Dù rất mỏi, anh tránh dựa vào lưng ghế lạnh toát. Hưng nhìn chăm chú mặt đồng hồ màu trắng với những chữ số La Mã to khác thường treo trên khoảng tường phía sau quầy tiếp bệnh nhân. Vài phút nữa, 12 giờ khuya. Con trai anh đã được đưa vào phòng cấp cứu đặc biệt. Việc của anh lúc này chỉ là chờ đợi.
Mời các bạn nghe toàn bộ tác phẩm: |
Có tiếng chân bước hối hả. Một thứ tiếng ồn ngẫu nhiên nhưng gây náo loạn. Sau khúc quanh cuối dãy hành lang, một người lao vụt ra. Anh ta cao và gầy một cách đáng sợ, khoảng ngoài hai bảy. Bàn tay bấu chặt phía dưới cổ, như thể anh ta đang gắng sức kiềm chế hỗn hợp âm thanh sắp buột ra khỏi cuống họng. Bước chậm lại, anh ta nhìn quanh rồi ngồi vật xuống đầu kia dãy ghế, run rẩy dữ dội, đến mức sự rung động thấm vào kim loại lan truyền sang Hưng. Anh ta không ngớt lầm bầm điều gì đó, cái yết hầu nhọn hoắt chuyển động cuồng loạn như sắp xé rách lớp da cổ tái nhợt. Chừng mươi phút sau, ngớt run rẩy, anh ta gục mặt vào hai bàn tay.
Một cách kín đáo, Hưng quan sát người lạ. Sự kinh hoàng sầu thảm tựa lớp màng trắng đục khiến mọi đường nét đều nhòe nhoẹt, như nhìn trên màn hình TV bị rối nhiễu. Ngoài tường kính, vẳng lên tiếng còi hụ cùng ánh đèn chớp của một xe cấp cứu đang băng qua khoảng sân bệnh viện. Vài y tá trực túa ra sảnh, chạy không tiếng động theo lối thang bộ. Hưng vẫn ngồi im. Nhưng người lạ đã đứng bật dậy, lách qua cửa xoay rồi biến mất.
Bác sĩ đồng ý cho anh đưa con về nhà ngay trong đêm. Đứa bé mười một tháng tuổi đã được tiêm thuốc. Nhịp thở trở lại bình thường. Lúc này nó đang ngủ im bên trong chiếc nôi lớn có quai xách. Trao cho anh túi bìa giấy đựng phim, đơn thuốc cùng một danh thiếp, ông ta giải thích đều đều với Hưng về Ehlers-Danlos type bốn - một bệnh hiếm khởi nguồn từ chứng rối loạn gen. Ngưng một chút, ông ta miêu tả biểu hiện một vài biến chứng nguy hiểm. "Tôi có biết về chúng - anh cắt lời bác sĩ - Một căn bệnh dính líu đến gen di truyền. Ông sẽ nói thế, phải không?". Ông ta im lặng nhìn anh bằng đôi mắt hẹp, vằn đỏ vì thức khuya. "Anh có thể đưa thằng bé đến phòng khám riêng của tôi. Bất kỳ lúc nào. Địa chỉ và điện thoại có trên danh thiếp". Ông bác sĩ quay lưng bỏ đi, chẳng buồn nghe lời cảm ơn.
Một lần nữa Hưng cúi nhìn đứa con trong nôi. Sau đó anh bước ra khỏi khu vực cấp cứu, bấm thang máy xuống tầng hầm để xe. Khi anh lái xe ra đường thì đã quá nửa đêm từ lâu.
2. Đối diện cổng bệnh viện, hộp đèn trạm xe buýt phả quầng sáng vàng yếu ớt. Khoảng tối quanh đó thẫm lại, dày đặc hơn. Một người đứng im, bóng đổ dài trên mặt đường nhựa. Chỉ có đồ mất trí mới chờ chuyến xe buýt không bao giờ hiện ra trong đêm, Hưng tự nhủ. Đèn pha xe hơi chiếu thẳng. Anh chợt nhận ra gã trai trẻ ban nãy trong sảnh. Anh cho xe chậm lại, trờ sát lề. Bấm nút hạ kính, Hưng lên tiếng lạnh lẽo: "Có muốn quá giang không?". Mất mấy giây, người đứng một mình mới hiểu ra. Anh ta hấp tấp chui vào xe từ cửa bên kia, khựng lại khi thấy chiếc nôi. Hưng cho biết băng sau bỏ không. Tuy nhiên người lạ rụt rè đề nghị được ngồi ghế trước, ôm đứa bé, còn cái nôi có thể xếp ra đằng sau.
