(TNO) Vụ nổ sập 3 căn nhà làm 11 người thiệt mạng trong đó có gia đình ông "Phương khói lửa" đã khiến nhiều người không khỏi giật mình về sự an toàn tính mạng của những người làm nghề khói lửa trên phim trường.
"Làm nghề này cũng giống như sống cạnh trái bom nổ chậm. Không biết khi nào tử thần gọi tên mình", một "chuyên gia khói lửa" cho phim ảnh đã giải nghệ tâm sự.
Những "quả bom nổ chậm"
Khói lửa là cách gọi bộ phận lo việc súng đạn, cháy nổ... và thường không thể thiếu trong những bộ phim chiến tranh. Những bộ phim như Dưới cờ đại nghĩa, Tây Sơn hào kiệt, Huyền thoại 1C... đều có bộ phận khói lửa lo liệu những cảnh bom rơi, súng nổ, lửa khói...
Theo những người làm nghề, với những đại cảnh cần vụ cháy nổ lớn, đoàn làm phim phải gửi đơn lên Bộ Quốc phòng, sau đó sẽ có những người chuyên về vũ khí của quân đội (ở địa phương nơi thực hiện bộ phim) phối hợp thực hiện.
Với những tiểu cảnh, những người chuyên làm khói lửa như ông Phương "khói lửa" sẽ đảm nhận thực hiện.
|
Tuy nhiên, trong khi công nghệ kỹ xảo phim ảnh thế giới ngày càng phát triển thì công cụ và kỹ thuật làm khói lửa ở nước ta vẫn không mấy đi lên.
Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải cho biết trong khi điện ảnh thế giới thực hiện cảnh cháy nổ bằng khí hơi, giúp cảnh quay hoành tráng nhưng đảm bảo an toàn thì ở Việt Nam thuốc nổ thật như TNT vẫn được dùng (hoặc trộn những hỗn hợp như thuốc pháo để làm cảnh cháy nổ) dẫn đến khả năng sát thương rất cao.
|
|
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, được biết với cái tên Sơn "khói lửa", từng là chuyên viên khói lửa của Hãng phim Giải Phóng (nay đã giải nghệ), cho biết thông thường khi làm khói lửa cho một phim nào đó, người ta mua nguyên liệu đơn chất với số lượng được tính toán trước rồi đem ra phim trường pha chế sử dụng. Nếu sử dụng không hết thì phải đổ nước vào, hủy đi, để đảm bảo an toàn.
Ông Sơn cũng cho hay nghề làm khói lửa cho phim ảnh rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận thì xảy ra tai nạn như chơi. Không ít thì nhiều, những người làm nghề này đều đã gặp tai nạn, sự cố.
"Phải có nguồn cung cấp hàng đạt chất lượng, phải có kho bãi riêng và được bảo quản tốt mới đảm bảo an toàn", ông Sơn nói.
Chủ yếu... tự học
Đạo diễn Hà Sơn (đạo diễn phim Trung úy): Hiện nay chúng ta vẫn chưa đào tạo chuyên viên đạo cụ, khói lửa một cách chuyên nghiệp. Tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh mà tôi đang giảng dạy, không có bất kỳ khóa học đào tạo chuyên viên khói lửa nào. Những người làm công việc này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Kỹ thuật tạo hiệu ứng của chúng ta vẫn còn rất lạc hậu. Các nhà làm phim nước ngoài áp dụng công nghệ kỹ xảo hoặc các chất nổ không gây sát thương. Trong khi, chúng ta vẫn dùng thuốc nổ TNT rất nguy hiểm. Khi làm phim Trung úy, mỗi lần quay cảnh có sử dụng thuốc nổ tôi lại sợ xanh mặt vì chỉ cần một sai sót nhỏ, các diễn viên không đi theo đúng đường đã chỉ sẵn mà lại nhầm vào chỗ cài thuốc nổ thì có thể gặp tai nạn lao động. (Minh Ngọc)
Nghề nguy hiểm nhưng phần lớn những người theo nghề đều không được đào tạo bài bản mà chủ yếu là tự học rồi truyền kinh nghiệm cho nhau.
"Ở Việt Nam những người chuyên làm khói lửa cho các phim chiến tranh không nhiều, do các phim chiến tranh được làm rất ít và cũng không có trường đào tạo nghề này. Do đó mỗi người thường có cách làm khác nhau và chủ yếu là nghề dạy nghề mà thôi. Hiện cũng có một vài nhóm cascadeur đang tập làm khói lửa cho một số phim. Nhưng tai nạn của anh Phương thật sự là một bài học cảnh tỉnh cho những ai theo đuổi nghề này", ông Sơn "khói lửa" chia sẻ.
Những người trong nghề cũng cho hay trước đây, khi Việt Nam còn "thịnh" làm phim chiến tranh thì bộ phận khói lửa khá phát triển.
Những năm sau này, loại phim này không có nhiều, bộ phận khói lửa cũng bị xem nhẹ nên số người làm nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
"Mặt khác, kinh phí thực hiện cảnh quay thường khá eo hẹp nên những chuyên viên khói lửa lại càng khó khăn hơn, không đủ tiền để sống huống chi là để trang bị những thứ đảm bảo an toàn cho chính mình", một họa sĩ thiết kế phim trường cho biết.
Trong số những tên tuổi làm nghề này, có thể kể đến Phương Minh Trí, Sơn “khói lửa”, Trần Văn Hưng… nhưng không ít người như ông Sơn, đã giải nghệ vì nhu cầu khói lửa cho phim ít, thu nhập không đủ sống.
Ngay cả ông Phương "khói lửa", mặc dù trước đó cũng có vài "đệ tử", nhưng sau này đều rơi rớt dần do nghề nguy hiểm mà thu nhập chẳng bao nhiêu.
Đón xem Kỳ 2: Sinh nghề tử nghiệp...
Thiên Hương - Thanh Hải
>> Cháy nổ lớn làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Khởi tố, điều tra vụ nổ làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Vụ nổ sập 3 ngôi nhà, 10 người chết: Không thể là thuốc nổ bình thường
>> Nổ lớn làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Cận cảnh vụ nổ làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Charlie Nguyễn biến Chợ Lớn thành phim trường
>> Miền Tây thành đại phim trường
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Bi hài phim trường "cảnh nóng
>> “Kòn Trô” trở lại phim trường
>> Phim trường thiên nhiên Việt Nam
Bình luận (0)