Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 200 “lô cốt” ở trên hàng chục tuyến đường… Ngoài việc gây cản trở giao thông, “lô cốt” còn gây ra không ít nỗi khổ cho những hộ dân sinh sống, mua bán kinh doanh xung quanh chúng…
Đi trên đường Lý Chính Thắng (LCT) đoạn từ ngã tư LCT - Trương Định đến ngã tư LCT - Trần Quốc Thảo, (thuộc P.9, Q.3) vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi gặp hai “lô cốt” đang án ngữ hết đoạn đường gần 300m. Ngoài đường thì khói bụi mù mịt; trong các cửa hàng, cửa hiệu ở hai bên đường thì không một bóng người.
Theo chị Thảo, chủ một cửa hàng kinh doanh trên đoạn đường này, trước đây đoạn này chỉ có một "lô cốt", mặc dù chưa án ngữ mặt tiền cửa tiệm của chị nhưng tình trạng kẹt xe thường xuyên, vỉa hè cũng trở thành đường cho xe chạy nên mỗi tháng chị đã phải chịu thua lỗ gần 5 triệu đồng (tiền thuê mặt bằng) vì chẳng có khách nào dám dừng xe mua hàng. Bây giờ lại có thêm một “lô cốt” mới rào chắn vào ngày 25.10 (thuộc Dự án vệ sinh môi trường thành phố) án ngữ hết mặt tiền cửa tiệm, chị đành treo bảng sang tiệm, dù cửa tiệm này đã từng là nơi nuôi sống bốn thành viên trong gia đình chị suốt nhiều năm nay...
Tương tự, dọc tuyến đường Trần Quốc Thảo (thuộc P.7, Q.3), từ khi "lô cốt" thi công hệ thống thoát nước được dựng lên, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh đều ế ẩm, vì rào chắn chiếm hết diện tích mặt đường, khiến người dân tìm lối đi đã khó huống gì là buôn bán kinh doanh...
Khó khăn nhất có lẽ là hoàn cảnh của những chủ cửa hàng, cửa hiệu phải thuê mặt bằng kinh doanh ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT), đoạn từ ngã ba XVNT - Bạch Đằng đến cầu Sơn (thuộc P.24-25, Q.Bình Thạnh). Từ hơn 4 tháng nay, “lô cốt” đua nhau mọc lên ở khu vực này. Chỉ một đoạn ngắn chưa đầy 500m đã có đến 4 “lô cốt” án ngữ. Các hộ kinh doanh nơi đây đều buôn bán cầm chừng; đã có cửa hiệu phải đóng cửa, chấp nhận lỗ tiền mặt bằng...
Ông Nguyễn Văn Hạnh - chủ cửa hàng mua bán quần áo Tốt than thở: “Từ ngày dựng "lô cốt" đến nay, lúc đầu thì buôn bán giảm sút chỉ còn 40%; càng về sau càng ế ẩm. Cứ kiểu này mai mốt phải đóng cửa chứ lấy đâu ra tiền trả tiền mặt bằng và thuê nhân viên?".
Tuy không phải đối diện với cảnh “đổ nợ” như những hộ kinh doanh phải thuê mặt bằng, nhưng những người có nhà cho thuê ở những khu vực này cũng đang từng ngày từng giờ đối mặt với việc mất nguồn thu chính và họ đều tỏ thái độ bức xúc, ngán ngẩm trước những công trình rào chắn thi công ì ạch… Bà Trần Thị Ngọc Yến, ngụ nhà 385 XVNT bức xúc: “Gia đình tôi chỉ sống nhờ vào căn hộ cho thuê. Từ khi “lô cốt” được dựng lên, chủ cửa hàng trả nhà. Vậy là gần 4 tháng nay nhà bỏ không, vì không có khách nào đến thuê… Tết này chắc cả nhà treo niêu”...
Ai cũng biết, việc dựng “lô cốt” để thi công hệ thống thoát nước thuộc các dự án môi trường là việc cần thiết, góp phần đẩy lùi nạn ngập úng ở TP.HCM vào mùa mưa bão. Vì vậy, người dân thành phố nói chung, người dân sinh sống, kinh doanh ở những đoạn đường có “lô cốt” đi qua nói riêng đều ủng hộ; vì chính những công trình này sau khi hoàn thành sẽ phục vụ lợi ích thiết thực của họ. Do đó, đa số họ đều vui vẻ chấp nhận thua lỗ hoặc huề vốn trong một - hai tháng.
Tuy nhiên, chính việc thi công ì ạch, thậm chí có những vị trí đã hết hạn thi công, tiếp tục gia hạn kéo dài đã gây nên nỗi bức xúc ngày càng lớn của người dân, nhất là những hộ kinh doanh.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa đối với việc thi công kéo dài bằng những hành động, biện pháp thiết thực và cụ thể. Chẳng hạn, năng lực của đơn vị thi công cần phải được điều tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của công trình, giảm thiểu những phiền phức và thiệt hại cho người dân. Nhất là khi, theo Sở GTVT, ngoài những "lô cốt" đang thi công, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có thêm nhiều tuyến đường bị rào chắn để phục vụ thi công các dự án...
Đỗ Thông
Bình luận (0)