Tạo sự khác biệt với phần còn lại của Đông Nam Á
Ở 2 kỳ Olympic gần nhất, các đoàn thể thao Philippines và Thái Lan đều giành được HCV, nằm trong số các đoàn thể thao của Đông Nam Á thành công nhất. Tại Olympic Tokyo 2020, Philippines có 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, đứng vị trí 50 toàn đoàn. Còn tại Olympic Paris 2024, cho đến thời điểm này (chiều 8.8), Philippines đã sở hữu 2 HCV và 2 HCĐ, họ nhảy vọt lên đứng vị trí 24 toàn đoàn.
Trong khi đó, với đoàn thể thao Thái Lan, ở Olympic Tokyo 2020, họ giành được 1 HCV và 1 HCĐ, xếp hạng 59. Còn đến thời điểm này của Olympic Paris 2024, Thái Lan đã có 1 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ, xếp hạng 31 toàn đoàn.
Thái Lan và Philippines tiếp tục là các đoàn thể thao thành công nhất ở Đông Nam Á ở các kỳ Thế vận hội. So với các quốc gia khác trong khu vực, Thái Lan và Philippines không những duy trì các thế mạnh truyền thống, mà còn phát triển ở những môn mà trước đây họ không mạnh, cố gắng biến những môn này thành thế mạnh của họ.
Ví dụ như Philippines vẫn là đoàn rất mạnh trong môn quyền anh, khi đã giành được 2 HCĐ ở Olympic năm nay: Aira Villegas ở hạng 50 kg nữ và Nesthy Petecio ở hạng 57 kg nữ. Song song với các môn thế mạnh, Philippines đẩy mạnh phát triển môn thể dục dụng cụ (TDDC), với Carlos Yulo giành đến 2 HCV (nội dung bài thể dục trên sàn và nội dung nhảy chống). Carlos Yulo của Philippines trở thành VĐV đầu tiên của nước này và của cả Đông Nam Á giành được đến 2 HCV ở cùng 1 kỳ Olympic.
Chân dung người hùng Carlos Yulo - VĐV gây choáng váng với cú đúp HCV Olympic cho Philippines
Chưa hết, Philippines còn suýt giành huy chương ở nội dung nhảy sào nam trong môn điền kinh. EJ Obiena của Philippines đứng hạng 4, có thành tích 5,90 m, ngang với người giành HCĐ Emmanouil Karalis (Hy Lạp), chỉ kém chỉ số phụ.
Điền kinh là môn "nữ hoàng", môn danh giá nhất, có tính cạnh tranh cao nhất ở các kỳ Olympic. Việc một VĐV Đông Nam Á nói chung và Philippines tiến sát đến huy chương Olympic là hiện tượng ít gặp của thể thao toàn cầu.
Phát triển toàn diện
Với Thái Lan, họ duy trì thế mạnh ở một số môn võ, hạng cân nhẹ, như việc Panipak Wongpattanakit bảo vệ thành công HCV hạng cân 49 kg nữ trong môn taekwondo và Janjaem Suwannapheng giành HCĐ ở hạng cân 66 kg nữ trong môn quyền anh. Panipak Wongpattanakit là VĐV đầu tiên của Đông Nam Á bảo vệ thành công ngôi vô địch Olympic từ trước đến nay.
Cùng lúc đó, thể thao xứ sở chùa vàng tấn công mạnh vào các môn vốn lâu nay không phải là thế mạnh của họ. Việc lực sĩ Theerapong Silachai của Thái Lan giành HCB hạng cân 61 kg nam (hạng cân có Trịnh Văn Vinh của Việt Nam thi đấu) trong môn cử tạ, là bất ngờ rất lớn. Theerapong Silachai năm nay mới 20 tuổi, khả năng Theerapong Silachai thắng HCV Olympic Paris Li Fabin (Trung Quốc) sau đây 4 năm rất lớn. Vì sau đây 4 năm, Li Fabin sẽ 35 tuổi, khó duy trì phong độ cao vì tuổi tác.
Tương tự như thế là trường hợp của tay vợt Kunlavut Vitidsarn trong môn cầu lông. Đúng là Kunlavut Vitidsarn thua Viktor Axelsen (Đan Mạch) ở trận chung kết nội dung đơn nam, nhưng Kunlavut Vitidsarn còn trẻ, mới 23 tuổi, con đường phát triển còn thênh thang trước mắt. Giới chuyên môn đánh giá, sau khi Viktor Axelsen (năm nay đã 30 tuổi) rời sân chơi đỉnh cao, Kunlavut Vitidsarn khả năng cao sẽ thống trị cầu lông đơn nam thế giới.
Thái Lan chưa bao giờ là cường quốc cầu lông, cử tạ, cũng như Philippines chưa bao giờ quá mạnh trong các môn TDDC, điền kinh, nhưng hiện họ đang phát triển rất nhanh, cho thấy các quốc gia này có chiến lược đầu tư rõ ràng từ nhiều năm trước, tấn công thẳng vào đấu trường Olympic. Thái Lan và Philippines đang là những ngọn cờ đầu của thể thao Đông Nam Á ở Thế vận hội!
Bình luận (0)