Giá cả hàng hóa bao giờ cũng do tổng cung và tổng cầu tương tác quyết định chứ không do mong muốn hay ý chí chủ quan của cá nhân hay cơ quan công quyền nào. Bộ Tài chính có đầy đủ công cụ để tăng hay hạ giá ô tô lắp ráp thông qua tác động vào tổng cung (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tổng cầu (khuyến khích hay thắt chặt mua sắm xe bằng tiền ngân sách, tăng hay giảm lệ phí trước bạ, làm sản phẩm thay thế - xe nguyên chiếc - rẻ đi), chứ không nên "thuyết phục" Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) giảm giá, vì đây là một việc làm vừa hình thức vừa cầm chắc là không có bao nhiêu tác dụng.
Giá sẽ không giảm vì mệnh lệnh hành chính
Lâu nay Bộ Tài chính thừa biết nhiều thành viên VAMA hưởng siêu lợi nhuận từ chính sách thuế ô tô đầy mâu thuẫn của nước ta như dưới đây sẽ phân tích rõ (chứ không phải như ông Trương Chí Trung dẫn số liệu kiểm tra của Tổng cục Thuế trả lời Thanh Niên 25.8.2007 rằng "từ đầu năm đến nay chỉ có một số ít doanh nghiệp như Toyota là có lãi còn phần nhiều vẫn lỗ hoặc có lãi thấp"). Chỉ cần hợp lý hóa chính sách thuế ô tô là lợi nhuận siêu ngạch của nhiều doanh nghiệp sẽ tan biến tức khắc, chính vì thế mới có chuyện Bộ Tài chính triệu tập VAMA tới họp rồi đề nghị hạ giá xe (tức là phát đi thông điệp hàm ý rằng quý vị VAMA nên hưởng lãi in ít đi một chút, kẻo Bộ Tài chính bị Chính phủ và nhân dân phê bình buộc phải nhất quán hóa chiến lược phát triển ngành ô tô và hợp lý hóa chính sách thuế ô tô thì quý vị... đừng trách nhé!).
Chúng ta thử hình dung điều gì sắp xảy ra: do tương quan cung cầu hiện nay, những model xe khó bán không cần ai đề nghị cũng sắp tự hạ giá (Misubishi, Mazda,...) sẽ coi đây là một cơ hội để giảm giá trong danh dự (tôi giảm giá là để hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Tài chính nhé), còn một số dòng xe đang hút hàng lắp ráp không đủ tiêu thụ (như Innova hay Captiva...) cho dù có buộc phải giảm giá công bố thì người mua cũng vẫn phải trả giá cũ hoặc có thể cao hơn giá cũ mới nhận được xe, vì với công suất lắp ráp như hiện nay thì số lượng xe thị trường sẵn sàng mua sẽ lớn hơn số lượng xe mà nhà sản xuất có thể cung cấp, tức là cầu đang lớn hơn cung. Để cân bằng cung cầu, giá bán thực tế có thể sẽ phải tăng lên. Nhưng nếu doanh nghiệp đã trót công bố giá thấp để "chiều lòng" Bộ Tài chính thì sao? Thì người mua sẽ phải thanh toán "đi đêm" một khoản không công khai (cho nhà sản xuất/cho đại lý/cho môi giới) mới lấy được xe, và tổng mức giá thực chất vẫn y nguyên hoặc tăng lên chứ không hề giảm. Mà thời gian, công sức của toàn xã hội dành cho việc "đi đêm" để mua xe sẽ tốn thêm vô số.
Cũng như bất kỳ thị trường nào khác có mức giá bị mệnh lệnh hành chính ấn định, khi mức giá ấn định thấp hơn mức giá cân bằng của thị trường tự do, lập tức chợ đen và thị trường ngầm sẽ xuất hiện để đội mức giá thực tế lên cho đúng bằng mức giá của thị trường cạnh tranh (ví dụ thị trường vé bóng đá các trận cầu "đinh", chợ đen tem phiếu thời bao cấp, thị trường căn hộ chung cư giá thấp...)