Anh ta thu xếp mọi thứ nhanh gọn. Khi anh ta tìm được tư thế thoải mái, tựa hẳn vào lưng ghế, đứa bé vẫn nhắm mắt ngủ yên trên ngực anh ta.
- Anh cho xe đi thẳng năm cây số nữa. Ngã tư chạm đường cao tốc, tôi sẽ xuống.
- Được! - Hưng gật đầu - Cậu chợp mắt chút đi. Đến nơi, tôi sẽ gọi.
- Phiền anh thức tôi vậy! - Nụ cười gắng gượng khiến mặt người lạ có các hốc tối khó coi - Gọi tôi là Đông.
Đồng hồ báo xăng vẫn còn đầy. Đường nhựa trơn mượt gây cảm giác cái xe cũ đang trôi xuống dốc. Những vệt đèn pha ngược chiều hung hãn cắt xuyên bóng tối như mắt lũ thú rừng. Tiếng rì rầm của động cơ chỉ lan truyền đến khuỷu tay Hưng. Phần cơ thể còn lại nhúng ngập trong tình trạng không cảm giác. Suốt nửa năm vừa qua, anh sống sót nhờ tìm thấy trạng thái yên tĩnh này. Anh không hiểu nổi nguyên nhân tai họa. Anh không nghĩ hay làm được gì hòng ngăn tai họa diễn ra. Sau đó thì tất cả trở thành chuyện đã rồi. Chỉ có đứa con trai nhỏ của anh như tàn tích sót lại, nằm bên bờ lỗ thủng rỗng hoác của cơn ác mộng.
Hưng đưa mắt nhìn con trai. Khuôn mặt nhỏ ngoẹo về một bên, bàn tay bé xíu đặt trên vai người lạ lúc ẩn lúc hiện trong bóng tối. Một hình ảnh quen thuộc. Quen thuộc đến mức ghê khiếp. Hệt như anh lại nhìn thấy An, vào cái hôm anh đón cô và con trai mới sinh từ bệnh viện về nhà.
Họ mới ngoài ba mươi. Mọi thứ đang vận hành ổn thỏa. Ngay suốt quãng thời gian mang thai mệt mỏi, An vẫn không mất đi vẻ xinh đẹp và sáng suốt luôn khiến anh ngạc nhiên. Cuộc sống gia đình chẳng có gì phàn nàn. Trước đó không lâu, bằng tiền dành dụm, họ vừa mua chiếc xe mà giờ đây anh đang điều khiển. Ngôi nhà thứ hai của họ. Biểu tượng hạnh phúc của họ.
Anh nhớ hôm ấy, buổi sáng, trời mưa lây rây. Xe chạy tốc độ trung bình trên đại lộ thưa thớt. Máy lạnh trong xe điều chỉnh ở khoảng 26 độ C, thích hợp với đứa trẻ vừa chào đời ba ngày. Họ không nói gì. Sự tĩnh lặng chia sẻ.
Nhìn nghiêng, vầng trán An trắng xanh, thẳng và mịn. Dựa hẳn vào lưng ghế, tay ôm đứa trẻ, cô bỗng cười khe khẽ, rồi nhoài người lấy đĩa chọn lọc The Beatles đặt vào đầu đọc. When I'm sixty four. You'll be older too. And if you say the word I could stay with you... Giọng hát trầm mượt vang lên thong thả, đượm vẻ chế giễu dịu ngọt. Đúng khi ấy, anh chợt nhận ra không khí trong xe phảng phất một mùi gì đó gợi sự bất an. Vợ anh áp môi lên trán con trai, bình thản: "Mùi máu. Từ người em!". Anh gật đầu. Chưa bao giờ anh thấm thía nỗi buồn bã xót thương như giây phút đó...
