Khó khăn hiện tại của ông Musharraf là cơ hội thuận lợi cho Vua Ả Rập Xê Út Abdullah cải thiện tình trạng của chính mình trong vấn đề chống khủng bố, quan hệ với Mỹ, vai trò và ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo cũng như cải cách nội bộ xã hội. Cả hai nước này đều có vấn đề Hồi giáo cực đoan, đều phải thể hiện quyết tâm chống khủng bố để xoa dịu nghi ngại của Mỹ và cũng đều nhờ chống khủng bố mà có thể có được vai vế đặc biệt trong thế giới Hồi giáo. Pakistan càng mất ổn định chính trị và không đảm bảo an ninh thì cả đất nước này lẫn ông Musharraf đều sẽ mất dần vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ, càng bị mất dần tầm quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Cuộc xung đột giữa các phe nhóm Hồi giáo ở Pakistan càng ác liệt và dai dẳng thì vai trò và ảnh hưởng của Pakistan trong thế giới Hồi giáo càng giảm sút. Và còn có một nét đặc biệt nữa: Biến động chính trị và nguy cơ an ninh như vậy ở Pakistan cung cấp cho Hoàng gia Ả Rập Xê Út lập luận và bằng chứng để kìm hãm các cuộc cải tổ chính trị xã hội theo hướng hiện đại hóa và dân chủ hóa. Với lợi đơn lợi kép như vậy thì làm sao có chuyện triều đình Ả Rập Xê Út lại không tung nốt con chủ bài “Sharif” vào cuộc, vừa tranh thủ tình thế “khó người, dễ ta” lại vừa có thể “đục nước béo cò”.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)