Câu hỏi đặt ra là tại sao một số model ô tô lắp ráp hiện giá bán đã rất cao mà số lượng xe người mua sẵn sàng mua vẫn lớn hơn số lượng xe người bán sẵn sàng bán, khiến mua xe rất khó khăn, gây ra sức ép tiếp tục tăng giá trên thị trường ô tô VN? Thứ nhất, sức mua ô tô của thị trường VN trong năm nay có tăng mạnh do tổng phương tiện thanh toán tăng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ hai, trong tương quan với xe nhập nguyên chiếc (vốn bị đánh thuế nhập khẩu rất cao, vừa hạ xuống mức 70%), xe lắp ráp chất lượng thấp hơn đôi chút nhưng do được ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện, giá bán rẻ hơn rất nhiều; nếu phải lựa chọn giữa xe lắp ráp và xe nhập nguyên chiếc cùng model thì tuyệt đa số người tiêu dùng vẫn chọn loại đầu. Ví thử xe nhập nguyên chiếc được giảm thuế suất nhập khẩu sao cho giá bán chỉ cao hơn xe VAMA lắp ráp cỡ 10% - 15% thì người tiêu dùng sẽ quay sang mua xe nguyên chiếc rào rào, và chỉ khi đó VAMA mới cuống cuồng giảm giá mà không cần Bộ Tài chính phải gợi ý hay "răn đe" gì hết. Tiếc thay thuế nhập xe nguyên chiếc hiện còn rất cao và tuy xe nguyên chiếc và xe lắp ráp đều phải chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt 50%, giá bán xe nguyên chiếc vẫn còn cao gấp khoảng 1,5 lần xe cùng model lắp ráp trong nước và VAMA vì thế không bị một sức ép thị trường nào buộc phải giảm giá hết.
Giải pháp cho thị trường xe hơi
Vậy tại sao không hạ thuế nhập khẩu nguyên chiếc xuống cho gần sát với thuế nhập khẩu linh kiện bình quân để xe nguyên chiếc sẽ xuống giá và ép xe lắp ráp phải xuống giá theo, các nhà lắp ráp sẽ chỉ hưởng một lợi suất thoả đáng thôi, thấp hơn nhiều so với hiện nay? Bộ Tài chính liền đáp rằng như thế không bảo hộ được các nhà sản xuất ô tô trong nước (vốn hứa văng mạng là sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 30% sau 10 năm và đến năm 2010 sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, giờ trật lất ra là hứa liều để lấy ưu đãi thuế, không hiểu Bộ Tài chính dự định xử vụ này ra sao?). Nếu vậy, để khuyến khích ngành ô tô trong nước phát triển, tại sao lại để thuế tiêu thụ đặc biệt, loại thuế điều tiết lượng tiêu thụ, ở mức ngất ngưởng 50% khiến giá ô tô quá cao đối với tuyệt đa số nhân dân, và ngành ô tô trong mười mấy năm qua có tổng cung quá thấp, vẫn chỉ loay hoay ở hoạt động lắp ráp và không hề có một triển vọng sản xuất đại quy mô nào trước mắt? Bộ Tài chính liền lập luận phải để thuế tiêu thụ đặc biệt cao như vậy để hạn chế mua sắm ô tô, tránh quá tải cho hạ tầng giao thông còn non yếu của nước ta (tức là chính sách thuế không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô).
Đây chính là mâu thuẫn then chốt trong chiến lược phát triển ngành ô tô nước ta. Lại hỏi, thực tế chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM mới có ùn tắc giao thông, vậy nên chăng vẫn giữ thuế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước nhưng để ở mức khá thấp cho giá xe nguyên chiếc không cao hơn xe lắp ráp quá nhiều, còn bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đi và hạ thuế giá trị gia tăng để giá ô tô xuống thật thấp, cả nước sẽ mua xe với giá thấp, ngành ô tô nội địa sẽ phát triển như vũ bão. Riêng tại 2 thành phố kia sẽ thu lệ phí đăng ký xe thật cao, cần thiết thì thu thêm cả phí lưu hành xe hơi để hạn chế số lượng xe quá lớn, đồng thời những xe ngoại tỉnh khi vào 2 trung tâm này sẽ phải mua vé và đóng lệ phí theo thời gian lưu trú, trái lại xe của Hà Nội và TP.HCM khi ra ngoại tỉnh thì không bị thu thêm phí? Câu hỏi đó cũng không được trả lời, trong khi đây là một giải pháp duy nhất khả thi để thúc đẩy nền công nghiệp ô tô VN phát triển, giúp dân cư các tỉnh thành có thể dùng ô tô, tránh để nhiều doanh nghiệp trong VAMA hưởng lợi nhuận siêu ngạch một cách vô lý và không gây ùn tắc giao thông cục bộ ở các đô thị lớn.
Tiếc rằng chiến lược phát triển ngành ô tô của ta vốn do dăm bộ cùng làm và hình như không có một bộ nào chịu trách nhiệm chính nên một giải pháp đơn giản và minh xác đã đươc nhiều nước áp dụng thành công và đã được báo chí của ta nhiều lần đề xuất như vậy vẫn chưa biết bao giờ mới được liên bộ hữu quan mang ra bàn chứ đừng nói tới nhất trí và đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Hải Văn
Bình luận (0)