Nhiệt độ trong xe cũng khoảng 26 độ C. Con trai anh được sưởi ấm trên ngực người lạ, ngủ ngon lành. Đường nét gương mặt nhìn nghiêng của gã quá giang khá đẹp. Hưng rùng mình nghĩ vợ anh có vài nét tương đồng với kẻ xa lạ này. Bất thình lình, Đông mở choàng mắt. Đôi mắt ráo hoảnh cho biết anh ta hoàn toàn không ngủ. Những ngón tay dài mảnh đeo mấy chiếc nhẫn cầu kỳ rẻ tiền gõ nhè nhẹ trên gò má. Lúc này, anh ta đượm vẻ tự tin và làm chủ tình thế, khác hẳn hình ảnh hoảng loạn tại bệnh viện.
- Hồi nãy, cậu ở khu cấp cứu có chuyện gì? - Hưng phá vỡ sự im lặng.
- Người quen của tôi cần đến bệnh viện. Tôi đưa ông ta đi! - Đông ngập ngừng.
- Chỉ vậy thôi sao? - Hưng ngờ vực.
- Người đó bị chấn thương sọ não - giọng nói thì thào, rồi đột ngột vang to, the thé - Một vết thương sau gáy làm ông ấy bất tỉnh. Chỗ rách máu chảy nhiều không tin nổi...
- Ai gây ra chuyện đó? - Hưng hỏi, dù đoán được lời đáp.
- Nếu ông ấy không dọa bỏ rơi tôi, thì tôi đâu có phát khùng! - Gã quá giang úp mặt vào bàn tay, đột ngột khóc nức. Nước mắt anh ta nhiều đến mức rỉ qua các kẽ ngón, biến mất trong mấy cái nhẫn - Dù sao thì tôi cũng đã đưa ông ấy đi cấp cứu và gọi điện báo cho người nhà ông ấy để họ tới bệnh viện...
Đứa trẻ thở khò khè và bắt đầu khóc to. Bỗng dưng, nỗi chán nản khủng khiếp xâm chiếm Hưng. Mùi máu váng vất từ người ngồi cạnh, quen thuộc. Nhưng anh chẳng hứng thú gì với các bí mật kẻ khác. "Đừng khóc như đàn bà nữa. Dỗ nín con trai giùm tôi!" - Anh lên tiếng, chỉ muốn được yên. Nghiêng đầu chùi khô mắt vào vai áo, Đông vỗ nhẹ lưng đứa trẻ. Thằng bé dịu xuống. Mọi thứ lại im ắng. Nhưng bầu không khí trong xe chẳng còn như cũ.
Giao lộ đường cao tốc lấp loáng phía trước. Lơ lửng trên cao, các bảng điện giao thông nhấp nháy. Xe chạy chậm lại. Đông nói yếu ớt: "Về nhà một mình sợ lắm. Giá anh cho tôi trọ qua đêm nay!". Đèn vàng ngã tư chuyển màu đỏ. Chiếc xe lao vụt qua giao lộ như một kẻ tâm thần mù lòa. Bằng hành động liều lĩnh, Hưng ngỡ như đã quyết định bẻ ngoặt cuộc sống anh sang hướng khác, mù mờ và bất ổn. Ở một khía cạnh nào đó, anh chỉ làm cho việc đánh mất khả năng kiểm soát đời mình hiện hình rõ nét hơn.
3. Người quá giang ở lại trong căn hộ ba phòng ngủ của Hưng. Một tuần rưỡi trôi qua. Anh ta chưa có dấu hiệu thu xếp rời đi. Anh ta cũng tuyên bố chẳng việc gì phải trở lại cái công ty thiết kế nơi anh ta làm designer và trả lời các câu hỏi khó chịu. Một cách tự nhiên và vô lo, Đông chiếm căn phòng nhỏ có toa-lét riêng và hai cửa sổ. Hồi mới chuyển về đây, An dự tính sẽ dành căn phòng hơi tách biệt này cho khách. Thực sự là vợ chồng anh chưa từng có vị khách nào đến ở qua đêm.
