Nhìn thấy cảnh cô nữ sinh vừa hoàn thành phần thi tài năng ở cuộc thi thanh lịch òa khóc nức nở, tôi không khỏi xót xa.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Mặc dù trước đó, cô nữ sinh ấy rất tự tin và thể hiện khá tốt bài hát dự thi. Chuyện xảy ra khi cô trở về chỗ ngồi, từ dưới hàng ghế khán giả có tiếng nói vọng lên “hát gì mà dở thế”. Chỉ một câu chê bai vô cớ của một người nào đó đã khiến cô mất bình tĩnh và không thể tiếp tục thi được nữa.
Thích chê bai người khác đang trở thành một thói quen của nhiều người. Họ luôn tìm cách “vạch lá tìm sâu” để hạ bệ người khác.
Có nhiều người mở miệng ra là chê hết thứ này đến thứ kia, trong khi chưa chắc họ đã am hiểu tất cả về đối tượng đang đề cập. Dẫu rằng, một lời chê chân thành, khéo léo sẽ giúp người khác sửa sai, nhận ra khuyết điểm. Nhưng rõ ràng phần lớn, những người thích chê bai đều không có thiện chí đó. Họ chê chỉ vì tâm lý ghen ăn tức ở, không muốn người khác hơn mình, thậm chí như một thói quen khó bỏ.
Tôi nhớ lúc còn đi học, tôi vốn nhút nhát nên rất ngại nói trước đám đông, ít khi phát biểu xây dựng bài. Nhưng từ khi được thầy giáo dạy văn lớp 9 nhận xét “em có giọng nói rất truyền cảm”, tôi đã tự tin hơn khi bày tỏ ý kiến giữa tập thể, mạnh dạn trong giao tiếp.
Bởi vậy, thay vì chê bai, chúng ta hãy khen ngợi những điểm mạnh, thành quả xứng đáng. Một lời khen đúng lúc có thể trở thành động lực khuyến khích người khác cố gắng hơn.
Hãy mở rộng lòng mình, nhìn đời, nhìn người một cách khách quan, bao dung hơn để đừng buông những lời chê vô cớ. Bởi khi bạn chê bai, vô tình bạn đang tạo cho mình lối sống tiêu cực, nhìn vào đâu cũng thấy khuyết điểm. Bởi khoảng cách từ thói quen chê bai đến cách sống bi quan, chán nản rất gần.
Bình luận (0)