Khi thế giới ảo lấn át thế giới thật

03/08/2014 15:15 GMT+7

Cụm từ 'Thế giới ảo' thường được nhắc nhiều trong thời gian gần đây với nội dung khi thì phê phán, khi thì ca ngợi. Riêng tôi, cụm từ này không có tội. 'Thế giới ảo' và 'thế giới thật' như thế nào là do cách người ta xây dựng nó.

Cụm từ “Thế giới ảo” thường được nhắc nhiều trong thời gian gần đây với nội dung khi thì phê phán, khi thì ca ngợi. Riêng tôi, cụm từ này không có tội. “Thế giới ảo” và “thế giới thật” như thế nào là do cách người ta xây dựng nó.


Thế giới ảo của riêng tôi vẫn là trí tưởng tượng nằm sâu thẳm trong miền ký ức, còn thế giới ảo trên mạng đối với tôi là thế giới ảo công nghệ hay chỉ là thế giới phẳng - Ảnh: Shutterstock

Thế giới thật và thế giới ảo trong ký ức tuổi thơ tôi:

Chắc hẳn ai cũng nhận thức rõ ràng về định nghĩa truyền thống của thế giới thật. Theo cảm nhận của riêng tôi thì thế giới thật mà tôi từng có là những cánh đồng gió mát lồng lộng, là những tiếng chim chiền chiện lao vút lên bầu trời xanh rồi thả tiếng hót của chúng lọt vào tai tôi, là những con dế với đôi cánh bóng mượt phát ra tiếng gáy hân hoan, là những củ khoai mì thơm lừng nóng hổi, là những đám mây đủ thứ hình thù, là những trái trâm chín mọng rụng ngoài sân vườn, là những cơn mưa mùa hè mát rượi, là những tiếng cười của các bạn cùng trang lứa… Cho dù là niềm vui hay nỗi buồn, cho dù là những hạnh phúc hay bất hạnh, tôi đều có thể cầm nắm bắt, cảm nhận hay thậm chí ngửi được chúng.

Còn thế giới ảo mà tôi từng có chỉ nằm trong trí tưởng tượng. Đó là những chuyến du hành vào vũ trụ, đó là những bữa cơm no, đó là những chiếc mền (chăn) lành lặn mỗi khi trái gió trở trời, đó là đôi bàn tay mẹ, đó là những lời ru của mẹ, đó là những chuyến đi chơi xa, đó là những mơ ước về tương lai... Có những thứ mà tôi đã đem được chúng vào thế giới thật từ trong thế giới ảo nhưng cũng có những thứ mãi mãi chỉ nằm trong thế giới ảo ở miền ký ức để làm động lực tiếp tục phấn đấu.

Một thế giới ảo giống như thế giới thật:

Thế nhưng mạng internet nói chung và các mạng xã hội nói riêng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi và không loại trừ sự có mặt của chúng ở Việt Nam đã xuất hiện thế giới ảo theo trào lưu. Thế giới ảo này quá phức tạp và có thể nói nó quá giống thế giới thật. 

Thế giới ảo truyền thống của tôi chỉ nằm trong trí tưởng tượng, còn thế giới ảo bây giờ hầu như nằm trên bàn phím hay trong màn hình.

Theo quan sát, tôi thấy rằng hầu như cái gì cũng có trong thế giới ảo này. Như là đồ ăn thức uồng bằng hình ảnh hay bằng clip, trang phục, trang sức, hoa lá, cảnh đẹp thiên nhiên rừng biển núi non, hình ảnh các dịch vụ thư giãn giải trí...