Sáng, Đông dậy khá sớm. Anh ta tắm, mở nước lớn và hát mấy bài cũ kỹ của The Beatles. Giọng hát lạc điệu, hòa với tiếng nước chảy ồn ĩ. Anh ta sử dụng quần áo và khăn tắm của chủ nhà, không chút bận tâm. Lần nọ, cắm phích nước pha sữa cho con, Hưng đi ngang cánh cửa khép hờ, chợt nhận thấy vị khách ngồi lười biếng trên bệ cửa sổ, với khăn tắm quấn ngang bụng, thả cái nhìn lang thang trong khoảng không vô định.
Yêu cầu vị khách chớ nên sơ suất, Hưng ngầm ý nhắc nhở việc lẩn trốn. Đông gật đầu, nhưng sau đó, lại thản nhiên phạm các sai lầm tương tự hoặc tồi tệ hơn. Có đêm, phòng anh ta vẳng ra tiếng khóc tru như tiếng chó sói. Hưng choàng dậy, gõ nhẹ lên cánh cửa không khóa. Anh ta nằm im, vờ như đã ngủ say.
Điều duy nhất khiến Hưng kiên nhẫn cho phép vị khách ở lại là anh ta nấu ăn khá ổn và có khả năng đặc biệt chăm sóc con trẻ. Bất cứ lúc nào thằng bé con anh khóc ngặt hay nôn trớ, chỉ cần Đông chạm vào, mọi việc sẽ mau chóng ổn thỏa. Nằm gọn trong cánh tay Đông hay được anh ta bế cho gối đầu lên vai, đứa bé tỏ ra yên ổn và hài lòng. Bằng mấy bài hát lạc điệu nhưng đượm sức vỗ về kỳ dị, anh ta hát ru không mệt mỏi. Đôi khi, đứa trẻ toét miệng, nở nụ cười hiếm hoi. Đôi mắt to, trong suốt của nó hướng về bố, đượm vẻ ngạc nhiên ngây thơ. Những giây phút ấy, Hưng rơi vào trạng thái tê liệt. Ngỡ như An vẫn ở trong nhà, đang bế con, lơ đãng nhìn anh. Và gia đình nhỏ của họ vẫn nguyên vẹn, hạnh phúc ghê gớm.
Có lần, Hưng bước nhẹ đến phía sau dáng người cao lênh khênh của Đông, cầm bàn tay bé bỏng của con trai áp lên môi. Thình lình, Đông quay ngoắt lại khiến mũi Hưng sượt qua lớp áo mỏng của anh ta. Mùi đàn ông hoang dã, khêu gợi, và cũng thật phù phiếm. Khoảnh khắc ngắn ngủi, anh tỉnh ra. Không phải An. Nhưng anh đang lặp lại các động tác từng làm với An. Phải chăng đến một lúc nào đó, người ta phải chấp nhận cuộc sống là những chi tiết vụn vặt lặp đi lặp lại, không chọn lọc đối tượng? Phát hiện này khiến anh rùng mình. Nhận ra Hưng đang gần sát bên, người ở trọ hơi lùi lại, bàng hoàng nhưng mau chóng mỉm cười.
Một vài lần, Hưng thử đề cập nguy cơ bất ổn nếu Đông bị phát hiện ẩn náu trong nhà anh. Anh sắp lấy được visa. Dính líu tới một tội phạm sẽ phá hỏng tất cả. Nghe Hưng nói, kẻ ở trọ khựng lại: "Đừng có đuổi tôi, nhé!". Câu nói giống một mệnh lệnh hơn lời van vỉ. Trong vài giây, anh chợt hiểu kẻ lạ sẽ không dễ dàng rời đi. Tình trạng anh rơi vào thật trớ trêu, kỳ dị và không sao chống cự. Cách duy nhất là chấp nhận nó.
Một cách đều đặn hơn, Hưng giao những việc nhà lặt vặt cho kẻ ở trọ. Anh ta hoàn tất chúng lúc được lúc không.
