Khoảng trống truyện tranh Việt cho thiếu nhi

Ngọc An
Ngọc An
01/06/2019 06:24 GMT+7

Sau 23 năm, mới đây, bộ truyện tranh VN Hesman của tác giả Nguyễn Hùng Lân bất ngờ ra mắt tập thứ 160 - tập mới nhất và cũng là tập khép lại của bộ truyện tranh 'huyền thoại' này.

Bộ truyện tranh Hesman quen thuộc với những độc giả thế hệ 8X, 9X đã gây sốt ngay khi được tái bản và ra mắt tập mới. Bên cạnh bộ truyện đình đám này, vừa qua, bộ truyện tranh Anh trai tôi là khủng long của tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu đã trở thành một trong những bộ truyện tranh bán chạy nhất của Công ty truyện tranh Comicola. Ngoài ra, bộ truyện tranh VN Các vị thần Hy Lạp lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp của tác giả Gấu Mèo (Phạm Lê Vy) do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào cuối năm 2018 cũng gây nhiều chú ý...
Trước đó, từ thập niên 1990 đến nay, nhiều bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi của tác giả Việt được độc giả đón nhận nhiều như: Thần đồng đất Việt, Cô tiên xanh, Thằng Bờm, Siêu nhân VN, Trạng Quỳnh - Trạng Quỷnh, Cổ tích VN, Toét và Xệ, Tý quậy... Đó là những điểm sáng của truyện tranh Việt dành cho thiếu nhi, dù vậy, không thể phủ nhận một thực tế là số lượng của dòng sách này vẫn còn rất ít ỏi.

Làm truyện tranh cho thiếu nhi không dễ

Anh trai tôi là khủng long được coi là bộ truyện tranh đầu tiên dành cho độc giả thiếu nhi của Comicola (trong khi hầu hết những sản phẩm của Comicola đều dành cho lứa tuổi trên 14). Giám đốc Công ty Comicola Nguyễn Khánh Dương lý giải: “Làm truyện tranh cho thiếu nhi để hay rất khó, bởi đòi hỏi tác giả cần có vốn sống tốt”. Anh cho hay, đội ngũ sáng tác của Comicola chủ yếu là những người trẻ, bởi vậy họ thường chọn làm những dự án “dễ” với mình hơn, tức là hướng đến độc giả ở tầm tuổi mình hay gần với mình nhất. Anh Dương cũng nhìn nhận, hiện nay đội ngũ sáng tác truyện tranh và cả truyện cho thiếu nhi cũng đang rất thiếu.
Theo họa sĩ Phạm Lê Vy, một trong những nguyên nhân của việc không có nhiều truyện tranh Việt cho thiếu nhi là do tư duy của nhiều tác giả thường coi truyện cho trẻ em là đơn giản và thiếu chiều sâu. “Trong khi, để làm được một bộ truyện hay cho thiếu nhi như bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon đòi hỏi kỹ năng vẽ và hiểu biết rất nhiều”, họa sĩ Vy nói. Tác giả Nguyễn Hùng Lân, “cha đẻ” của khoảng 700 tập truyện tranh cho thiếu nhi, cũng nhìn nhận: “Cái khó của việc làm truyện tranh cho thiếu nhi là làm sao phải tạo được cốt truyện hay, cuốn hút. Nét vẽ chưa đẹp có thể xí xóa được phần nào, nhưng nếu kịch bản truyện không hấp dẫn là thất bại”. Ngoài ra, theo những khảo sát của ông, các em nhỏ ở vùng nông thôn và thành phố có những thị hiếu khác nhau. Điều này gây “khó” cho cả tác giả lẫn nhà xuất bản hay công ty truyện tranh. Bên cạnh đó, ở mỗi khoảng thời gian, thị hiếu độc giả cũng sẽ thay đổi, đòi hỏi người làm truyện tranh phải nhanh nhạy, biết cập nhật.

Đầu tư lớn, cạnh tranh nhiều

Anh Nguyễn Khánh Dương cho biết, chi phí đầu tư cho truyện tranh thiếu nhi không hề nhỏ, tốn nhiều thời gian, bên cạnh đó là phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ truyện tranh nước ngoài. “Độc giả đang có quá nhiều lựa chọn với những bộ truyện tranh nước ngoài nổi tiếng. Thậm chí, có những bộ truyện đã được yêu thích từ hàng chục năm nay”, anh Dương nói.
Là người làm truyện tranh từ những năm 1990 cho đến tận bây giờ, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân chia sẻ, khi có quá nhiều truyện tranh nước ngoài, nhà xuất bản sẽ phải đặt lên bàn cân tính toán làm thế nào để thu hồi vốn dễ dàng mà chi phí lại thấp. Họa sĩ Lân ví dụ, chi phí mua bản quyền truyện tranh nổi tiếng của nước ngoài có những cuốn khoảng 20 - 30 triệu đồng, trong khi để đầu tư cho một cuốn truyện tranh trong nước phải gấp 2, 3 lần, khoảng 60 - 70 triệu đồng. Về phía người làm truyện tranh, để hoàn thành một cuốn truyện có khi phải mất từ vài tháng cho tới cả năm. “Làm truyện tranh mất thời gian như vậy, nếu nhuận bút thấp thì sao người làm nghề sống nổi”, họa sĩ bày tỏ. Ông cho hay, một cuốn truyện nếu phát hành khoảng 1.000 - 2.000 bản thì khả năng lỗ lớn, muốn hòa vốn hay lãi cần phát hành từ 10.000 bản trở lên.
Đã có những tác giả, công ty truyện tranh phát hành truyện tranh online, tuy nhiên vẫn chưa phổ biến. “Truyện tranh đến với độc giả chủ yếu qua sách giấy nên không dễ dàng quảng bá và chia sẻ như truyện online, hay webcomic. Tôi mong rằng các nhà xuất bản có thể hỗ trợ chuyển thể truyện tranh VN thành dạng webcomic để đến với độc giả nhanh và rộng hơn”, họa sĩ Phạm Lê Vy nói.
Làm sao để hỗ trợ truyện tranh Việt cho thiếu nhi vẫn là câu chuyện dài. Thực tế, hiện có một số đơn vị làm truyện tranh để “khẳng định tên tuổi”, sau đó làm những công việc khác để bù lỗ. Tuy nhiên, các nhà xuất bản, hay các công ty truyện tranh có thể tính đến đường dài. Họa sĩ Nguyễn Hùng Lân cho hay, chi phí ban đầu cho một bộ truyện tranh có thể lớn, nhưng nếu bộ truyện được yêu thích, tái bản nhiều lần sẽ mang lại lợi nhuận cao, và thực tế đã có những bộ truyện tranh cho thấy điều đó. Họa sĩ Lân cũng đưa ra ví dụ về cách làm truyện tranh “nhạy bén” như bộ truyện Trạng Quỳnh - Trạng Quỷnh. Nét vẽ, kịch bản không cần đầu tư cầu kỳ và được bán với giá phải chăng nên “sống tốt” ở nhiều thị trường, trong đó có vùng thôn quê. Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc thi sáng tác truyện tranh cho thiếu nhi cũng sẽ giúp các công ty, nhà xuất bản lựa chọn được tác phẩm hay, cũng như nắm bắt được thị hiếu độc giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.