21 tỉnh, thành miền Nam, mỗi tuần có khoảng 264 triệu tờ vé số được phát hành và gần như được người dân mua hết. Ước tính người dân ở các tỉnh thành phía nam chi gần 360 tỉ đồng/ngày chơi vé số.
Tác giả: Đình Tuyển

Để tiêu thụ lượng vé số khổng lồ này, công sức không nhỏ thuộc về hệ thống đại lý và hàng trăm ngàn người bán vé số dạo, là cuộc mưu sinh chính đáng cho hàng trăm ngàn người. Họ len lỏi khắp ngõ ngách bán vé số, mang bao hy vọng đổi đời cho nhiều người bởi số tiền trả thưởng của vé số lên đến hàng trăm tỉ đồng/ngày.

Riêng Công ty TNHH MTV XSKT TP.HCM, từ ngày 1.1 đến ngày 1.8, số tiền chi trả thưởng hơn 3.682 tỉ đồng; trong đó có 756 vé trúng giải đặc biệt (2 tỉ đồng/vé) cho 305 người may mắn nhất.

Từ dữ liệu được thu thập mới nhất ở chính các công ty XSKT miền Nam, các quy định hiện hành và khảo sát thực tế, bạn đọc Thanh Niên có thể bất ngờ với “mỏ vàng” khổng lồ của ngành mang đến may mắn “siêu lợi nhuận” vé số.

Bạc lẻ mưu sinh, ngàn tỷ lợi nhuận Bạc lẻ mưu sinh,
ngàn tỷ lợi nhuận
01

Sáng sớm tháng 7, cả xóm quanh quán bún cá của chị Trần Thị Tuyết Son (hẻm 86, đường Lý Tự Trọng, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) xôn xao khi chủ quán bún vừa trúng số giải tư, đài Long An, mỗi tờ 3 triệu đồng. Móc ví lấy ra 4 tờ vé số, chị Son cười tươi: “Hồi đó tới giờ mới trúng nhiều vậy”. Tiền trúng giải được 12 triệu đồng có thể bằng lợi nhuận cả tháng bán bún của chị Son, càng quý hơn khi đó là tiền may mắn, giúp chị nuôi giấc mơ đổi đời từ vé số.

Chị Son kể, ngày nào cũng mua vé số chủ yếu là ủng hộ người bán dạo toàn là người nghèo, người già mất sức lao động, trẻ em và cũng để cầu may, biết đâu đổi đời.

Giống chị Son, ở miền Tây, TP.HCM mua vé số đã trở thành thói quen hằng ngày của nhiều người bất kể giàu nghèo. Thế nên, dù sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng có thể bắt gặp người bán vé số dạo khắp nẻo đường.

Chị Tuyết Son lần đầu tiên trong đời trúng 4 tờ vé số giải Tư

Bà Hồng mỗi ngày đi bộ loanh quanh bán được 150 tờ vé số, đủ sống qua ngày

Bà Nguyễn Thị Hồng, 60 tuổi (quê H. Phụng Hiệp, Hậu Giang) đi khập khiễng mời người mua vé số tại một quán cà phê trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.Cần Thơ) than, do bị tật ở chân nên bà chỉ lội bộ loanh quanh. Mỗi ngày bán được 150 tờ. Mỗi tờ vé số, bà Hồng hưởng 1.000 đồng hoa hồng, cả tháng thu nhập tối đa 4,5 triệu đồng. “Trừ các chi phí, không có dư đồng nào nhưng mình lớn tuổi, lại mất sức lao động, chỉ biết ráng gom chút vốn đi bán vé số, tới đâu hay tới đó”, bà Hồng thở dài.

Nếu như với người bán vé số dạo 10% hoa hồng, tức 1.000 đồng/tờ vé số chỉ giúp họ sống qua ngày thì với các công ty XSKT miền Nam cũng với khoảng 10% lợi nhuận trên tổng doanh số tiêu thụ đủ để mang về nguồn thu kếch xù.