- Vì sao lúc nào các cửa sổ cũng mở toang? Nếu khép lại, căn hộ sạch sẽ hơn nhiều! - Đông hơi cau có, khi trong bữa ăn sáng, Hưng nhờ anh ta hút bụi sô-pha.
- Này, sao vợ anh đi vắng lâu thế? Công tác dài ngày đến giờ vẫn chưa về?
- Cô ấy không sống với tôi nữa! - Anh đáp đơn giản.
- Chạy theo gã đàn ông khác sao? Là một gã ngoại quốc giàu sụ, hả? Thế mà anh vẫn ghi nhớ sở thích của cô ta! - Đông cười rú lên, rồi nín bặt, sợ sệt nhìn Hưng.
Cốc cà phê trên bàn của anh đã cạn. Đông ăn một lượng khá lớn bánh mì mứt, trứng rán, và cả một thanh sô-cô-la. Chừng như đọc được ý muốn thoáng qua của người đối diện, Đông lấy thêm một cốc to và đầy từ máy pha cà phê, đặt trước Hưng.
- Đêm qua anh mất ngủ hả?
- Ừ!
- Anh cảm thấy cô độc, khổ sở vì bị vợ phản bội, đúng không?
- Thôi đi! - Hưng nói khẽ, khó chịu - Con tôi lại sốt. Tôi thức chườm mát cho thằng bé. Gần sáng, nó mới ngủ tí chút.
Đông phàn nàn dai dẳng vì sao anh không đánh thức. Anh ta có thể thức đêm với đứa trẻ. Dù sao, anh ta cũng đâu có phải dậy sớm đi làm... Khi Đông nhắc anh cứ để đứa con ở nhà, anh ta sẽ chăm sóc cẩn thận, Hưng thờ ơ lắc đầu:
- Lát nữa, tôi đưa nó đến bệnh viện! - Hưng chợt nhớ vị bác sĩ có đôi mắt hẹp.
- Anh không tin tôi! Anh sợ tôi sẽ bắt cóc thằng nhỏ, mang đi mất sao? - Đông cười, nhưng không che giấu sự trách móc.
- Trái lại thì đúng hơn! - Hưng thành thật - Tôi chỉ mong có người họ hàng nào đó nhận nuôi thằng bé. Nhưng chẳng ai muốn gánh một đứa trẻ bệnh tật.
Tất cả vẻ bỡn cợt trên mặt Đông biến mất. Thay vào đó, một sự kinh hoàng ghê gớm, hơn cả cái hôm đầu tiên Hưng nhìn thấy anh ta ở bệnh viện. Hưng muốn giải thích thêm vài thứ, cho rõ ràng hơn. Nhưng anh không sao nói được. Một điều gì đó chen giữa họ, không thể chạm vào, nhưng họ nhìn thấy hình bóng lởn vởn của nó. Cả hai ngồi im lặng, với nỗi kinh ngạc và cam chịu.
4. Luồng sáng xanh từ cái đèn halogen hắt xuống chùm tia bất động. Mùi chlorine tẩy trùng phảng phất làm cho không khí như lạnh hơn vài độ C. Tiếng nước rầm rì trong ống máng đặt ngầm dưới vách tường đột nhiên tuôn chảy ồng ộc. Rồi cũng thình lình như thế, nó im bặt. Vị bác sĩ đặt đứa trẻ kiệt quệ lên mặt giường nhỏ, bắt đầu các bước kiểm tra thông thường. Đôi lúc, ông ta liếc nhanh về phía Hưng, suy tính. Sau khi tiêm cho thằng bé một mũi thuốc, ông cho biết khoảng hai tiếng nữa, nó sẽ hết sốt, huyết áp trở lại bình thường và Hưng có thể mang con về nhà. Thanh toán xong một khoản lớn tiền khám và tiền thuốc, anh quyết định hỏi thẳng:
- Thực sự, con tôi sẽ sống được bao lâu nữa?
- Nếu nội soi qua đường thực quản, mới có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên không thể làm thế với đứa trẻ mười một tháng tuổi! - Bác sĩ hơi nhíu mày - Thật lạ, nhưng này, tôi có cảm giác rõ ràng anh không muốn cứu đứa bé!
