Dự án đi qua địa phận Q.2, Q.9 (TP.HCM) và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường dài 55 km, giai đoạn 1 có 4 làn xe, với điểm đầu là nút giao An Phú (Q.2, TP.HCM) và điểm cuối là nút giao với QL1A tại Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai).
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại lễ khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, bởi khi xây dựng xong sẽ nối liền với đại lộ Đông - Tây TP.HCM và nối với hơn 40 km đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Như vậy, chúng ta sẽ có trên 100 km đường cao tốc đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang. Dự án sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn về kinh tế, xã hội, về quốc phòng, an ninh trong khu vực. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư (Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), Bộ GTVT, UBND TP.HCM, Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan. Thủ tướng nhấn mạnh: "Một trong những khâu đột phá quyết định để đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 là tập trung sức, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại, trong đó trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông. Trong hệ thống hạ tầng giao thông, đường cao tốc quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc quốc gia, thì không thể có một nước công nghiệp hiện đại, bền vững".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GTVT, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công thực hiện đúng những nhiệm vụ, cam kết của mình, để dự án này đạt được đúng mục tiêu đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và an toàn.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai tại TP Biên Hòa, Thủ tướng đề nghị tỉnh lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thúc đẩy phát triển công nông nghiệp dịch vụ theo hướng công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng cao, tập trung phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng Nai cần tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cải cách hành chính; chú trọng công tác quy hoạch.
Tỉnh phải quan tâm hơn nữa đến bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước sông Đồng Nai, sông Thị Vải và nên triển khai xây dựng ngay một số nhà máy xử lý rác. Bên cạnh đó, tỉnh phải thực hiện tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết tốt việc làm cho lao động ở nông thôn và các vùng tái định cư. Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Mai Vọng - Diệp Đức Minh - H.Dũng
Bình luận (0)