Mỗi kỳ phát hành vé số trị giá 120 tỉ đồng, công ty XSKT trả thưởng khoảng 50% tức 60 tỉ đồng, thu lợi nhuận sau thuế khoảng 9,6 tỉ đồng, chiếm 8% doanh số

Hàng tuần, ở miền Nam từ Bình Thuận đến Cà Mau, mỗi ngày luân phiên có 3 công ty xổ số phát hành vé số trị giá 360 tỉ đồng (mỗi công ty 120 tỉ đồng), riêng thứ Bảy, có 4 công ty phát hành trị giá 480 tỉ đồng vì duy nhất TP.HCM được phát hành 2 kỳ/tuần.

Hơn 98% lượng vé số in ra được bán hết. Mỗi kỳ phát hành 120 tỉ đồng, một công ty thu lợi nhuận sau thuế khoảng 9,6 tỉ đồng.

Vì sao vé số Hà Tĩnh lỗ, miền Nam lãi khủng?

02

Có một thực tế là khi lực lượng người bán vé số dạo càng đông thì mức độ tiêu thụ vé số càng nhiều. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 63 công ty XSKT kinh doanh xổ số truyền thống trên cả nước thì 21 công ty phía Nam chiếm đến 93,3% thị phần; “miếng bánh” chưa đến 7% còn lại thuộc về 42 doanh nghiệp XSKT miền Bắc và miền Trung.

Điều này lý giải phần nào câu chuyện vì sao một số công ty xổ số ở miền Trung, miền Bắc kinh doanh chật vật. Gần nhất là Công ty XSKT Hà Tĩnh chìm trong thua lỗ vì chi phí trả thưởng cao, nợ thuế và mấu chốt là tỉ lệ tiêu thụ vé số thấp. “Người miền Trung, miền Bắc không có thói quen mua vé số như trong miền Nam, ra đường không thấy vé số dạo nhưng cũng không hiểu sao công ty xổ số chỉ in giấy rồi bán 10.000 đồng/tờ vé số mà vẫn lỗ”, anh Phạm Đức, ngụ Hà Tĩnh, công tác trong TP.HCM băn khoăn.

Báo cáo của Công ty XSKT Hà Tĩnh cho thấy, từ năm 2021, doanh nghiệp này đã gặp khó. Dù doanh thu đạt 25,3 tỉ đồng nhưng lỗ 370 triệu đồng. So với đơn vị tiêu thụ thấp nhất miền Nam năm 2023 là Công XSKT Bình Phước, vẫn đạt doanh số hơn 4.562 tỉ đồng, gấp hơn 180 lần Công ty XSKT Hà Tĩnh.

Năm 2023, Công ty TNHH MTV XSKT Bình Phước có doanh số tiêu thụ thấp nhất ở miền Nam vẫn đạt hơn 4.562 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 490 tỉ đồng

Trao đổi với PV Thanh Niên về nguồn thu xổ số, ông Đặng Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty XSKT Cần Thơ cho biết, theo quy định hiện hành với vé số truyền thống 10.000 đồng, loại 6 chữ số đang lưu hành ở miền Nam thì cơ cấu mỗi kỳ phát hành của các công ty như sau: Phần chi phí cố định gồm 50% chi phí trả thưởng, 15% hoa hồng.

Ngoài ra, các công ty phải đóng thêm VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt ấn định trước với chỉ số dự nộp chiếm khoảng 21%. Còn lại khoảng 10,2% là lợi nhuận, tiếp tục trích nộp ngân sách 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (tương đương 2% doanh số phát hành), trích các qũy thưởng, phúc lợi 0,2%. Còn lại 80% lợi nhuận sau thuế (tương đương 8% doanh số phát hành) cũng đóng hết vào ngân sách địa phương. Từ nguồn này, HĐND sẽ phân bổ cho y tế, giáo dục, dạy nghề, phúc lợi xã hội… theo nghị quyết của địa phương”.

Vậy trường hợp nào thì doanh nghiệp xổ số có thể bị lỗ? theo ông Tùng, về nguyên tắc, tiền trả thưởng chiếm một nửa doanh số tiêu thụ nên nếu chỉ bán được 50% mà trả thưởng tối đa 50%, là lỗ. Giả sử bán chỉ được 30% mà vé trúng thưởng không nằm trong 70% vé ế thì doanh nghiệp trả thưởng tối đa là 50%, lỗ nặng.