- Tôi ký hợp đồng, qua Úc làm việc vài năm. Tôi không thể mang theo con!
- Một lý do dễ nghe nhất! - Đôi mắt hẹp của bác sĩ ánh lên cái nhìn tinh thông.
- Ông đoán đúng. Về sâu xa, tôi thấy thời gian của mình đang bị phí hoài bởi những trách nhiệm mệt mỏi! - Hưng nói chậm, bải hoải - Những kẻ ngu xuẩn sẽ nhìn nhận tôi là kẻ tàn nhẫn. Nhưng tôi tin ông biết vì sao tôi nghĩ thế.
- Tôi hiểu. Ai cũng muốn từ bỏ một điều gì đó.
- Đúng vậy. Tôi muốn bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác! - Hưng bế đứa con ngủ thiêm thiếp, đặt vào trong nôi - Tôi cần thay đổi. Tất cả.
- Thôi được. Tôi sẽ chú ý xem ai muốn nuôi một đứa trẻ có tĩnh mạch quá mong manh! - Vị bác sĩ đùa nhẹ nhàng, không phải không chua chát - Tôi sẽ gọi anh sớm.
- Cám ơn bác sĩ! - Anh đứng dậy. Sự nhẹ nhõm đi cùng cảm giác trống trải kỳ dị.
Từ phòng khám tư của vị bác sĩ, Hưng đi thẳng về khu căn hộ, không ghé qua nhà trẻ gửi con.
Gã ở trọ nói đúng. Chẳng có lý do gì để anh phải lo lắng người ta lấy mất đứa bé một khi chính anh cũng muốn nó không hiện diện trong cuộc sống anh nữa.
Gần bước vào thang máy, anh chợt nhớ cần mua sữa và tã giấy nên ghé sang siêu thị dưới chân tòa nhà. Anh gửi tạm cái nôi trên mặt bàn gần quầy thu ngân. Quay trở ra, với hàng hóa lỉnh kỉnh trên tay, máu dưới da như đông lại khi anh nhìn vào cái nôi trống rỗng. Một sự trùng hợp kinh hoàng.
Nữ thu ngân hiểu ngay chuyện gì xảy ra khi thấy vẻ mặt Hưng. Cô ta há miệng, như sắp hét lên báo động. Anh ngăn lại. Một thoáng lưỡng lự, khi anh nghĩ xem có nên thanh toán chỗ hàng hóa vừa chọn hay không. Cuối cùng thì anh vẫn xếp chúng vào bên trong chiếc nôi.
Ở công viên nhỏ giữa các block nhà, anh ngồi trên băng ghế, suy nghĩ tình thế của mình. Về đứa con bị mất đúng khi anh muốn nó bị mất đi. Cảm giác sợ hãi mà anh không thấu hiểu...
Chuỗi ý nghĩ sáng rõ, rành mạch. Gần đấy, một người già đang cho một con chó ăn từng mẩu bánh mì bẻ nhỏ. Tiếng chim lích rích trong bụi cây. Một đợt gió thốc đến từ phía sau, làm cho đám lá khô trên cỏ bay thốc lên, đổ dồn về phía băng ghế anh ngồi. Vài hạt nước mưa lác đác khiến mặt ghế nhờn lạnh, gợi cảm giác ghê tởm. Anh xoa nhẹ gương mặt. Da anh cũng lạnh và khô nẻ, như các miếng vỏ khô gần rụng khỏi thân cây. Cứ thế, dù muốn giấu kín, luôn có một phần con người anh vẫn bị hở ra ngoài. Anh cứ ngồi im như thế, bao lâu không rõ, trong buổi sáng cuối xuân lạnh lẽo và đơn độc tột cùng.
Đông biến khỏi căn hộ, chẳng để lại một tin nhắn. Anh gọi cho cậu ta. Chuông reo, không ai nhấc máy. Trong phòng nhỏ dành cho khách, những tạp chí và các vỏ đĩa phim bừa bộn. Gió lùa qua cửa sổ quên cài chốt. Đột nhiên trong Hưng dậy lên ước muốn được nhốt mình trong bóng tối. Anh tắt hết bóng điện, kéo mạnh tấm rèm vải dày, cắt đứt luồng sáng cuối cùng. Trong căn hộ rộng lớn, các món đồ nội thất chỉ còn hiện diện bằng những đường viền mờ tối. Anh đi xuyên qua vệt bụi lơ lửng.
