Tuổi tác hơn học trò không quá nhiều, những thầy cô giáo trẻ thời hiện đại không khác gì anh chị, thậm chí bạn tâm giao gỡ rối tâm tư hoặc góp ý cho những quyết định quan trọng của cuộc đời học trò.
Tâm thư gửi thầy
Trên trang “thú tội” của sinh viên (SV) Trường ĐH Ngân hang TP.HCM gần đây, xuất hiện một bức tâm thư mùi mẫn, dí dỏm khiến thầy trò của trường vô cùng thích thú. Bức thư viết: “Hôm đầu tiên bước vào lớp, thấy thầy ngồi mà không phải cô Kim. Em chần chữ mãi rồi quyết định bay vô tìm một chỗ ngồi thật lý tưởng. Sau khi nghe thầy nói thầy sẽ phụ trách lớp, tự nhiên em “yeah” lên một tiếng mừng rỡ. Và thầy bắt đầu phổ biến chế độ phát xít cai trị 12 buổi. Thầy giảng bài nhiệt tình quá, hăng say và nhiệt huyết quá. Giảng viên ai cũng như thầy thì em sẽ không mệt mỏi mỗi khi đi học đâu. Những câu chuyện của thầy rất thú vị. Thích lắm thầy ạ. Thầy đúng kiểu truyền cảm hứng cho sinh viên. Đặc biệt em thích nụ cười 'ló lợi' và 2 cái răng 'dài' của thầy...”.
Giảng viên Huỳnh Lưu Đức Toàn (trái) luôn được SV yêu mến vì cách giảng bài cuốn hút - Ảnh: NVCC
|
Người có duyên nhận bức thư này chính là Huỳnh Lưu Đức Toàn, giảng viên môn tài chính doanh nghiệp, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Đức Toàn sinh năm 1990, chỉ hơn SV khoảng 4, 5 tuổi nên mặc dù được gọi “thầy” nhưng cách mà trò giao tiếp với thầy, gần gũi và hài hước giống như với một người anh, người bạn.
Sở dĩ Đức Toàn nhận được sự yêu mến của SV như vậy, không phải chỉ vì trẻ trung, mà còn vì cái cách mà Toàn đối với SV trên giảng đường cũng như ngoài cuộc sống. Toàn cho biết: “Câu tiên học lễ, hậu học văn vẫn còn nguyên giá trị, dù các bạn đã trở thành SV đại học. Trong 12 buổi dạy, thì cứ mỗi đầu buổi học, mình lại kể cho SV nghe một câu chuyện về chữ “lễ” trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện đều có một ý nghĩa, bài học giúp SV thấm thía về cách ứng xử, cách suy nghĩ thấu đáo và nhân văn. Mình không ép SV phải đi học đúng giờ, không điểm danh gắt gao, nhưng nhờ những câu chuyện đó mà hầu như bạn nào cũng muốn đến sớm để được nghe”.
Ranh giới mong manh
Người thầy hiện đại luôn năng động, cá tính, cố gắng để gần gũi, thân thiện với học trò vì đó chính là cách để thấu hiểu học trò nhằm đưa ra phương pháp chia sẻ kiến thức hiệu quả nhất. Thế nhưng nếu như không có một điểm dừng thì rất dễ có những tác động tiêu cực tới học trò. Giảng viên Ngô Thị Phương, Khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhìn nhận: “Tụi mình giờ ăn mặc thoáng hơn ngày xưa, cô có thể mặc đầm đi dạy, có thể sơn móng tay, nhuộm tóc, trang điểm… tuy nhiên phải lịch sự, kín đáo. Các thầy cô trẻ cũng có thể đi bar, xăm hình… vì đó là sở thích cá nhân miễn là không được quá nhố nhăng, không được vi phạm đạo đức người thầy”.
Giảng viên Ngô Thị Phương cho rằng ngay cả việc sử dụng mạng xã hội, người thầy cũng phải tiết chế rất nhiều để tránh ảnh hưởng tới học trò. Chẳng hạn khi buồn chán, tuyệt vọng điều gì, Phương cũng nén lại, chỉ giữ trong lòng mà không dám đưa lên Facebook, vì sợ SV đọc được sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc khi chia sẻ một quan điểm Phương cũng đều phải cân nhắc, suy nghĩ thận trọng.
“Các em học sinh, SV còn nhỏ, chưa thực sự trưởng thành nên hình ảnh người thầy trên mạng xã hội hay ở ngoài đời đều phải có một chuẩn mực nhất định. Mỗi một lời nói, hành động của thầy cô đều có ảnh hưởng nhất định tới việc hình thành suy nghĩ, nhân cách của trò. Do đó, dù thoải mái đến đâu cũng cần phải có một điểm dừng”, Phương bày tỏ.
Anh Lã Hoài Tuấn, giảng viên Trường ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng, vẫn có cần một giới hạn nhất định để hình ảnh người thầy luôn đẹp trong mắt học trò. Vì dù thời nào, người thầy vẫn phải là một người có lối sống lành mạnh, tích cực. Làm thế nào để vừa là bạn vừa là tấm gương cho trò học hỏi, đòi hỏi người thầy phải thật tinh tế và khéo léo.
Theo quan điểm của thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thầy có thể chia sẻ chuyện bài vở, đưa ra lời khuyên trước những vấn đề quan trọng của SV, là “nhà tâm lý” tháo gỡ vướng mắc tình cảm… nhưng cần hạn chế nói chuyện phiếm hoặc ngồi quán xá uống nước. “Nếu giao tiếp quá thoải mái, trò sẽ đùa giỡn hoặc thiếu tôn trọng thầy, ảnh hưởng tới công việc giảng dạy… “, thầy Sĩ nhận định.
Để biết đâu chính là “điểm dừng”, giảng viên Huỳnh Lưu Đức Toàn chia sẻ, ngay từ đầu, thầy phải đưa ra những nguyên tắc để thầy trò cùng tuân theo, nguyên tắc nào SV cảm thấy không phù hợp thì sẽ trao đổi với thầy để có tiếng nói chung. Đức Toàn cho biết: “Những nguyên tắc này được thỏa thuận trên tinh thần thầy trò tôn trọng lẫn nhau, đó chính là bí quyết để lúc nào thì thầy chính là người hướng dẫn, chia sẻ kiến thức, lúc nào thầy chính là người anh, người bạn của SV”.
Bình luận (0)