Vấn đề trên đã được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo "Xây dựng sai phép - Nguyên nhân và giải pháp" do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày hôm qua 20.2. Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Phạm Phú Tâm, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, đặt câu hỏi: "Vì sao trung bình mỗi năm, trong số gần 30.000 giấy phép xây dựng được cấp, có đến 5.000 trường hợp xây dựng sai phép?". Theo ông Tâm, con số này quá lớn so với thực trạng xây dựng tại TP.HCM, buộc các cơ quan chức năng từ cấp quận huyện đến cấp sở ngành phải suy nghĩ để cải tiến, nhất là phải rà soát lại các quy định hiện hành.
Quy định quá nhiêu khê, bất hợp lý
Theo UBND quận 8, phần lớn các trường hợp xây dựng sai phép đều rơi vào tình huống người dân tự ý điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Quan điểm của quận 8 là trong những trường hợp thay đổi quy mô như tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn xây dựng, người dân mới phải xin điều chỉnh thiết kế. Còn những thay đổi bố cục bên trong căn nhà như thay đổi vị trí các phòng, cầu thang, cửa, nhà vệ sinh, ô thông thoáng... không cần phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Vì vậy, trong năm 2008 quận 8 cấp 951 giấy phép xây dựng thì số lượng xin điều chỉnh thiết kế không quá 10%, một tỷ lệ ít hơn nhiều so với các quận huyện khác.
Theo điều 18 của Nghị định 16/CP, nội dung bản vẽ thiết kế trong hồ sơ xin phép xây dựng chỉ cần thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước; ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình cải tạo, sửa chữa). Theo bà Ung Thị Xuân Hương, như vậy theo quy định, bản vẽ thiết kế hoàn toàn không cần quá chi tiết đến nội thất công trình. |
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cũng cho rằng: "Thời gian qua, tại quận Phú Nhuận, khi người dân xây nhà, nếu có những thay đổi về kết cấu, mật độ xây dựng, tầng cao hoặc khoảng lùi... thì mới phải xin điều chỉnh thiết kế. Còn muốn thay đổi trong việc bố trí nội thất thì không cần xin phép. UBND quận Phú Nhuận cũng đã kiến nghị Sở Xây dựng nên điều chỉnh vấn đề này cho phù hợp với tình hình thực tế".
Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM đồng tình: "Hiện nay, việc quản lý theo giấy phép xây dựng còn quá chi tiết, chi li đến từng bộ phận bên trong nội thất công trình. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mà chúng ta cho rằng xây dựng sai phép tràn lan trong thời gian qua". Trích dẫn điều 18 Nghị định 16/CP, bà Hương cho rằng nếu trong thực tế, cơ quan quản lý xây dựng hướng dẫn bản vẽ thiết kế phải chi tiết nội thất công trình là không phù hợp với quy định của pháp luật. "Phải sửa đổi những nội dung không phù hợp với pháp luật để góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng", bà Hương nói.
Cần đơn giản để tránh phiền hà cho dân
Tiến sĩ Võ Kim Cương, một chuyên viên về xây dựng, đặt vấn đề: "Cần hiểu đúng đối với những trường hợp xây dựng bị phát hiện có sai phạm là sai giấy phép xây dựng hay sai bản vẽ thiết kế. Khoản d điều 68 của Luật Xây dựng quy định: "Phải thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng; khi có sự điều chỉnh, thay đổi thiết kế phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp phép xây dựng". Vì vậy, khi xử lý sai phạm, do máy móc, vô cảm, sợ trách nhiệm hoặc hiểu chưa đúng nội dung quy định của pháp luật, một bộ phận cán bộ công chức bắt buộc mọi thay đổi thiết kế đều phải xin phép. Nhưng nếu hiểu đúng thì chỉ những thay đổi thiết kế liên quan đến nội dung giấy phép xây dựng (như diện tích xây dựng tầng 1, tổng diện tích sàn, chiều cao công trình, cốt nền, chỉ giới xây dựng, màu sắc công trình) mới phải xin phép. Còn lại, nếu thay đổi một số chi tiết nội thất thì không thể liệt vào trường hợp xây dựng sai phép". Tiến sĩ Võ Kim Cương đề nghị: "Để giải tỏa những vướng mắc nói trên, các cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn thật rõ ràng, dễ hiểu để tránh tình trạng hiểu sao cũng được khi thụ lý, giải quyết hồ sơ xây dựng của người dân".
Bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định: "Một số quận huyện cho rằng xây dựng sai bản vẽ thiết kế tức là xây dựng sai phép nên đều xử phạt và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Xây dựng là khi xây dựng, nếu có thay đổi kích thước phòng ốc và bố trí nội thất công trình, đó không phải là xây dựng sai phép".
Bà Loan cũng kiến nghị xử lý vi phạm xây dựng theo hướng "mở" hơn cho chủ đầu tư. Đó là sau khi cơ quan quản lý xây dựng phát hiện hành vi xây dựng sai phép thì lập biên bản đình chỉ thi công và đề nghị chủ đầu tư tiến hành thủ tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng. Nếu điều chỉnh được giấy phép thì tiếp tục thi công, còn nếu không điều chỉnh được thì buộc phải thực hiện đúng như giấy phép đã cấp.
Ngoài ra, ông Phạm Phú Tâm cũng đề nghị: "Việc quy định dành 10% diện tích làm ô thông thoáng (giếng trời) trong các căn nhà phố khiến cho rất nhiều trường hợp khi xây nhà phải vi phạm. Đây là quy định cần phải xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình đất đai eo hẹp ở đô thị, bởi nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị".
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)