Thành Lộc đã có mặt từ đầu khi mới khai trương sân khấu kịch thiếu nhi tại IDECAF, và có thể nói anh cũng trở thành "linh hồn" của mọi vở diễn. Một số khán giả đôi khi mua vé chỉ để "xem chú Thành Lộc", và sau này thêm "xem chú Hữu Châu". Chỉ cần nhìn thấy hai nghệ sĩ mà họ yêu thích là đủ. Chính vì vậy, khi Thành Lộc, Hữu Châu rời đi đã tạo nên một áp lực rất lớn cho ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lẫn các nghệ sĩ còn ở lại.
Đạo diễn Đình Toàn nói: "Đúng là anh Thành Lộc, Hữu Châu cùng một số anh chị nghệ sĩ khác đã từng là trụ cột của Ngày xửa ngày xưa, thiếu vắng các anh chị, làm sao chúng tôi không lo lắng cho được. Nhiều khán giả xem các anh chị diễn như một "thói quen", mà đã là "thói quen" thì khó bỏ. Nhưng chúng tôi cố gắng đi tiếp, vì sân khấu phải sáng đèn, vì cuộc sống là luôn hướng về tương lai. Chúng tôi nghĩ Ngày xửa ngày xưa có sức hấp dẫn riêng của nó, nào nội dung kịch bản, nào trang phục lộng lẫy, nào cảnh trí đẹp…, mình cố gắng phát huy thế mạnh ấy để chinh phục khán giả. Với những khán giả mới chưa từng xem nghệ sĩ Thành Lộc thì các em sẽ ấn tượng với những điều khác mà sân khấu đem lại. Nói chung, chúng tôi xem đây là thử thách phải vượt qua".
Kịch bản Huyền thoại mắt thần nối tiếp câu chuyện phiêu lưu của chàng Sinbad trong vở kịch đã thắng lợi quá lớn hồi năm 2022. Nay tác giả cho Sinbad giong thuyền đến xứ sở Ai Cập với những huyền thoại lung linh như nữ thần sông Nil, Pharaon, mắt thần trên đỉnh kim tự tháp, thần Bóng tối, thần Sét, đức vua Tia nắng, hoàng hậu Ánh trăng, công chúa Mây, nữ thần Khổng lồ, rồi con bò cạp, con bọ hung mà làm quan… Một thế giới trẻ con có những điều tưởng tượng, ngây thơ, hài hước, vui nhộn cùng những điều rất thật, đầy tính giáo dục. Cuối cùng đúc kết lại rằng, con người phải luôn hướng tới điều thiện, phải dám làm điều thiện ngay cả khi không có quyền lợi gì cho mình, khi có thể phải hy sinh, thiệt thòi. Mắt thần chính là con mắt trong tâm khi biết nhìn đúng đắn, biết thương yêu, nhân ái. Con mắt đó mới dẫn chúng ta đi đúng đường và có được hạnh phúc. Không có thần linh, huyền bí gì ở đây, chỉ có con người nỗ lực sống, nỗ lực hành động để mưu cầu hạnh phúc.
Tiếp tục là địa chỉ tin cậy của kịch thiếu nhi
Những nghệ sĩ như Đình Toàn, Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Bạch Long, Đông Hải, Hòa Hiệp, Quang Thảo, Quốc Thịnh, Tâm Anh, Cẩm Hò, Mai Phượng, Tuyền Mập, Mai Dũng, Quốc Tuấn… đã làm sáng bừng sân khấu, tạo không khí hấp dẫn từ đầu đến cuối vở kịch Huyền thoại mắt thần lần này.
Trang phục do nhà thiết kế Ngọc Tuấn phụ trách đẹp rực rỡ, tạo nên một không gian Ai Cập huyền thoại, hấp dẫn. Và âm nhạc, nhảy múa điêu luyện là thế mạnh quen thuộc, tất cả khiến Ngày xửa ngày xưa vẫn là một địa chỉ tin cậy trong thế giới kịch thiếu nhi.
Năm 2023, vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai đã bán được 62 suất (trong khi các năm trước Ngày xửa ngày xưa chỉ bán trung bình 35 - 45 suất), lý do là khán giả ùn ùn kéo đến xem "vở diễn cuối cùng" của NSƯT Thành Lộc tại IDECAF, đặc biệt là kịch thiếu nhi.
Năm nay, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khá lo lắng, nhưng điều bất ngờ là vở Huyền thoại mắt thần mới phúc khảo, vừa mở bán trên mạng, khán giả đã mua hết 30 suất của tháng 5 và tháng 6. Ông Huỳnh Anh Tuấn dự định tiếp đó sẽ lấy thêm lịch tại Nhà hát Bến Thành hoặc đem vở về Nhà hát Thanh Niên rộng 600 ghế, diễn suốt mùa hè và mùa trung thu. Có thể nói, khán giả vẫn chấp nhận thiếu vắng nghệ sĩ tên tuổi cũ, miễn Ngày xửa ngày xưa giữ được thương hiệu mạnh, chất lượng tốt.
NSƯT Mỹ Duyên đã có hàng chục lần đóng vai công chúa trong Ngày xửa ngày xưa, được khán giả ái mộ. Khi chị về với sân khấu Thiên Đăng, fan của chị tâm tư, không biết có còn gặp lại "công chúa". Và Mỹ Duyên đã quay về IDECAF, nhận vai công chúa Mây trong Huyền thoại mắt thần. Chị nói: "Tôi đâu có bỏ IDECAF được. Đó là nơi tôi gắn bó mấy chục năm, nơi tôi trưởng thành nghề nghiệp. Mình quen sống với anh em IDECAF rồi, rất thoải mái, hòa đồng, điều đó níu giữ mình mạnh nhất. Lần này tôi đóng vai một công chúa không hề yếu đuối như trước, mà rất mạnh mẽ, nghị lực, tôi rất thích".
Bình luận (0)