Khuôn mặt thơ họa Một bến lạ
NSND Đặng Thái Sơn đã qua đủ 14 ngày cách ly khi trở về Việt Nam, để được trở thành một phần trong buổi ra mắt cuốn thơ và họa của cha mình - ông Đặng Đình Hưng. Trước đó, một nhóm văn nghệ sĩ đã cùng ông Sơn thực hiện dự án sách Một bến lạ này. Nhóm gồm nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, Họa sĩ Lê Thiết Cương.
“Khi cầm cuốn Một bến lạ của thầy Đặng Đình Hưng, thì phải hiểu toàn bộ mỹ thuật bên trong là đúng theo bản gốc của cụ Đặng Đình Hưng. Ví dụ có những trang tại sao mà chỉ có một câu thôi, xong lại để giấy trắng rồi sang trang tiếp theo mới là câu hai. Đó là đúng ý của cụ Đặng Đình Hưng”, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.
|
Ông Cương có chút tiếc nuối vì đã mong làm một phiên bản sách đặc biệt cho Một bến lạ. Ông Cương cũng muốn có thêm một bài thơ nữa rất hay của ông Đặng Đình Hưng viết về Bác Hồ. “Thầy Hưng là người bị tai nạn trong Nhân văn giai phẩm trong khi không hề có chữ nào trong Nhân văn giai phẩm cả. Mặc dù vậy, ông ấy vẫn làm bài thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch rất hay. Tôi chưa thấy ai ca ngợi Hồ Chủ tịch bằng câu Bác tặng đôi tình nhân cái ghế đá như trong bài thơ ấy. Như thế rất nhân bản, con người. Vị lãnh tụ nhìn thấy điều nhỏ nhất của các đôi tình nhân, họ ngồi đất và không có ghế đá. Nói về sự vĩ đại của lãnh tụ bằng điều bình thường nhất”, ông Cương nhớ lại.
Với Một bến lạ, người xem được rõ ràng hơn về tầm vóc của ông Đặng Đình Hưng cả trong thơ và họa. Cũng trong cuốn sách này có những dòng viết về việc ông là một người của Nhân văn giai phẩm. Chẳng hạn, nhà văn Nam Dao (Canada) viết về những cuộc la cà với mấy “ông anh Nhân văn giai phẩm”: “Trong số các anh, tôi nói rất ít về Đặng Đình Hưng. Không có trong nhóm chủ trương Nhân văn và giai phẩm, anh bị “liên quan” vì anh không phủ nhận tình bạn của anh với những người có vấn đề”.
|
Đã xuất bản và khoảng nghiên cứu cho văn học sử
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, vẫn còn có tư liệu để có thể tiếp tục xuất bản tác phẩm của ông Đặng Đình Hưng. “Sau đây 3 năm nữa là sinh nhật 100 tuổi của ông. Nếu lúc đó tôi có thể tham gia làm sách, thì cuốn đó có cả những tư liệu mà anh Đặng Thái Sơn cũng chưa được đọc”, ông Cương nói. Điều này, theo ông Cương, khác biệt so với những tác giả Nhân văn giai phẩm khác. “Bác Trần Dần cũng in hết rồi vì Trần Trọng Vũ đã làm cả đến những trang nhật ký của bác. Nhà thơ Lê Đạt cũng đã in hết, nhà thơ Hoàng Cầm cũng in hết”, ông Cương nói.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, từng có thời điểm việc in và ra mắt sách của tác giả Nhân văn giai phẩm khó khăn. Tuy nhiên, giờ đây, họ đã được in hầu hết tác phẩm. Cùng với đó cũng đã có tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước. Năm 2007, cùng lúc 4 tác giả Nhân văn giai phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước. Nhà thơ Hoàng Cầm được tặng thưởng với các tập thơ Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, 99 tình khúc. Nhà thơ Trần Dần với các tác phẩm Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Người người lớp lớp. Nhà văn Phùng Quán với tác phẩm Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo. Nhà thơ Lê Đạt nhận giải với các tác phẩm Bóng chữ, Ngó lời, Hèn đại nhân.
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho biết khi ông làm tuyển tập cho cụ Phan Khôi, về đại thể không có khó khăn gì lắm. Chỉ có điều, theo quy định hồi đó thì những tác phẩm trước 2.9.1945 thì phải thông qua hội đồng thẩm định. “Sau khi in tập đầu tiên tôi có nhờ ông Chương Thâu (Viện Sử học) viết cho bản giám định. Ông ấy đánh giá cao tác giả Phan Khôi. Nhà xuất bản sẽ trình ra bản giám định ấy khi xin giấy phép”, ông Ân nhớ lại.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, khi các tác phẩm đã được in đầy đủ thì việc tiếp theo là có thể nghiên cứu các tác giả Nhân văn giai phẩm. “Hiện tại việc dạy về họ như một tác giả thì chưa. Tuy nhiên, Hoàng Cầm có được bài Bên kia sông Đuống đưa vào giáo trình, nghiên cứu Trần Dần cũng có luận án rồi”, ông Nguyên nói.
Bình luận (0)