Hai chữ “Tổ quốc” luôn đau đáu trong tim của bất cứ ai là người Việt Nam. Khi Tổ quốc cần, tất cả đều đáp lời kêu gọi của Tổ quốc.
Hai chữ “Tổ quốc” thường trực trong lòng của mỗi người Việt Nam, đã thúc giục hành động của rất nhiều cá nhân, tập thể góp sức cho “tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa”, giúp đỡ cho đồng bào nghèo khó ở khắp các miền quê nghèo của đất nước. Những hành động không một chút do dự của nhiều bạn trẻ hiện nay đã tạo nên những giá trị nhân văn trong cuộc sống hằng ngày. “Khi Tổ quốc cần”, thanh niên có mặt, sự có mặt trong tất cả những hoạt động thường nhật của cuộc sống, của các lĩnh vực lao động khác nhau ở bất cứ đâu.
Đó là nhiều trai trẻ gác lại chuyện riêng tư, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng. Hay như 20 tình nguyện viên của nhóm Trái tim yêu thương đã không ngại khó khăn, thức khuya dậy sớm, nhận từng tờ báo đi bán để dành tiền giúp các em nhỏ ở Trường Sa có điều kiện học hành.
Đó là Nguyễn Quốc Trung - SV Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân - cùng 27 người bạn của mình, hơn 2 năm nay tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện bằng cách giúp đỡ trẻ mồ côi cơ nhỡ, người già neo đơn không nơi nương tựa ở TP.HCM. Có hôm không ngại nắng mưa, lội ruộng đến thăm và tặng quà cho hộ nghèo ở những miền quê hẻo lánh các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng. Hoặc nhiều nhóm bạn trẻ thông qua các mạng xã hội đã quyên góp tổ chức Trung thu cho các em nhỏ ở vùng biên giới Tây Nam, Tây Bắc.
Khi Tổ quốc cần - một giải thưởng đầy ý nghĩa của Hội LHTN Việt Nam - năm nay trao cho 53 gương thanh niên tự khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng vươn lên làm giàu, sau đó giúp cho nhiều thanh niên khác thoát nghèo góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Hình ảnh của Nguyễn Thị Minh Nguyệt (thôn 6, Kiến Thành, Đắk R’lấp, Đắk Nông) tự tạo dựng cơ nghiệp bằng nghề sơ chế điều thô sau đó xuất khẩu. Doanh thu năm 2012 đạt 320 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 8 tỉ, nộp ngân sách 16 tỉ, tạo công ăn việc làm cho 300 người thanh niên. Thu nhập bình quân lao động 5 triệu đồng/người.
Mô hình sản xuất nấm tươi sạch của Nguyễn Văn Quý ở Tân Yên, Bắc Giang cũng là một điển hình. Sau 3 năm vừa xây dựng vừa sản xuất đến nay, với 1.900 m2 nhà xưởng, mỗi năm cơ sở của Quý đưa ra thị trường hàng ngàn tấn nấm tươi sạch. Trang trại đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. Với một tỉnh còn nghèo như Bắc Giang, mô hình trồng nấm của Quý có ý nghĩa lớn, không chỉ góp phần khuyến khích thanh niên trong tỉnh mạnh dạn làm kinh tế, mà còn là tấm gương thanh niên tích cực trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.
Khó mà kể hết những đóng góp thầm lặng, tấm gương biết hy sinh, chia sẻ vì người khác của bạn trẻ đáp lời kêu gọi của Tổ quốc. Giải thưởng Khi Tổ quốc cần là một sự tôn vinh cần thiết cho những người trẻ tuổi đã không ngừng nỗ lực để có nhiều đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước.
Võ Ba
Bình luận (0)