(iHay) Ở những nơi nhiều hoa ban, phụ nữ người Thái thường hái về đem bán ở chợ như một thứ rau sạch được nhiều người ưa thích. Nhưng có tự mình lên rừng lấy hoa ban và chế biến nó mới tận hưởng hết cảm giác thú vị từ một món ngon của rừng.
>> Món ngon từ ngọn tre non của người Thái
|
Đúng vào thời điểm hoa ban nở đẹp nhất, chúng tôi theo chân bà Lữ Thị Mai, bản Áng 2 (Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La) lên rừng lấy hoa. Theo những con đường đất đỏ leo dần lên đỉnh núi, nơi có những cánh ban trắng đang phất phơ chờ đợi.
Đứng dưới chân núi nhìn lên thấy ban nở trắng núi rừng, dọc ngang trên các con đường, lấm chấm trắng lưng chừng đồi, hay xòe trắng phau đỉnh núi. Ấy thế mà đến được nơi có ban cũng phải mất gần nửa tiếng đồng hồ chui qua những đám lau, bụi cỏ, gai.
Mồ hôi lấm tấm trên trán, tay chân bị xước xát vì gai cào, nhưng lòng thì phấn chấn tột độ. Không phấn khởi sao được khi, thấy những cây ban đang rập rờn hoa trước mặt. Cây cao bằng cỡ đầu người, cây cao gấp 3, gấp 4. Những cánh hoa phơn phớt hồng đan cài, ôm ấp lấy nhau.
Trên đỉnh cao, bốn bề mát rượi, gió tạt ngang, đem theo hương thơm của ban, lúc thoang thoảng, khi ngào ngạt. Mọi người tranh cãi nhau rằng nó giống mùi thơm của loại hoa gì. Người thì nói giống ngọc lan, người khác bảo giống lan rừng, có người lại bảo thơm mát như hoa hồng. Tôi thì cứ đinh ninh và chắc chắn nó là hương của hoa… ban. Hẳn thế.
|
Hoa ban như người thiếu nữ e ấp, khiêm nhường quanh năm suốt tháng, chỉ khi hoa mận, hoa đào đã lui dần theo mùa xuân ban mới lung linh khoe sắc trắng. Và cũng lạ, hình như ở đất Tây Bắc này, hễ chỗ nào có hoa ban là có người Thái. Đến mùa hoa ban, họ lại tranh thủ những lúc đi nương về hái một giỏ hoa về chế biến thành những món ngon.
Khi giỏ ban đầy, cũng là lúc bà Mai hoàn tất câu chuyện tình yêu tha thiết, thủy chung giữa nàng Ban xinh đẹp với chàng Mạ kiêu dũng ở quê bà. Nó là khởi nguồn của hoa loài hoa, nó gắn với lễ hội Hết Chá của người Thái ở xã Đông Sang.
Dù câu chuyện có hơi khác so với truyền thuyết hoa ban đã từng nghe, nhưng dẫu sao tôi vẫn tìm thấy điểm chung của nó. Hoa ban gắn liền với hình tượng người con gái Thái, đẹp người đẹp nết, can đảm, chung tình.
Trên đường về chúng tôi còn háo hức hơn nữa khi những món ăn từ hoa ban cũng cứ “rập rờn” trước mặt, nào là hoa ban xào, hoa ban nộm, hoa ban nấu canh, nào là hoa ban nhồi cá, nhồi thịt gà nướng.
|
Chừng hơn 1 tiếng sau khi về đến nhà, bữa cơm hoa ban được dọn ra, chiếc mâm truyền thống được quây quanh bằng một đường hoa ban xếp hình trái tim xinh xắn, bên trong có đủ các món tôi đã tưởng tượng. Nhìn đã ngon mắt, nhưng nếm thử mới thấy mình mới chỉ mon men đến đường biên của kho ẩm thực vô cùng phong phú của người Thái.
Hoa ban xào măng đắng có vị đắng của măng, nhưng lại có cái ngọt ngọt, bùi bùi của hoa ban. Ăn xong món này tôi khẳng định: “Hoa ban ăn khá giòn”.
Múc chút canh khẩu bưa, bà Mai bảo: “Thử món này xem sao”? Húp chút nước, thấy vị ngọt của bột gạo, canh xương, gắp mấy cánh ban đưa lên miệng thấy ngọt mát, lại mềm. Tôi buột miệng: “Mềm thế mà những cánh ban không nát!".
Bà Mai tủm tỉm: “Mỗi món có cách chế biến riêng của nó. Từ ban xào, ban đồ, ban nhồi tất cả đều phải công phu, tỉ mỉ”.
Cái công phu tỉ mỉ ấy, chỉ xin được kể vắn tắt như sau: hoa ban hái về, nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa nhẹ nhàng rồi trần qua nước nóng. Để ráo rồi đem vò nát rồi trộn thịt băm, gia vị nhồi cá, gà đem nướng; hay đem xào măng, nấu canh, xôi cùng các loại rau khác, làm nộm…
Xem cách chế biến một chị phóng viên ngỡ ngàng: "Cũng đi nhiều, thưởng thức nhiều món lạ, nhưng chưa đâu thấy cách chế biến lấy một loại hoa rừng làm trung tâm như thế này. Phụ nữ Thái khéo léo mà lại rất sáng tạo trong chế biến thức ăn".
Trong chén rượu chia tay, chúng tôi hứa hẹn sẽ còn quay lại một lần nữa, để tận hưởng cảm giác một tay cầm kẹp nướng, tay kia khe khẽ quạt than, mắt nheo nheo vì khói, mũi không ngừng hít hà mùi thơm của các loại gia vị quyện trong những món ăn hấp dẫn.
Thành Đạo
>> Những món rau rừng 'đỉnh' nhất vùng Tây Bắc
>> Ngất ngây cá suối Mộc Châu
>> Cẩm nang chi tiết cho hành trình ngắm cải trắng Mộc Châu
Bình luận (0)