Khi người trẻ cô đơn: 'Cái bóng' của cha mẹ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/09/2018 08:41 GMT+7

Nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực từ 'cái bóng' thành đạt quá lớn của cha mẹ. Làm thế nào để luôn khuyến khích các con thành công mà vẫn là chính mình?

Bận bịu quên con !
Đ.T.T.N, 13 tuổi, trú P.Hà Phong, TP.Hạ Long, Quảng Ninh có một thời gian dài thường chọn góc ngồi một mình, cô bé thường hay nổi giận và đập phá đồ đạc. Sau thời gian tâm sự cùng cháu, người dì của cô bé hiểu ra, bố mẹ của bé (bố là luật sư, mẹ làm trong lĩnh vực giáo dục có tên tuổi) quá bận bịu, chưa thể làm bạn với con gái của mình.
“Mẹ và bố đều giỏi, được nhiều người nể trọng, hay giúp đỡ nhiều người khác. Nhưng khi cháu hỏi gì thì bố mẹ đều gạt đi và nói hỏi nhiều, vậy cũng không biết”, N. chia sẻ.
Còn T.N.D, 25 tuổi, con một diễn viên nổi tiếng tại Hà Nội, đã không đi theo con đường diễn viên của bố mình dù từng tham gia một số vai diễn khi còn nhỏ. Anh từng chia sẻ, sợ bị so sánh với những gì bố đã và đang làm được. Bố quá thành công, còn anh không tự tin mình có thể làm gì ấn tượng với công việc này.

Anh Nguyễn Trọng Nhân, chuyên viên tư vấn tâm lý, Công ty cổ phần đầu tư giáo dục và đào tạo quốc tế Rồng Việt, cho hay là con của những bố mẹ thành đạt, nổi tiếng, bạn trẻ có thể nhận được sự quan tâm hoặc được tạo điều kiện tối đa để phát triển bản thân. Nhưng mặt khác, đó cũng chính là một áp lực vô hình, nhất là đối với những bạn có cá tính mạnh mẽ và biết phản kháng với những điều họ không thích.
“Để yêu thương và mang đến niềm hạnh phúc cho con, các bậc cha mẹ hãy để con phát triển một cách tự nhiên. Có thể con sẽ không thể hiện sự đam mê, hứng thú theo đúng những điều mà bố mẹ đã kỳ vọng, nhưng con được sống đúng với những khả năng, đam mê thực sự của mình. Khi đó, bố mẹ sẽ là người bạn đồng hành, luôn bên cạnh tạo niềm tin, đưa ra những lời khuyên cần thiết cho con”, anh Nhân đưa ra lời khuyên.
Còn theo anh Phạm Cao Sơn, Trưởng bộ môn bắn súng, huấn luyện viên bộ môn súng ngắn nam, Trung tâm đào tạo vận động viên thể dục thể thao Hải Phòng, thay vì nhìn vào điểm yếu của các con, cha mẹ nên nhìn ra những điểm tích cực để động viên, cho con thấy mình sẽ được phát triển hết khả năng, không bị áp lực về thành tích.
Hạnh phúc khi được cha mẹ thấu hiểu
Nguyễn Khánh Vương Anh, 23 tuổi, con gái của tốp 3 Vua đầu bếp Masterchef VN năm 2014 Đoàn Thu Thủy, đầu bếp nổi tiếng với nhiều nhà hàng tại TP.HCM, chia sẻ cô không cảm thấy áp lực, mà ngược lại rất hạnh phúc khi có mẹ tài giỏi.
“Tôi rất hâm mộ những nghị lực, sự cố gắng không ngừng nghỉ, cùng với đam mê của mẹ. Tôi nhìn thấy những đêm mẹ thức rất khuya và những chuyến đi gấp gáp để mẹ vừa có thể làm tốt công việc, vừa đi tìm hiểu để viết sách. Mẹ dạy tôi rất nhiều về sự cố gắng, mẹ truyền cho tôi niềm đam mê với ẩm thực VN. Tôi không cảm thấy áp lực khi là con của mẹ. Tôi không cần cố gắng để chứng minh mình giỏi hơn mẹ”.
Trong khi đó, Lê Phương Nam, 25 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông tại đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), cho hay: “Nếu các bạn là “con nhà nòi”, bố mẹ thành đạt nổi tiếng, các bạn có thể đi lên từ nấc thang số 5 đến 10, còn con nhà bình thường có thể đi lên từ số 0. Tuy nhiên, nếu có năng lực và sự cố gắng, mọi cơ hội và sự thành công sẽ chia đều cho tất cả”, Nam chia sẻ.
Anh Đặng Trần Trung, 30 tuổi, nhân viên marketing các công ty giải trí tại Hà Nội và Hải Phòng, đồng tình với quan điểm này. Bố mẹ chỉ là công chức nhà nước nghỉ hưu, tốt nghiệp ĐH anh Trung tự xin việc tại nhiều công ty, thu nhập hiện nay mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Anh bộc bạch: “Bố tôi đã qua đời, tôi còn nhớ ông từng nói đừng nản chí, chỉ cần con cố gắng, mọi thứ sẽ được đền đáp”. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.