Sáng sớm, Hưng ngồi im trên giường, chờ nghe tiếng con trai khóc hay một bài hát When I'm 64 lạc điệu vẳng ra từ phòng tắm bên kia vách tường. Nhưng không gì cả. Chẳng phải đây là điều ta mong chờ đấy ư, anh tự hỏi, vậy mà sao khi nó diễn ra, hệt như mọi việc được chất lên một cái thùng xe và mặc sức lao xuống vực?
5. Các thủ tục cho chuyến đi hai năm đột nhiên nhanh chóng hơn cả mong đợi. Công ty nơi Hưng sẽ đến làm việc đã gởi qua e-mail một số hồ sơ để anh xem, chuẩn bị trước. Vị bác sĩ có đôi mắt hẹp gọi, thông báo một đôi vợ chồng lớn tuổi giàu có muốn nhận đứa bé. Họ biết rõ sự rối loạn gen trong quá trình cấu tạo chất collagen khiến tĩnh mạch đứa bé dễ bị vỡ, và hứa sẽ chữa trị tích cực.
"Anh gặp may, hả?" - Tiếng bác sĩ như vẳng đến từ hành tinh xa xăm. Hưng cho biết sẽ quyết định và trả lời sớm.
Tối thứ bảy, sau nhiều trì hoãn, anh mở tủ, thu xếp hành lý. Chiếc va li màu xanh, sau chuyến đi du lịch cuối cùng của anh và An, vẫn nằm dưới đáy tủ. Một cách chậm rãi, anh mở nắp. Bên trong, lớp vải lót vương vãi nhiều cát mịn. Những hạt cát từ quần áo tắm trong kỳ nghỉ hè cuối cùng của họ. Mùi muối. Hương vị gió biển. Tiếng cười tươi sáng của An.
Tất cả bỗng ùa ra, xâm chiếm căn phòng nhỏ. Giữa những mảnh ký ức vụn nát ấy, anh chợt nhớ câu chuyện họ nói với nhau khi nằm giữa hõm cát, về đứa con đang thành hình trong An, về tình yêu bền vững và một tương lai chung được đảm bảo... "Vậy mà em bỏ mặc anh và con. Chúng ta đã sai hết, phải không?" - Hưng lầm bầm. Nhỏm phắt dậy, tức giận điên cuồng, anh nhét đồ đạc đi xa vào va-li, đóng sầm nắp lại. Ngồi thở dốc, bỗng anh tự hỏi giờ này con anh ở đâu? Đang làm gì? Có đau ốm hay không? Chộp điện thoại, anh gọi cho Đông, đầu mối duy nhất.
Khi anh đang xem chương trình thể thao phát lúc mười giờ, chuông cửa reo lên. Đứa con trai của anh được Đông ôm trước ngực bằng một cái địu trẻ em bọc vải. Hưng đưa tay đón con. Thằng nhỏ hồng hào và khá hoạt bát. Trên ngực áo Đông, có một vệt dãi trớ ra từ miệng đứa bé. Cảm giác ấm áp trở lại. Niềm vui sâu thẳm mà anh không thể hình dung hiện ra, khi ôm con trai vào lòng.
Vị khách mang theo hộp mì xào mua bên phố ăn đêm của người Hoa. Hai người ngồi bên bàn. Đứa trẻ vẫn nằm trên ngực Hưng, ngủ say. Thức ăn còn nguyên. Hưng chỉ uống nước ấm trong khi Đông nốc hết cốc này sang cốc khác thứ nước dầm trái cây màu đỏ phảng phất mùi rượu. Bằng vẻ tỉnh táo khó tả, anh ta kể với Hưng vài khó khăn khi một mình đối diện với bệnh tật của đứa trẻ, rồi niềm quyến luyến khiến anh ta khát khao giữ chặt thằng bé, không đáp các cú điện thoại của Hưng.