Hiện nay các nhà khoa học còn đang nghiên cứu đưa mùi vị vào thế giới ảo. Ví dụ như trong tương lai khi tôi xem hình hay clip một chiếc đùi gà rán thì tôi cũng có thể ngửi được mùi thơm của nó…

Ngoài ra trong thế giới ảo ngày nay cũng có những niềm vui, nỗi buồn. Tôi có thể chứng kiến được cảnh tường thuật trực tiếp về một chuyến đi chơi, một đám cưới hay một đám tang, một buổi tiệc sinh nhật hay một cơn rặn đẻ…

Những mối giao hữu hầu hết đều gặp nhau trong thế giới ảo mà chủ yếu là trên mạng xã hội Facebook. Tôi cũng có thể nhìn thấy, nghe thấy được nụ cười vui tươi hạnh phúc của bạn bè.

Khi thế giới ảo lấn át thế giới thật:

Điều làm tôi trăn trở nhất đó là những “đề cao” sai trong thế giới ảo và đôi khi những giá trị sống trong thế giới thật hầu như bị lãng quên. Điển hình là những clip giải trí hoàn toàn không có giá trị nghệ thuật theo đúng với định nghĩa truyền thống nhưng vẫn gây chú ý và được “đề cao” bằng nút “like”. Nếu nút “like” càng được click (nhấp chuột) hay chọt (màn hình cảm ứng) càng nhiều thì càng được “đề cao”. Và có khi nó còn được “đề cao” lan sang trong thế giới thật.

Hơn nữa, những clip quay lại các tai nạn giao thông, những trận cãi vã hò hét, những cuộc đánh ghen, những cảnh đàn ông hành hung đàn bà cũng không kém phần được “đề cao” bằng những cái “like”. Có những độc giả bình luận (comment): “Tại sao người quay clip không can ngăn việc đánh nhau, hay giúp những người bị nạn mà đứng đó quay clip?”.

Tôi tự trả lời cho chính mình rằng “Có lẽ hành động giúp người bị nạn trong thế giới thật sẽ không còn ai nhớ tới và sẽ đi vào dĩ vãng. Trong khi đó nếu anh ta/chị ta quay lại hiện trường và tung lên mạng thì vẫn còn đó những cái “like” và càng ngày càng tích lũy thêm “like”. Và nếu khi anh ta/chị ta muốn “gọi về” ký ức thì chỉ cần một cái click (chuột) hay một cái chọt (màn hình cảm ứng) tức thời mọi thứ sẽ hiện ra rõ mồm một”.

Mới đây nhất là vụ một thanh niên trộm xe bị người ta lột truồng, đánh hội đồng và dùng điện thoại ghi lại hình ảnh và tung lên mạng. Tôi tự hỏi mục đích của việc tung tấm ảnh này lên mạng để làm gì? Nếu để mọi người nhận dạng mà đề phòng thì chỉ cần tấm hình chụp gương mặt của anh ta. Một gương mặt lành lặn thì may ra mọi người mới nhận dạng được. Còn tung một tấm ảnh anh ta bị đánh bê bết máu và còn bị lột truồng thì quả thật là trông quá tội nghiệp.

Lời kết:

Liệu con người sẽ dần dần sống trong thế giới ảo nhiều hơn là đang sống trong thế giới thật hay nói cách khác là cuộc sống thật sự sẽ là cuộc sống trong thế giới ảo? Và vì sao những cái “like” không hợp lý trong thế giới ảo ngày càng nhiều hơn?

Thế giới ảo của riêng tôi vẫn là trí tưởng tượng nằm sâu thẳm trong miền ký ức, còn thế giới ảo trên mạng đối với tôi là thế giới ảo công nghệ hay chỉ là thế giới phẳng. Tôi sử dụng thế giới phẳng nhưng không sống trong thế giới phẳng vì nó không thể thay thế được thế giới thật!

Tidoo Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Lòng nhân ái trong “thế giới ảo”
>> Đừng đùa với thế giới ảo
>> Thế giới mạng không phải là thế giới ảo nữa
>> Vạ miệng trên thế giới ảo
>> Lệch lạc nhân cách trên thế giới ảo
>> Ảnh hưởng thực của thế giới ảo
>> Thế giới ảo, “chặt chém” thật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.