Khó như chỗ trọ…

30/04/2013 09:03 GMT+7

Tìm một chỗ trọ như ý cho người đi học, đi làm ở Hà Nội không dễ dàng, như bài viết của một bạn đọc gửi đến Thanh Niên dưới đây.

Năm thứ nhất đại học, tôi ở trọ trong phố Hạ Đình, Q.Thanh Xuân. Căn phòng 20m2 khép kín, tường lăn sơn, có ban công nhưng giá chỉ 600.000 đồng mỗi tháng, tưởng rẻ, nhưng hóa ra tiền nào của nấy.

Từ phố chính về nhà trọ là đoạn đường sỏi nhỏ đi qua hồ Rẻ Quạt, cỏ mọc um tùm. Tối nào cuốc bộ từ chỗ gia sư về, tôi cũng phải dùng điện thoại soi lối. Có hôm trời mưa, nước ngập tới gối.

Một đêm đang ngủ say, tôi choàng tỉnh giấc vì một tiếng nổ lớn, tiếp đó là tiếng người gọi nhau thất thanh. Sáng hôm sau, tôi nhìn thấy cửa hàng kinh doanh phế liệu sát vách chỉ còn hai bức tường ám khói. Gia chủ đi vắng nên không sao, nhưng con chó mọi ngày xích trông nhà thì không còn nữa, có lẽ nó đã bị hóa kiếp trong vụ nổ mất rồi. May cho xóm trọ chúng tôi, cũng không ai việc gì.

Ít lâu sau, một ngày giữa tháng 5.2008, tôi đi học về qua hồ Rẻ Quạt bỗng thấy nơi hàng ngày chỉ có vài người hái rau nay đông nghịt công an. Người ta bảo nhau: bên hồ có xác một phụ nữ không đầu. Vụ án được báo chí đưa tin sau đó: nạn nhân là chị Lê Thị H bị chồng ám hại và phân thây, rồi vứt thân thể không đầu, không chân của chị xuống hồ hòng phi tang. Sau vụ án, tôi không dám ăn rau muống và bỏ luôn cả nghề gia sư vì sợ đi qua hồ vào buổi tối. Bác chủ nhà biết ý, giảm giá từ 600.000 xuống còn 500.000 đồng nhưng chúng tôi không thể ở lại.

Nhà trọ cấp 4 của tôi sau đó ở gần trường Đại học Nhạc họa TƯ, giá cũng 600.000 đồng một tháng, vệ sinh chung và chúng tôi vô cùng khổ sở vì cảnh cha chung không ai khóc vì nạn tắc cống, xả rác, nhất là khi các phòng có khách.

Trong xóm lại có chị H. xinh đẹp yêu anh T. nóng tính, si tình. Lần nào giận nhau, anh cũng làm xóm tôi náo loạn. Ghen, nửa đêm anh đến đập cổng ầm ĩ. Có hôm cãi nhau trong nhà, anh hất cả rổ bát của chị ra sân. Dịp nghỉ lễ 2.9 năm ngoái, chị về quê lâu, chẳng rõ vì nhớ hay vì ghen, anh đem cả băng pháo dài đến đốt trước cổng. Thế là cả xóm tôi bị tổ dân phố phê bình, công an phường triệu lên làm việc.

Tạm biệt nơi ở cũ, tôi chuyển đến một nhà trọ mới trên đường Láng, một căn nhà kiểu chung cư mini, tôi ở giữa hai chàng độc thân: một dược sĩ, một kỹ sư điện. Anh dược sĩ có sở thích tâm sự với người yêu qua… loa ngoài điện thoại. Một tuần có đến 3 tối tôi trở thành bạn nghe đài chương trình “cửa sổ tình yêu” phát ra từ nhà anh, có khi tự mình cũng đỏ mặt vì độ tha thiết, nồng nàn của “chương trình”.

Anh kỹ sư điện ngược lại, luôn yên ắng, tất cả sự náo nhiệt dồn vào chiều thứ bảy, chủ nhật, khi đội bóng quê anh thi đấu. Khi ấy, cả tầng 5 của tôi bỗng hóa khán đài sân Vinh. Anh dùng chai nhựa, vung nồi gõ loong boong, leng keng, miệng hát liên hồi gõ “ô lê, ô lế, ồ lê”, rồi hô: “Sút đi, Công Vinh, Công Vinh”. Rồi anh hét át cả tiếng bình luận viên: “Vào rồi, vàoooo”.

Thế mới thấy, ở trọ Hà Nội mà mong có giá rẻ, an ninh tốt lại yên tĩnh thật khó như lên trời. Tuy nhiên, trong 6 năm sống ở Hà Nội, 3 lần chuyển phòng trọ, tôi vẫn thuộc diện “ổn định” so với đám bạn long đong khi cứ 5-7 tháng lại phải thay chỗ ở một lần.

Trịnh Thị Lan

>> Người ở trọ sẽ được dùng nước đúng giá
>> Đồng hành cùng thanh niên ở trọ
>> Hơn 10.000 người ở trọ được dùng nước máy đúng giá
>> Giúp người ở trọ
>> Đồng hành cùng thanh niên ở trọ
>> Hơn 1.000 người ở trọ được cấp định mức nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.