Khi trái táo cắn dở thiếu Steve Jobs...

26/08/2011 10:43 GMT+7

“Ngày đó đã đến”. Đúng, ngày đó rồi phải đến! Bức thư thông báo từ chức của tổng giám đốc điều hành (CEO) Steve Jobs đã khiến giá cổ phiếu của Tập đoàn Apple Apple lập tức sụt giảm 5%.

“Một ngày buồn cho giới công nghệ!”, “Sự chuyển giao lịch sử!”, “Một kỷ nguyên đã kết thúc!”... Đó là nhận định của các chuyên gia về sự ra đi của Steve Jobs, người đứng đằng sau thành công phi thường của Apple.

Dường như người ta vẫn không tin vào sự ra đi của “bộ óc vĩ đại” này, và đang hồi hộp trước tương lai của hãng công nghệ có giá trị nhất trên thị trường hiện nay. Apple không có Steve Jobs sẽ ra sao trong thời điểm các hãng công nghệ đang cạnh tranh dữ dội?

 
Tim Cook (trái) sẽ thay thế Steve Jobs (phải) trong vai trò điều hành Apple, dù Steve Jobs vẫn phụ trách phần thiết kế và tiếp thị cho những sản phẩm mang logo trái táo cắn dở - Ảnh: Reuters

Ra đi vì sức khỏe yếu

"Cái chết dường như là sự sáng tạo duy nhất, tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó là tác nhân làm thay đổi cuộc sống. Cái chết đã làm sạch những thứ cũ kỹ để mở đường đón chào những gì mới mẻ. Thời gian của các bạn là hữu hạn, vì vậy đừng phí phạm để sống cuộc đời của người khác"

Trích đoạn bài phát biểu sáu năm trước của Steve Jobs tại Đại học Stanford. Nó đã gây được một tiếng vang lớn nhờ chứa đựng sức mạnh và đầy tính khích lệ cho tinh thần dám nghĩ, dám làm và dấn thân mà Steve Jobs đã theo đuổi.

Steve Jobs sẽ rời vị trí CEO và trở thành chủ tịch của Apple, nhưng tiếp tục cai quản lĩnh vực thiết kế và tiếp thị tại Apple. Lý do ông đưa ra là “không còn có thể đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của công ty dành cho mình”. Từ năm 2004, thời điểm ông đang gặp nhiều khó khăn về sức khỏe, người ta đã bắt đầu nói về cái ngày cũng như tương lai của trái táo cắn dở khi không có trái tim Steve Jobs. Cái ngày này nay đã đến khi Steve Jobs để lại “ngai vàng” cho “phó vương” Tim Cook.

Hiếm có CEO nào mà tên tuổi gắn liền với một công ty như Steve Jobs và Apple. Cặp bài trùng này đã cho ra đời những sản phẩm được cả thế giới mô tả là đã “thiết lập nên một phong cách sống mới".

Với vai trò CEO, ông có những phẩm chất thu hút quần chúng của một lãnh tụ và bản năng nhạy bén, biết rõ khách hàng mình muốn gì. Do đó, người ta lo ngại Apple sẽ có thể mất đi những gì đã gầy dựng khi không còn Jobs.

Khi cổ phiếu của Apple tăng vọt trong những năm gần đây, các nhân sự chủ chốt đều trở nên giàu sụ và không có nhiều động lực để tiếp tục ở lại. Ron Johnson, phó chủ tịch bán lẻ của Apple, người đứng sau thành công của các cửa hàng Apple, sẽ rời khỏi Apple vào tháng 11. Người phụ trách kỹ thuật phần mềm của Mac là Bertrand Serlet đã rời Apple vào tháng 3. Những người ở lại vẫn tin Apple sẽ tiếp tục phát triển với Steve Jobs. Nhưng cuối cùng ông cũng bắt đầu mệt mỏi.

Trong bức thư gửi ban giám đốc Apple, Steve Jobs vẫn bày tỏ: “Tôi tin là tương lai xán lạn nhất, sáng tạo nhất với Apple vẫn ở phía trước”. Ông tâm sự: “Tôi vẫn luôn nói rằng nếu ngày đó đến, khi tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ và đáp ứng sự kỳ vọng của mọi người với cương vị CEO của Apple nữa, tôi sẽ là người đầu tiên thông báo cho các bạn biết. Thật không may, ngày đó đã tới”.

