|
Không thạo việc, thiếu kỹ năng
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, VN không gặp khó khăn về cầu lao động (LĐ). Theo ông Junichi Mori, tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), qua khảo sát của JICA từ hơn 100 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại VN, có tới 80% cho biết rất cần các kỹ thuật viên lành nghề ở thời điểm hiện tại. Trong tương lai tỷ lệ này lên tới 89%.
Ông Yuichi Kobayashi, Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN cho biết, các DN vừa và nhỏ của Nhật có nhu cầu nhân lực gia công các linh kiện khuôn mẫu chính xác ngày càng nhiều. Nhưng DN chưa thể tìm được trường nghề nào đáp ứng được ngay nhu cầu. “Ngay tại DN chúng tôi, trong sản xuất ống kính thay thế dùng cho máy ảnh rất khó tìm nguồn nhân lực quang học. Giải pháp duy nhất là tìm những ứng viên có nền tảng về kỹ thuật, nắm được các kiến thức cơ bản về gia công, rồi đào tạo trong quá trình làm tại DN”, ông Yuichi Kobayshi chia sẻ.
Tại hội thảo “Thúc đẩy mối quan hệ đối tác ba bên để giải quyết sự khập khiễng kỹ năng” diễn ra vào ngày 4.11, các chuyên gia và đại diện chủ sử dụng LĐ đã chỉ ra sự khập khiễng trong đào tạo nghề. Trong khi các DN đang “khát” nguồn kỹ thuật viên thì các cơ sở đào tạo nghề ở VN lại không đáp ứng được nhu cầu. DN không tuyển được LĐ họ cần, LĐ tuyển được không thạo việc, hạn chế về năng lực. Nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng giữa cung và cầu kỹ năng chính là nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hiểu rõ về nhu cầu kỹ năng của ngành công nghiệp. Chương trình đào tạo thiếu hụt kỹ năng so với yêu cầu sản xuất, đặc biệt là thiếu thông tin về nhu cầu kỹ năng cụ thể theo nghề.
Đổi mới đào tạo, thay đổi quan niệm, chính sách hỗ trợ
Đứng trước sự cạnh tranh về nguồn nhân lực khi mở cửa thị trường LĐ ASEAN vào năm 2015, để giải quyết bài toán khập khiễng kỹ năng, theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH đang đẩy mạnh các giải pháp chú trọng việc rèn luyện kỹ năng cho người học nghề.
Từ kinh nghiệm sau 4 năm triển khai dự án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật viên, ông Hà Xuân Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, chia sẻ, nếu chương trình đào tạo không có thông tin đầy đủ về các yêu cầu kỹ năng của ngành công nghiệp, rất khó cho học sinh, sinh viên khi họ đăng ký thực tập, tìm việc. “Bên cạnh tạo lập môi trường học tập trong nhà trường gần giống với DN, trường còn đẩy mạnh quan hệ giữa nhà trường và DN, đưa học sinh, sinh viên tham quan, thực tập tại DN”, ông Quang nói.
Ngoài đổi mới chương trình đào tạo, ông Junichi Mori cho rằng Chính phủ cũng nên ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích quan hệ đối tác giữa các cơ sở dạy nghề và ngành công nghiệp. Sự gắn kết ba bên: cơ sở đào tạo, DN và nhà nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Junichi Mori cũng cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của xã hội về học nghề. “Các sinh viên tốt nghiệp trường nghề được xếp rất thấp so với sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ chuyên nghiệp. Thậm chí còn có thể bị xếp vào cùng nhóm với học sinh tốt nghiệp THPT. Mặc dù họ nghe nói ngành công nghiệp cần nhiều kỹ thuật viên hơn nhưng tham gia các chương trình đào tạo nghề luôn là lựa chọn cuối cùng của thanh niên”, ông Junichi Mori bày tỏ.
Chất lượng đào tạo nghề là trở ngại lớn Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới trong năm 2014 cho thấy, LĐ VN thiếu hụt các kỹ năng liên quan trực tiếp đến công việc, kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và quản lý thời gian... Đáng chú ý, trên 80% DN trả lời rằng các ứng viên cho vị trí kỹ thuật viên đều thiếu các kỹ năng cần thiết. Nhiều LĐ có chứng chỉ nghề nhưng không hoàn toàn thạo việc; 40% trả lời chất lượng đào tạo nghề là một trở ngại lớn. |
Thu Hằng
>> Nâng cao tay nghề và Anh ngữ cho kỹ thuật viên
>> Trường ĐH Hoa Sen tuyển sinh hệ kỹ thuật viên
>> Tuyển sinh hệ đào tạo kỹ thuật viên
>> Phú Yên: Tuyển 15 kỹ sư, kỹ thuật viên thủy sản
Bình luận (0)