Mua ô tô cũ giá rẻ vẫn chỉ là... “giấc mơ”!
Các lô xe nhập khẩu của doanh nghiệp trong 2 tháng qua chủ yếu là dòng xe cao cấp, có trị giá cao như: Mercedes, BMW, Lexus… bởi biểu thuế hiện hành, xe cùng dung tích, cùng số chỗ thì thuế nhập khẩu như nhau.
Các loại xe này khi về nước sau khi đã tính đủ các loại thuế thường từ khoảng 30.000 USD trở lên. Chẳng hạn như chiếc xe BMW Z4 đầu tiên về cảng Đà Nẵng, doanh nghiệp khai với giá 7.000 USD, hải quan áp lên 15.000 USD, giá sau thuế khoảng 41.000 USD nhưng ngay sau đó chiếc xe này đã được rao bán trên mạng với giá 90.000 USD (có thể thương lượng).
Với mức giá như vậy thì người có thu nhập ở mức khá cũng khó có thể “mơ” tới chứ chưa nói đến những người có thu nhập trung bình - những người vốn kỳ vọng vào ô tô cũ nhập khẩu giá rẻ.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Bộ Tài chính là hạn chế việc nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng kém chất lượng về Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng mua xe ô tô cũ giá rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng ở nước ta còn khá… xa vời.
Diễn biến của thị trường cũng cho thấy, khả năng những doanh nghiệp sẽ nhập khẩu ô tô cũ hạng trung về Việt Nam thời gian tới là rất thấp. Đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hoàng (Hải Phòng) cho biết, thời gian tới họ chỉ tập trung nhập những lô hàng xe ô tô cũ hạng sang thay vì nhập xe ô tô cũ giá rẻ.
Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi xe ô tô cũ giá rẻ có thể bán nhanh hơn nhưng khó bán được giá cao do bị so sánh với chính những dòng xe mới, cùng loại trong nước sản xuất. Trong khi đó, những xe hạng sang, cao cấp thì trong nước chưa sản xuất được nên không có mức so sánh và giá bán có thể được “đội” lên rất cao so với chi phí, cũng như dễ dàng hấp dẫn những người có tiền, chịu chơi.
Điều này đã được chứng minh khi loạt xe nhập phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh Á - u (ASEM 5) năm 2004 với dòng xe hơi cao cấp S350, S500… được bán rất nhanh dù những chiếc xe đó có giá không rẻ: từ 100.000 USD trở lên.
Xác định giá ô tô cũ: Liệu có xảy ra gian lận?
Hầu như trong tất cả các lô hàng ô tô cũ mà doanh nghiệp nhập khẩu, hải quan đều áp giá cao hơn so với giá khai báo của doanh nghiệp, sau các cuộc “tranh cãi” giữa doanh nghiệp và hải quan. Doanh nghiệp thì cho rằng, giá của doanh nghiệp được dựa trên các loại giấy tờ như hợp đồng mua bán, điện chuyển tiền, giấy tờ bảo hiểm… Còn cơ quan hải quan cho rằng giá doanh nghiệp khai báo thấp.
Cơ sở để hải quan đưa ra giá dựa trên nhiều nguồn thông tin khác nhau như: trên Internet, mức giá của nhà sản xuất và nhập khẩu, sách báo về giá cả của nước ngoài, nguồn từ thông tin tình báo hải quan và khẳng định không hề có chuyện áp đặt giá cho doanh nghiệp theo cách chủ quan.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Cần, quyền Vụ trưởng Vụ kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, theo Nghị định 155 của Chính phủ hướng dẫn thi hành trị giá tính thuế GATT thì chủ hàng tự khai giá và tự chịu trách nhiệm về trị giá khai báo.
Hải quan có trách nhiệm kiểm tra dựa vào hệ thống thông tin dữ liệu có sẵn tại thời điểm đó: từ các lô hàng nhập khẩu, hợp tác hải quan quốc tế... “Nếu thấy trị giá khai báo của doanh nghiệp thấp, có đủ cơ sở sẽ bác bỏ và xác định lại, không phải là áp đặt chủ quan hay không có cơ sở pháp lý”, ông Cần nói.
Những tranh cãi về giá giữa hải quan và doanh nghiệp cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng lý giải trên diễn đàn Quốc hội là, đang có sự thăm dò và nếu hải quan “mềm” thì doanh nghiệp cứ giá rẻ mà khai. Ông Hùng khẳng định, với cách tính hiện nay chỉ một thời gian nữa sẽ thấy hiệu quả của chính sách này.
Không chỉ ô tô cũ mà tất cả các mặt hàng cũ, việc xác định giá chính xác là một điều khó khăn nhưng không thể có chuyện một chủng loại xe, tại một thị trường lại có 2 mức giá khác nhau và sẽ phải có một bên sai: hoặc khai báo giá sai, hoặc áp giá sai. Từ sự việc trên, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, để đi đến một giá thống nhất liệu có xảy ra tình trạng thỏa thuận giá, mà trên thực tế cũng là một hình thức gian lận?
Theo Hà My/báo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)