Khổ chỉ vì có vẻ ngoài không... thân thiện

06/06/2023 15:47 GMT+7

Nhiều người trẻ than phiền rằng do bản thân sở hữu ngoại hình được đánh giá là hơi “gai góc”, hay cơ mặt trông khó chịu ngay cả khi ở trạng thái tâm lý thoải mái, vui vẻ khiến họ bị hiểu lầm là không thân thiện, dẫn đến khó khăn trong giao tiếp...

“Đừng trông mặt mà bắt hình dong”

Cũng từng chứng kiến câu chuyện “dở khóc, dở cười” của một người bạn, Nguyễn Ngọc Nguyên Thảo, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể: “Mình có một nhóm bạn trong câu lạc bộ chạy bộ, leo núi và hôm đấy mọi người có tổ chức một chuyến đi leo núi ở TP.Vũng Tàu. Do xe còn dư chỗ nên mình mới rủ một cô bạn học chung trường cùng đi. Bạn mình thì rất tốt tính, dễ thương nhưng mỗi tội cơ mặt lúc nào cũng đăm đăm, khó chịu”.

Nhiều người gặp khó khăn trong giao tiếp khi bẩm sinh có vẻ ngoài không thân thiện - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ bày tỏ nỗi khổ khi bị hiểu nhầm là khó gần vì sở hữu cơ mặt bẩm sinh không thân thiện

CHỤP MÀN HÌNH

Thảo kể tiếp: “Trong quá trình leo núi cô bạn của mình có phần mất sức, mệt nên không nói chuyện nhiều với mọi người xung quanh. Sau khi chuyến đi kết thúc thì mình được các anh chị trong câu lạc bộ phàn nàn vì cô bạn ấy không thân thiện, mọi người hỏi chuyện hay quan tâm thì trợn mắt, tỏ thái độ không vui vẻ. Thế là mình phải giải thích vì cơ mặt của bạn mình vốn dĩ như vậy chứ không phải tỏ thái độ, nếu tiếp xúc lâu thì rất dễ mến".

Còn Nguyễn Hoàng Nguyên (23 tuổi), làm việc tại số 10 Mai Chí Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết người bạn thân 3 năm của anh nói: “Ngày đầu tao gặp mày là tao không ưa nổi”. Lý giải về điều này, Nguyên cho biết bản thân vốn ít nói, cộng với sở hữu ngoại hình trông khá lạnh lùng, chân mày rậm, đôi mắt xếch… khiến cho nhiều người lần đầu gặp hiểu nhầm là khó tính, chảnh.

“Thật ra mình rất thích nói chuyện với mọi người, hòa đồng chứ không phải lạnh lùng như vẻ ngoài của mình đâu. Mình từng gặp rất nhiều trường hợp đánh giá mình kém thân thiện trong lần đầu gặp nhưng sau thời gian tiếp xúc, nói chuyện nhiều hơn thì mọi người cũng dần hiểu nhau. Bởi vậy theo mình đừng trông mặt mà bắt hình dong”, Nguyên chia sẻ.

 Cách gỡ rối khi rơi vào tình huống bị hiểu nhầm? 

Dân gian hay bảo “tâm sinh tướng”, vậy “tâm” với “tướng” có phải lúc nào cũng liên quan, tương đồng với nhau? Giải đáp về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho rằng hiểu một cách nôm na, “tâm” chính là nội tâm và những suy nghĩ bên trong của chúng ta còn "tướng" là tướng mạo, dung nhan, vẻ bề ngoài của một con người. Dân gian dùng câu này để ám chỉ những người có nội tâm trong sáng thì vẻ bề ngoài toát ra một khí chất thanh cao. Câu này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cũng cần xem xét lại vì có những người bản chất hiền lành nhưng do cấu trúc cơ mặt, hình dáng có vẻ nghiêm nghị khiến người khác có những nhận định sai về bản chất bên trong của họ.

Nhiều người gặp khó khăn trong giao tiếp khi bẩm sinh có vẻ ngoài không thân thiện - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu

NVCC

Thạc sĩ Đào Lưu cho rằng ai cũng mong được người khác công nhận đúng về mình, đặc biệt là những phẩm chất tốt đẹp chính vì thế khi nhận được những đánh giá tiêu cực hoặc hiểu lầm từ bên ngoài sẽ cảm thấy không thoải mái. Để tránh những hiểu lầm, bản thân người trong cuộc có thể tự điều chỉnh hành vi, thái độ của mình để người khác hiểu về con người thật của bạn.

“Người xưa có câu: "hữu xạ tự nhiên hương", nhưng nếu người khác không “tự nhiên” cảm nhận được sự thân thiện của bạn thì bạn vẫn có quyền đính chính, chủ động thể hiện những phần tốt đẹp bên trong của mình. Lưu ý rằng, có một số tình huống chúng ta không cần thiết phải quá để tâm và để lời nhận xét của người khác ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình”, thạc sĩ Đào Lưu chia sẻ.

Thạc sĩ Đào Lưu cũng đưa ra lời khuyên: “Để thay đổi cách nhìn của người khác về mình thì phải cố gắng làm cho phần nội dung và phần hình thức có điểm tương đồng hơn bằng cách chú ý hơn về ngoại hình, tác phong. Rèn luyện sự tự tin, cởi mở trong giao tiếp. Mạnh dạn thể hiện bản thân theo hướng mình muốn. Hình thành tư duy lạc quan và nhìn nhận tích cực về mọi việc”.

Cần đánh giá người khác qua góc nhìn đa chiều

Theo thạc sĩ Đào Lưu, để hiểu và đưa ra nhận xét về một người cần phải quan sát họ trong nhiều tình huống, nhiều phương diện và nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ riêng ngoại hình. Khi nhìn nhận một người theo hướng đa chiều ta sẽ nhận thấy được nhiều điều thú vị từ họ.

“Đôi khi ngoại hình có những đặc điểm khác biệt làm cho giao diện của một số bạn trẻ trở nên "dữ" nhưng thực chất bên trong là một tính cách hiền, hòa đồng... Tuy nhiên, cũng chính những sự nhìn nhận vội của nhiều người khiến họ có tâm lý không cởi mở, đôi lúc khép mình dẫn đến tính cách dễ thương vốn có bị kìm nén”, thạc sĩ tâm lý này cho biết.

Thạc sĩ Đào Lưu khuyên người trẻ nên rèn luyện tư duy đa chiều trong mọi tình huống. Hãy tìm kiếm và ghi nhận những điểm tích cực của người khác thay vì chỉ biết chú ý đến những khuyết điểm của họ. Nếu bản thân không đưa ra được những nhận xét tích cực và động viên người khác thì tốt nhất nên im lặng và không nên chỉ trích để tránh làm tổn thương người khác.

“Quan trọng, không nên quan tâm quá sâu vào đời tư và câu chuyện của người khác vì bản thân bạn không phải người ta, bạn sẽ không bao giờ hiểu hết được họ”, thạc sĩ Đào Lưu nhắn gửi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.