Chẳng phải ngẫu nhiên mà những lời chia sẻ chân tình này của doanh nhân Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tại hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021 diễn ra ngày 26.12.2020 lại nhận được sự đồng tình và ủng hộ đặc biệt của đông đảo đại biểu tham gia hội nghị. Có lẽ, đây là lần đầu tiên ngành ngân hàng có một hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng đặc biệt đến thế, khi vấn đề “lợi nhuận” vốn được xem là mục tiêu sống còn của ngân hàng, lại được xem là thứ yếu trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
“Trách nhiệm lớn của ngân hàng là sẻ chia với người dân, doanh nghiệp, với xã hội”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở các lãnh đạo ngân hàng một nhiệm vụ quan trọng: "Năm nay, tôi sẽ không hỏi các ngân hàng lợi nhuận bao nhiêu mà hỏi về việc các nhà băng đã chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào...".
Đúng theo tinh thần của hội nghị, không phân tích nhiều đến doanh thu, lợi nhuận hay các bộ chỉ số thông thường mà ngân hàng nào cũng quan tâm, không dành thời gian để kể về “thành tích” trong năm 2020, lãnh đạo TPBank đã truyền cảm hứng đặc biệt khi bàn về trách nhiệm xã hội của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong thời kỳ mới, đó là hỗ trợ hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh vượt qua khó khăn.
|
Thừa nhận năm 2020 là một năm đầy thử thách khốc liệt với cả nền kinh tế, với hệ thống ngân hàng, song ông Đỗ Minh Phú cho rằng, càng trong bối cảnh khó khăn và thách thức như hiện nay, các ngân hàng càng phải thể hiện vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế trong việc đồng hành với nhân dân, sẻ chia với doanh nghiệp và có trách nhiệm với xã hội. Chỉ khi nào hỗ trợ vực dậy được doanh nghiệp, sẻ chia trách nhiệm xã hội với cộng đồng, khi ấy ngành ngân hàng mới làm tròn trách nhiệm chung tay chấn hưng nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn của dịch bệnh, thiên tai.
Trong năm 2020, không chỉ thể hiện vai trò của một ngân hàng hàng đầu cả nước với việc duy trì tăng trưởng trong bối cảnh vô cùng khó khăn, thách thức, TPBank còn tiên phong sẻ chia khó khăn với nhân dân, với cộng đồng doanh nghiệp bằng việc miễn giảm lãi cho trên 10.000 khách hàng với số tiền là 213 tỉ đồng. Tổng dư nợ được giảm lãi là hơn 40.000 tỉ đồng, nhưng ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11% nhờ tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Cũng trong năm 2020, ngân hàng này cùng với Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng đã có nhiều hoạt động chung tay cùng Chính phủ, ngành y tế và các địa phương chống Covid-19, ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung trong thiên tai, bão lũ với tổng số tiền ủng hộ lên tới gần 30 tỉ đồng.
Nói về mục tiêu của năm 2021, lãnh đạo TPBank khẳng định, các NHTM không những phải phấn đấu vươn lên để sánh vai ngang tầm với các ngân hàng trong khu vực mà còn có trách nhiệm hỗ trợ sẻ chia với gần 700 nghìn doanh nghiệp, với hàng triệu hộ kinh doanh vượt qua khó khăn thách thức của dịch bệnh, thiên tai. “Là một NHTM trong hệ thống, TPBank hiểu rõ sứ mệnh của mình, chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực cùng toàn ngành đóng góp xứng đáng vào công cuộc chấn hưng nước nhà, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng", ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh.
Bí kíp thành công là “coi chuyển đổi số là mục tiêu sống còn”
Chiến lược phát triển ngân hàng số của TPBank và những tâm huyết đối với chiến lược phát triển số của ngành ngân hàng cũng là một nội dung gây ấn tượng đặc biệt tại hội nghị của ngành. Theo ông Đỗ Minh Phú, ngay từ khi bắt tay vào tái cơ cấu, TPBank đã xác định “chuyển đổi số là mục tiêu sống còn của ngân hàng”, và chính tầm nhìn xa đó đã trở thành “chìa khóa vàng” để ngân hàng này phát triển mạnh mẽ, vươn lên từ một ngân hàng bị xem là “yếu kém phải tái cơ cấu” trở thành Top 10 các Ngân hàng lớn mạnh nhất của hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Đến nay, TPBank đã có hệ thống vận hành với 70 robot tự động hóa (RPA) và nhận dạng ký tự quang học (OCR); giao dịch, phê duyệt online...; triển khai dự án Ngân hàng không giấy tờ Paperless... Đặc biệt, TPBank phát triển mô hình ngân hàng tự động LiveBank 24/7 từ năm 2017. Trong 5 năm gần đây, TPBank đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng để phục vụ cho mục tiêu phát triển Ngân hàng số.
|
Nhờ tiên phong và quyết liệt chuyển đổi số, TPBank từ ngân hàng thua lỗ lũy kế, sau 8 năm đã khắc phục toàn bộ số lỗ, vươn lên lợi nhuận năm 2020 ước đạt trên 4.000 tỉ đồng. Số lượng khách hàng đã tăng gấp 100 lần, lên gần 5 triệu từ con số hơn 50.000 khách năm 2012. Điều ấn tượng hơn cả là mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng cao đạt mức bình quân 42% trong suốt quá trình 2012-2019, nhưng số lượng nhân sự của TPBank 4 năm gần đây chỉ tăng dưới 5%.
Đến nay, TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số đó là Đổi mới số hay Sáng tạo số (Digital Innovation). Nó không còn mang ý nghĩa cách mạng mà Sáng tạo số đã thấm nhuần và trở thành tư duy hành động, tác nghiệp thường nhật của toàn hệ thống tại TPBank.
Từ những kinh nghiệm xương máu của mình, ông Phú nhận định chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, đồng thời cũng là giải pháp cứu cánh cho ngành ngân hàng trong giai đoạn đầy thách thức này. Lãnh đạo TPBank cũng đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực để ngành ngân hàng có đủ điều kiện phù hợp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong tương lai như: Kiến nghị Chính phủ ban hành quy định cơ chế thử nghiệm Sandbox; Kiến nghị NHNN hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin, quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cho phù hợp với thông lệ quốc tế. “Từ những thành công này, chúng tôi rút ra những bài học kinh nghiệm rằng, chuyển đổi số cần phải được xây dựng trên chiến lược bài bản căn cơ. Và cấp cao nhất phải có quyết tâm máu lửa để truyền đạt xuống toàn hệ thống”, vị doanh nhân kỳ cựu bày tỏ.
Có lẽ, thành công nhờ chuyển đổi số và tự đề ra cho mình những trách nhiệm quan trọng với xã hội, với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 là câu chuyện riêng của TPBank, nhưng những chia sẻ “gan ruột” này của lãnh đạo TPBank đã trở thành thông điệp truyền cảm hứng và lan tỏa mạnh mẽ trong ngành ngân hàng ngay tại hội nghị của ngành. Tin rằng, với tinh thần đó, những đóng góp của TPBank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục là nguồn “huyết mạch” vô cùng quan trọng cho đất nước.
Bình luận (0)