NHNN điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, theo ông lãi suất bao giờ giảm?

Tôi cũng muốn đề xuất thêm với NHNN cần trả lãi suất cho phần dự trữ bắt buộc mà NHTM gửi về ở một mức xấp xỉ chi phí mà họ đã huy động của người gửi tiền. Đồng thời tái cấp vốn cho NH nhỏ xoay quanh mức trả lãi này. Làm được như thế, lãi suất huy động quay về mức 14%/năm bằng bản chất kinh tế chứ không phải bằng biện pháp hành chính như thời gian qua. Lãi suất cho vay 17 - 19%/năm là rất khả thi và theo tôi có thể sẽ thực hiện trong tháng 9 này đối với tín dụng phục vụ lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
 
Chính phủ vừa qua đồng ý huy động vàng trong dân. Theo ông, hoạt động mua bán vàng của người dân trong thời gian tới nên tổ chức trong một thị trường như thế nào?

Theo ý kiến riêng của tôi, sau khi huy động vàng của dân cũng cần tạo ra các công cụ tiện ích để người dân có thể mua bán vàng không chỉ dưới góc độ là vàng vật chất mà còn dưới góc độ vàng tài chính, vàng tài khoản nữa. Tuy nhiên, các hoạt động này cần thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng được phép để NHNN có thể quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán vàng, kể cả các trạng thái trên tài khoản vàng ở nước ngoài. Người dân mở tài khoản tại NHTM trong nước, các NHTM trong nước mở tài khoản ra nước ngoài. Sự liên thông giữa giá vàng trong và ngoài nước theo cách làm này, tôi cho là sẽ hợp lý, không chênh lệch lớn như hiện nay.

Thanh Xuân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.