Khó xử phạt đối với tội xả rác bừa bãi

12/03/2010 01:24 GMT+7

Rác thải không được tập kết đúng nơi quy định vẫn xuất hiện nhan nhản trên đường sau ngày áp dụng quy định mới về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ ngày 3.3.2010, Hà Nội sẽ áp dụng hình thức xử phạt với mọi hành vi xả chất thải không đúng nơi quy định. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với các cá nhân, hộ gia đình đổ chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định là 100.000 - 300.000 đồng; phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với tổ chức cá nhân làm rơi vãi chất thải rắn trong quá trình thu gom, vận chuyển; phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển và đổ chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Thanh Niên trên nhiều tuyến đường, phố, hầu hết người dân vẫn chưa biết gì về quy định xử phạt này. Trong khi đó, những người trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường còn lúng túng chưa biết đơn vị nào hay ai sẽ là người xử phạt và hình thức xử sẽ như thế nào.

Tại những “điểm nóng” về rác thải ở khu vực dọc đường Kim Giang, Nguyễn Khang dọc bờ sông Tô Lịch, đường Thụy Khuê, đường Bưởi, Lạc Long Quân... tình hình vẫn như trước đây.

Tại khu vực cầu Đông Tác (phân chia địa bàn hai phường Trung Tự và Kim Liên), hai bên cầu đã được giăng dây, và có thêm người coi giữ nhưng tình trạng đổ trộm rác thải vẫn xuất hiện nhiều. Bằng chứng là hàng loạt bàn ghế cũ, gạch đất xây dựng còn ngổn ngang phía cầu thuộc phường Kim Liên.

Khó xử phạt

Chị Anh, một công nhân làm việc tại Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long phản ánh: “Nhiều người dân ý thức rất kém. Xe rác để ngay rìa đường mà nhiều người còn lười tới mức vừa phóng xe máy vừa tranh thủ liệng rác vào thùng. Rồi quăng trượt, túi rách, rác lại bắn tung tóe, trải khắp mặt đường mà chúng tôi vừa hì hụi quét sạch trước đó ít phút...”.

Mặc dù bức xúc về nạn xả rác bừa bãi nhưng chị Anh có nhận xét về khả năng xử phạt: “Khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì họ không xả rác nữa, nên việc phục bắt được quả tang hành vi này là không hề dễ chút nào”.

Còn bác Lê Văn Phong (nhà ở số 4 Cửu Long, P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân) thì lại đặt ra một vấn đề khác: “Phần lớn các gia đình, nhà hàng tại Hà Nội đều có người giúp việc, và tất nhiên phần việc đổ rác được giao cho họ. Do vậy, nếu có tiến hành xử phạt thì xử phạt gia chủ hay xử phạt người vứt rác?”.

Cũng theo bác Phong, phần lớn thủ phạm các vụ đổ trộm phế thải xây dựng là nông dân nông nhàn từ quê ra thành thị được thuê làm. Trong khi đồ nghề cũng như tài sản họ có chỉ là chiếc xe đạp thồ, đôi thúng... không quá vài trăm nghìn, “mà phạt họ cả chục triệu sẽ chắc chẳng khi nào thu nổi một xu”, bác Phong nói.

Trong khi đó, chị Minh Thu (nhà ở phố Hoa Bằng, P.Yên Hòa, Cầu Giấy) thì nhận xét, việc bố trí các thùng rác tại nhiều địa điểm chưa thật hợp lý. Như khu vực đường Thanh Niên thường xuyên thu hút được một lượng đông khách lui tới - nhu cầu xả rác là lớn, nhưng dọc hai bên đường thấy xuất hiện rất ít thùng rác.

Cũng chính vì việc bố trí thùng rác tại các điểm chưa hợp lý, cộng với ý thức chưa cao của người dân, thói quen “sạch nhà, kệ ngõ bẩn” lại càng phát triển.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.