Ngược lại, vé trúng thưởng nằm hết trong 70% vé ế thì lời được 30%, coi như kỳ mở thưởng đó không ai trúng giải gì hết. “Chuyện này là xác suất ngẫu nhiên, không biết trước được”, ông Tùng nói.

* Rê chuột hoặc click lên tờ vé số để xem

Tỷ lệ chi trên 1 tờ vé số

mệnh giá 10.000 đồng

2%
thuế thu nhập doanh nghiệp
8%
Nộp lợi nhuận sau thuế
21%
VAT, tiêu thụ đặc biệt
3.8%
chi phí in vé, quản lý dn
15%
hoa hồng đại lý
0.2%
quỹ khen thưởng, phúc lợi
50%
trả thưởng

“Mỏ vàng” gần 14 tỉ tờ vé số phát hành ở miền Nam

03

Miền Nam thực sự là “mỏ vàng” của ngành xổ số khi từ sau đại dịch Covid-19, các công ty XSKT đều phất lên như diều gặp gió. Năm 2023, gần 13,7 tỉ tờ vé số đã được bán ra mang về doanh số tiêu thụ cho các công ty XSKT miền Nam gần 136.700 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của các công ty cũng cán mốc hơn 17.025 tỉ đồng, tăng gần 15% so với năm 2022.

Tổng số tiền các công ty XSKT miền Nam đã nộp vào ngân sách nhà nước cũng lên tới hơn 41.059 tỉ đồng, vượt so với kế hoạch hơn 4.900 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, nguồn thu từ XSKT ở miền Nam góp phần đáng kể cho xây dựng, đầu tư trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục hay các công trình trọng điểm của địa phương. “Đặc biệt, thu ngân sách từ XSKT cũng chiếm từ 20 – 30% nguồn thu từ ngân sách của các địa phương. Do đó Hội đồng XSKT khu vực miền Nam mới đây đã kiến nghị về việc tăng doanh số phát hành”, ông Sơn nói.

Kiến nghị trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ủng hộ bởi doanh số và tiềm năng của XSKT miền Nam rất lớn. Tuy nhiên, trước hết các công ty cần phải chấn chỉnh hoạt động của các đại lý xổ số khi vẫn còn thực trạng phát hành xổ số, người bán lẻ bán không hết nhưng đại lý lại không nhận lại hay một số trường hợp gian lận.

Năm 2024, tính đến hết quý 1, tổng doanh thu từ xổ số của các công ty XSKT miền Nam đã đạt hơn 36.061 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 4.700 tỉ đồng. Công ty XSKT TP.HCM với lợi thế phát hành 2 kỳ/tuần đạt doanh thu hơn 3.272 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 384 tỉ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm. Doanh nghiệp có lợi nhuận thấp nhất ở miền Nam trong quý 1 năm 2024 là Công ty XSKT Hậu Giang cũng đạt gần 132 tỉ đồng.

Lương hậu hĩnh và chuyện chính sách cho người bán vé số

04

Tăng trưởng mạnh nên chế độ lương, thưởng của người lao động ở các công ty XSKT miền Nam thuộc diện trong mơ so với ngành nghề khác. Một điều bất ngờ là Công XSKT Hậu Giang năm 2023 là 1 trong 2 công ty xổ số có lợi nhuận thấp nhất miền Nam nhưng thu nhập bình quân của người lao động lại thuộc diện hậu hĩnh nhất với hơn 43 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, Bình Phước tiêu thụ vé số thấp nhất khu vực và lợi nhuận chỉ bằng 1/3 TP.HCM nhưng thu nhập trung bình của người lao động vẫn gần 33 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Công ty XSKT TP.HCM, năm 2023 có lợi nhuận hơn 1.464 tỉ đồng nhưng thu nhập bình quân của 373 người lao động chỉ đạt 27 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn vào thu nhập bình quân của người lao động một số công ty XSKT miền Nam, khá bất ngờ khi Công ty XSKT Hậu Giang có thu nhập bình quân tới 43 triệu đồng/tháng, vượt xa TP.HCM

Chia sẻ về quy định lương, thưởng của công ty xổ số, lãnh đạo một Công ty XSKT miền Nam cho biết, chế độ tiền lương, thưởng của người quản lý và người lao động các công ty XSKT đều thực hiện theo quy định nghị định của Chính phủ.

