Dù đời sống âm nhạc vẫn đang tiếp diễn, sôi nổi với sự xôm tụ của lượng ca khúc, giọng ca trẻ, những chương trình dành riêng cho sáng tác mới, cho nhạc sĩ... nhưng chất lượng, nội lực thực sự của giai đoạn âm nhạc hiện nay, theo nhận xét của giới chuyên môn, vẫn chưa mấy vững vàng, khả quan. Chính điều này ảnh hưởng không ít đến những người tổ chức, thực hiện chương trình. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng, bài hát thiếu cảm xúc, cả trong ca từ lẫn giai điệu, khiến các đạo diễn tương đối vất vả trong quá trình thể hiện chúng bằng những hình ảnh sân khấu.
Sân khấu của Trung tâm ca nhạc Lan Anh được đạo diễn Huỳnh Phúc Điền dời vị trí, biến thành sân khấu nước trong Duyên dáng Việt Nam 13 (Ảnh: Ngọc Hải)
Bên cạnh chất lượng ca khúc, việc có quá nhiều chương trình ca nhạc được truyền hình trực tiếp, ngoài cái được cho khán giả lẫn nhà đài, hạn chế của nó là làm giảm niềm khát khao đến xem tại các rạp - nhà hát của mọi người. Bao nhiêu bài mới đều được ca sĩ tận dụng giới thiệu khi xuất hiện trên truyền hình. Ca khúc đã được nghe hết rồi, ca sĩ thì vẫn bấy nhiêu gương mặt nổi tiếng, nên khi làm một chương trình, để kích thích việc tới rạp của khán giả thì vai trò của người đạo diễn là rất quan trọng. Mỗi người một phong cách riêng, bằng những chiêu thức thu hút khác nhau để làm mới từng ca khúc, sự thể hiện của ca sĩ (có múa, có đạo cụ sân khấu hay không) đến tổng thể chương trình. Với đạo diễn Hiệp Nguyễn thì "dàn dựng thế nào để khi thưởng thức, khán giả không có thời gian... nói chuyện riêng". Vì thế, cách để khán giả chăm chú với chương trình - theo anh - là ngoài ý tưởng hay thì cách thức thể hiện phải bắt mắt. Cũng đáp ứng phần nhìn của khán giả, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền thường "tung chiêu" để đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Đạo diễn Đinh Anh Dũng cũng đã tạo được dấu ấn riêng trong cảm nhận của khán giả với những chương trình mang vẻ đẹp thuần khiết gắn liền với hình ảnh hoa sen, hoặc xem chương trình anh dàn dựng đều đọng lại một chút gì đó từ ít nhất một tiết mục "đinh". Riêng Phạm Hoàng Nam, xem những đêm nhạc do anh làm đạo diễn, người ta dễ dàng nhận thấy mọi hình thức thể hiện (dù rất tiết kiệm) đều được dùng để hỗ trợ cho phần nghe được trọn vẹn nhất trong cảm xúc... Đa dạng đến thế nhưng không phải lúc nào họ cũng có điều kiện thuận tiện để thể hiện hết ý tưởng của mình.
Điều mà cả nhà tổ chức và đạo diễn chương trình quan tâm nhất hiện nay, ngoài những lý do thứ yếu trên, chính là việc thiếu những sân khấu, nhà hát chuyên nghiệp. Đạo diễn Đinh Anh Dũng nhận xét: "Tôi hết sức ngạc nhiên khi một thành phố lớn, trung tâm văn hóa lớn của cả nước như TP.HCM lại không được đầu tư đúng tầm về "bộ mặt" văn hóa. Các chương trình ca nhạc lớn chủ yếu tổ chức ở... Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, rồi sân vận động, còn Nhà hát Hòa Bình thì dùng để chiếu phim nhiều hơn... Chưa có nhà hát đạt chuẩn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng ngại thâm nhập thị trường âm nhạc Việt Nam, vì khi làm chương trình họ phải chuẩn bị từ A đến Z, sau đó lại phá đi. Ngay cả chúng tôi có khi cũng thế, phải bỏ ra những khoản chi lẽ ra không cần thiết khi thực hiện chương trình".
Vấn đề chất lượng ca khúc không thể giải quyết một sớm một chiều, ca nhạc trên truyền hình thì cũng đáp ứng theo nhu cầu giải trí ngày càng cao của khán giả, chỉ còn điều cơ bản mang tính khả thi là xây dựng nhà hát - là trách nhiệm của những người, những cơ quan làm văn hóa. Vì khi đã có nhà hát đạt chuẩn, có một địa điểm xứng đáng thì nhà tổ chức sẵn sàng đầu tư (mà không lãng phí) để có chương trình đảm bảo chất lượng, có như thế mặt doanh thu mới mong an toàn, để rồi họ mới mạnh dạn tái đầu tư, nâng chất chương trình, thỏa mãn thị hiếu của khán giả.
Nguyên Vân
Bình luận (0)