Sự kiện Steve Jobs nghỉ ngơi đã gây một cơn sốt trên mạng Internet. “Dấu chấm hết của một kỷ nguyên!”, một người viết. “Tôi cầu cho đây không phải vì lý do sức khỏe”, một người khác viết. Một dòng trên Facebook ghi: “Kinh tế đang xuống, mà jobs lại rời chúng ta... Trời ơi, chúng ta đến ngày tận thế” (chơi chữ “jobs” - việc làm, và tên Steve Jobs).

Nhà lãnh đạo tài ba

"Tầm nhìn cực kỳ đặc biệt và sự lãnh đạo tài ba của Steve” - Art Levinson, thành viên của hội đồng điều hành Apple, nhận định. Steve Jobs khi mới 21 tuổi đã cùng Steve Wozniak, khi đó 26 tuổi, sáng lập một doanh nghiệp trong gara nhà mình vào năm 1976. Chín năm sau, Jobs rời Apple vì bất đồng trong cách điều hành.

Vào thời điểm Apple thua lỗ nặng và chỉ còn 90 ngày nữa là nộp đơn phá sản, ông được mời trở lại với tư cách cố vấn năm 1996, rồi trở thành CEO tạm quyền một năm sau. Năm 2000, ông giữ chức vụ CEO đến nay. Jobs đã vực Apple dậy và chuyển nó thành công ty lớn thứ hai trên thế giới xét về lợi nhuận, chỉ sau Exxon Mobil Corp.

Các giá trị sản phẩm hàng tỉ USD như iMac, iTunes, iPod, iPhone và iPad đã khiến Apple trở thành nỗi ghen tị cho các hãng công nghệ đối thủ cạnh tranh khác.

Cái tài của người cầm quân là khi không có mình hiện diện, quân vẫn làm được việc suôn sẻ. Các nhà phân tích tin rằng kể cả khi không có Steve Jobs, văn hóa mà ông đã phát triển cho cộng sự trong 14 năm qua sẽ giúp Apple tiếp tục sáng tạo. Thực tế, dù ông vắng mặt, nhiều dự án đầy tham vọng của Apple vẫn được tiến hành thành công ngoạn mục như iPad 2, iOS 5 và sản phẩm MacBook mới.

Điều quan trọng nhất mà Steve Jobs làm ở Apple chính là tái xây dựng một nền văn hóa tập đoàn. Ông tạo lập nên những đội ngũ xuất sắc, với rất nhiều không gian sáng tạo. Cho dù không dễ dàng nhưng nhiều người nhận định Apple sẽ không sao nếu không có ông. Nhiều khả năng Apple sẽ không thay đổi nhiều, vì suy cho cùng khách hàng mua sản phẩm không vì sản phẩm đó đến từ Steve Jobs, mà vì sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ và là sản phẩm tốt với dịch vụ tốt.

Huyền thoại sống của Thung lũng Silicon để lại “ngai vàng” cho Tim Cook, 50 tuổi, là giám đốc phụ trách hoạt động của Apple. Ông là người đã tạm thời “cầm quân” ba lần trong thời điểm Steve Jobs vắng mặt. Đó là khi Steve Jobs nghỉ năm 2004 phẫu thuật ung thư, đầu năm 2009 khi ghép gan, và đầu năm 2011.

Người ta gọi Tim Cook, dù không phải là thuyết khách tài ba như Steve Jobs, nhưng là một thiên tài về điều hành hoạt động, người đã đứng đằng sau hệ thống cung cấp bán lẻ hiện nay của Apple và giúp công ty trở thành một trong những nhà sản xuất điện tử hiệu quả nhất ngày nay.

Đến đầu quân cho Steve Jobs năm 1998 sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghiệp ở Đại học Auburn và thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Duke, Tim Cook đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vi tính và từng lãnh đạo ở IMB, Intelligent Electronics và Compaq trước đó.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.