“Đồng thời cũng phụ thuộc nhiều yếu tố như năng suất lao động rồi chi phí quản lý, chi phí sản xuất, năm sau phải cao hơn năm trước... Với một doanh nghiệp hơn trăm người mang về nguồn ngân sách hàng ngàn tỉ đồng thì thu nhập cao cũng là xứng đáng”, vị này nói.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ở góc độ kinh tế, không thể phủ nhận những đóng góp rất lớn của ngành xổ số trong bối cảnh nguồn thu ngân sách eo hẹp. Song, cũng cần nhìn nhận ở cả góc độ xã hội, giáo dục và con người. “Về mặt xã hội, người bán vé số dạo cần được công nhận như một tác nhân trong chuỗi giá trị, thay vì đối tượng xóa đói, giảm nghèo… Hiện chưa ai thực hiện được điều này. Chưa thể cho họ chế độ như một ngành nghề thì cũng rất cần xem xét tăng thêm những chính sách xã hội lồng ghép chăm lo nhiều hơn”, ông Hiệp nói.

“Về mặt xã hội, người bán vé số dạo cần được công nhận như một tác nhân trong chuỗi giá trị, thay vì đối tượng xóa đói, giảm nghèo… Hiện chưa ai thực hiện được điều này. Chưa thể cho họ chế độ như một ngành nghề thì cũng rất cần xem xét tăng thêm những chính sách xã hội lồng ghép chăm lo nhiều hơn"

Ông Đặng Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty XSKT Cần Thơ khẳng định, trên thực tế các doanh nghiệp xổ số luôn đồng hành với người bán vé số dạo nhưng gián tiếp thông qua các nguồn đóng góp an sinh xã hội. Chẳng hạn năm 2023, XSKT ở miền Nam đã thực hiện các hoạt động phúc lợi xã hội, từ thiện là hơn 713 tỉ đồng; trong đó xây dựng gần 5.200 căn nhà tình nghĩa, tình thương, đại đoàn kết… Theo ông Tùng, nghề bán vé số chưa được xem là 1 ngành nghề chính thống, 1 số người có nguồn thu nhập chính từ việc bán vé số, nhưng cũng có người mang tính thời vụ. Một công ty tại địa phương không thể quản lý điều hành hết trong tháng hoạt động của họ, mỗi công ty trung bình phát hành 4 hoặc 5 kỳ/ tháng; những ngày còn lại họ lấy vé các công ty khác trong khu vực để bán. Như vậy, từng công ty không thể lo hết cho người bán dạo tại chỗ mà cần có chính sách và hướng dẫn đồng bộ chung cho cả ngành hoặc khu vực. “Chẳng hạn như việc mua bảo hiểm y tế, chúng tôi rất đồng tình với việc này rất ý nghĩa và nhân văn nhưng với số lượng người bán vé số hiện nay ở từng địa phương, đó là một khoản chi rất lớn. Khi các quy định hiện hành chưa cho phép thì chúng tôi không thể chi cho việc này. Nói chung bằng nguồn chi an sinh xã hội của đơn vị thông qua việc tài trợ các tổ chức có chức năng người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn được hỗ trợ khi đúng đối tượng như quy định”, ông Tùng nói.

Rõ ràng, với nguồn thu rất lớn, ngành xổ số đã và đang tạo ra những giá trị vật chất đáng kể cho các địa phương. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là làm thế nào chuyển hóa nguồn lực xổ số thành giá trị lâu dài cho xã hội, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục, y tế, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực… Qua đó, tạo ra giá trị tăng trưởng bền vững cho địa phương thay vì chờ đợi và lệ thuộc quá nhiều vào “bầu sữa” ngân sách từ xổ số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top