Khi nhà vua gặp Tấm trong hội làng, cái nhìn sững sờ đó ngay lập tức khiến người xem liên tưởng tới tên bộ phim Yêu em từ cái nhìn đầu tiên đã rất quen trên truyền hình. Tấm Cám của sân khấu tư nhân Lệ Ngọc đi suốt mạch đó.
Cố gắng làm câu chuyện cổ tích đó trở nên gần với hiện tại nhất có thể. Thậm chí, đạo diễn Chua Su Pong (Singapore) còn thay đổi cả cái kết của chuyện để vở diễn được nhẹ nhàng hơn, dễ gần với lối suy nghĩ bây giờ về sự bao dung và lòng vị tha hơn.
Trong bản diễn vùa tổng duyệt tối 15.5, vẫn còn đó những phép màu, nhưng sự nâng đỡ Tấm không còn đến chỉ từ thế giới thần tiên nữa. Ông Bụt đã hoàn toàn không xuất hiện. Bù lại, Tấm nhận được sự yêu thương của người chú mình sau khi cha mất. Tấm cũng nhận được những món quà từ quá khứ mà mẹ mình đã dạy.
Đó là khi nhà vua tha thiết nhớ nàng với miếng trầu têm đẹp đẽ, còn bà cụ bán nước cũng rưng rưng vì bao nhiêu năm chưa thấy miếng trầu cánh phượng đẹp đến vậy. Còn Tấm chỉ nhẹ nhàng, đấy là mẹ con đã dạy con têm. Nhấn vào tình mẹ, vở diễn gợi đến câu chuyện gia đình, thứ mà công chúng thiếu nhi vẫn chạm vào hàng ngày nhưng đôi khi quên mất.
|
Tấm Cám có một bảng màu nguyên chất rực rỡ. Những trang phục do NTK Sĩ Hoàng làm riêng cho vở muôn hồng nghìn tía và mềm mại. Sân khấu của họa sĩ Doãn Bằng cũng đa sắc và có chiều sâu. Đặc biệt, những tạo hình cổng làng, giếng nước gợi đến những tác phẩm tranh khắc về làng quê.
Âm nhạc cũng được đặt riêng cho vở. Cùng với vũ đạo, Tấm Cám là vở diễn được làm theo chủ ý làm sao để mới hơn, để hợp với khán giả trẻ thường thích nhạc kịch. Cũng chính vì vậy, vở có những màn hát múa “đệm” hơi thừa. Tuy nhiên, khi rút gọn lại thành những bản diễn cho chương trình 1.6 (29.5-2.6) tới ở Cung Hữu nghị Việt Xô, những màn này có thể được lược bớt.
Bình luận (0)