Lý do đầu tiên mà nhiều tàu biển của VN phải ra nước ngoài để sửa chữa là do trong nước rất thiếu ụ tàu. Trước đây, khu vực TP.HCM chỉ có các ụ sửa chữa tàu đáng kể tại Nhà máy đóng tàu Ba Son và Công ty đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin), nay có thêm ụ tàu mới đưa vào khai thác của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC). Ở phía Bắc thì chỉ có các ụ sửa chữa tàu Nam Triệu và Phà Rừng; còn khu vực miền Trung có Dung Quất (Quảng Ngãi) và Hyundai - Vinashin (Khánh Hòa).
Một lý do khác là khi đưa tàu ra nước ngoài, chủ tàu có thể biết chắc chắn ngày nào chiếc tàu của mình sẽ được sửa xong. Điều này rất quan trọng, bởi vì cứ mỗi ngày nằm ụ, chủ tàu mất doanh thu đến vài ngàn USD cho mỗi chiếc. Do vậy, có những hợp đồng sửa chữa, người ta tính bằng giờ chứ không chỉ tính bằng ngày. Một lý do khác là VN còn nhiều hạn chế so với nước ngoài về tay nghề, trang thiết bị hỗ trợ sửa chữa tàu biển chưa chuyên nghiệp, do vậy chủ tàu sẽ mất nhiều thời gian hơn khi sửa chữa tại VN. “Chẳng hạn cùng một công việc, nếu sửa ở VN phải mất khoảng 10 ngày, trong khi ở Singapore mất khoảng 5-7 ngày”, ông Mai Văn Tùng - TGĐ Công ty CP u Lạc - chia sẻ.
Ụ tàu khô lớn nhất phía Nam đi vào hoạt động - Ảnh: Ánh Nguyệt |
Công ty CP u Lạc có một đội tàu 5 chiếc chở dầu gồm 1 chiếc trọng tải 17.000 DWT, 2 chiếc 13.000 DWT và 2 chiếc 10.000 DWT. Ông Tùng cho biết theo định kỳ thì cứ khoảng 5 năm là tàu phải vào ụ để sửa chữa lớn và khoảng 2 năm rưỡi - 3 năm thì trung tu một lần. Các tàu khi vào kiểm tra phần chìm dưới nước phải vào ụ khô, mà ụ khô trước đây ở phía Nam không có, phải sang Singapore. Xu hướng hiện nay của các chủ tàu là đưa tàu đến Trung Quốc để sửa chữa, vì giá cả cạnh tranh.
Ông Thái Văn Hùng, TGĐ SSIC, cũng cho biết trước đây do thiếu ụ tàu nên phần lớn các tàu có trọng tải đến 20.000 DWT đều phải sang Singapore, Trung Quốc, Thái Lan... để sửa. Tháng 7 vừa qua, công trình ụ khô của SSIC đã được đưa vào hoạt động và Công ty CP u Lạc đã trở thành khách hàng đầu tiên của ụ khô này. Theo ông Mai Văn Tùng, chi phí sửa chữa tàu lần này tại VN chỉ khoảng trên dưới 1 tỉ đồng, giảm 2/3 so với sửa chữa ở Singapore. Bên cạnh đó, công ty còn tiết kiệm được nhiều ngoại tệ trong thời kỳ khó khăn như hiện nay. Ông Hùng cho biết công trình ụ khô này có thể sửa chữa những tàu trọng tải đến 25.000 DWT. Theo quy hoạch, sẽ có ụ tàu có quy mô lớn, có thể tiếp nhận những con tàu trọng tải lớn hơn, tại H.Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuy nhiên, có ụ khô cũng chưa đủ, theo ông Hùng, việc đảm bảo tiến độ và chất lượng sửa chữa sẽ giữ vai trò quyết định trong việc giữ chân các con tàu ở lại sửa chữa trong nước.
Mai Vọng
Bình luận (0)