- Tại sao cậu cứ phải làm toàn chuyện bất thường như thế? - Anh nhìn thẳng vào mắt Đông, thật sự muốn biết.
- Tôi khiếp sợ phải sống một mình lắm! - Đông thì thào - Hồi trước, tôi thèm khát được ai đó thương yêu. Nhưng giờ, tôi hiểu, chỉ cần có ai đó để cho tôi thương yêu là đủ. Anh không hiểu đâu...
- Hôm ở bệnh viện, sợ bị bỏ rơi, nên anh đã trừng phạt cái gã bỏ rơi anh?
- Anh nghĩ tôi dám làm vậy ư? - Khách cười nhợt nhạt - Tôi xạo đó. Chúng tôi chia tay lâu rồi. Khi ông ấy bị tai nạn, tôi đến, đưa đi cấp cứu. Tôi rất khiếp sợ khi nhìn thấy máu. Lúc anh cho quá giang, tôi mừng lắm. Và tôi rất muốn anh để mắt đến tôi...
Hưng lặng im, thấm thía bản chất thực của nỗi cô độc. Những kẻ như anh, như Đông, chẳng còn gì để nương tựa, ngoài chính bản thân mình. Và điều ghê gớm nhất mà người ta phải đối diện trong quãng thời gian ấy, không phải nỗi đau đớn hay buồn rầu, mà là chống lại nguy cơ thoái hóa nhân cách, sự nhẫn tâm, ngụy trang dưới lớp vỏ tuyệt vọng. Anh áp tay lên đầu con, lắng nghe hơi thở ấm dịu lan tỏa trên lồng ngực. Cảm giác bình yên khiến giá lạnh trong anh tan mờ dần.
Họ nằm im cạnh nhau. Hơi thở chậm rãi, mệt mỏi. Đông lên tiếng: "Vợ anh có nói khi nào quay về không?". Hưng đáp, sau hồi lâu im lặng: "Cô ấy mất rồi. Đúng nửa năm trước. Vợ tôi không thể thoát khỏi quy luật tàn bạo của những chuỗi gen. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao như thế. Chúng tôi có rất nhiều thứ. Thế mà đột nhiên với cái chết của cô ấy, tất cả mất sạch. Cuộc sống này, có gì là an toàn đâu. Cậu hiểu không, tôi đã phát điên lên".
Nước mắt ứa ra, anh khóc, không còn tự chủ. Bàn tay mềm và lạnh của Đông lần tìm tay anh, siết chặt: "Chúng ta sẽ không sao. Rồi sẽ ổn. Dù sao thì cũng phải sống đến già, can đảm...".
Họ thức suốt đêm. Ngoài cửa sổ, bóng những con cú bay vụt qua các đám mây lừ đừ trôi.
***
Hưng trì hoãn chuyến bay, thương lượng lại bản hợp đồng với công ty nhận anh làm việc. Cuối cùng, họ cũng thỏa thuận việc một chuyên viên cấp cao của dự án mang theo đứa con chưa đầy một tuổi.
Anh và con ra sân bay bằng tắc-xi. Không ai đưa tiễn. Đứa bé được anh địu trước ngực, đôi mắt tròn ngây thơ, ngạc nhiên nhìn đám đông chuyển động không ngừng.
Hoàn tất thủ tục và gửi hành lý, anh bước sang khu vực cách ly. Những mặt ghế kim loại đỏ chói. Anh ngồi xuống, hôn nhẹ lên trán con. Từ chiếc loa vô hình, mấy bản nhạc không lời của The Beatles vẳng xuống.
Anh chợt ngoảnh nhìn đầu ghế bên kia, chờ đợi một bóng người hoảng loạn sẽ hiện ra, ngồi xuống gần bên. Những con người đủ màu sắc in bóng lờ mờ lên bức tường kính, chộn rộn, tất bật tỏa vào nhiều hướng.
Anh cứ nhìn mãi đám đông vô định ấy cho đến khi tiếng loa âm oang gọi hành khách vào cổng, chuẩn bị lên máy bay.
P.H.N
Bình luận (0)