Khói lửa phim trường: Kỳ 2 - Sinh nghề tử nghiệp

27/02/2013 13:55 GMT+7

(TNO) "Làm nghề này cũng giống như sống cạnh trái bom nổ chậm. Không biết khi nào tử thần gọi tên mình...", một chuyên viên khói lửa đã giải nghệ tâm sự.

(TNO) "Làm nghề này cũng giống như sống cạnh trái bom nổ chậm. Không biết khi nào tử thần gọi tên mình. Ai làm nghề cũng phải lường trước cảnh sinh nghề tử nghiệp nhưng lo nhất vẫn là an toàn của những người xung quanh mình", một chuyên viên khói lửa đã giải nghệ tâm sự.

Tai nạn nhan nhản trên phim trường

Hầu hết những người làm nghề khói lửa cho phim ảnh đều từng gặp tai nạn, sự cố, không ít thì nhiều. Nhẹ thì bị sát thương ngoài da, nặng thì nhập viện. Và ai cũng đều phải lường trước kết thúc bi thảm như tai nạn ở nhà của ông Phương "khói lửa" vừa qua.

Những vụ tai nạn do khói lửa phim trường không phải hiếm, thậm chí báo chí từng nhắc ra rả và giới làm nghề vẫn thường nhắc đi nhắc lại mỗi khi xảy ra một vụ tai nạn mới.


Một cảnh cháy nổ trên phim trường - Ảnh: Duy Minh

Trước đây, phim trường Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu từng xảy ra tai nạn khiến một chuyên viên tạo khói lửa bị thương nặng khi đang trộn thuốc tạo nổ cho một bộ phim và sau đó phải sang Thái Lan để điều trị.

Đoàn làm phim Trò chơi định mệnh (do ông Phương "khói lửa" đảm nhiệm vai trò sản xuất) khi quay ở Củ Chi (TP.HCM) cũng từng xảy ra vụ tai nạn cháy nổ phim trường khiến nhiều người trong đoàn làm phim phải nhập viện. Nguyên nhân cũng là do thực hiện một cảnh quay cháy nổ lớn theo ý đồ kịch bản.

Trong phim Đô la trắng, sức văng quá lớn của viên đạn giả đã khiến dị vật xuyên qua kính bảo vệ đâm thẳng vào mắt của một diễn viên quần chúng khiến anh này hỏng một mắt.

Diễn viên Lê Quang cũng từng gặp nạn khi cây súng dội ngược đạn khiến anh phải nhập viện dù rằng cảnh quay này do các chuyên gia khói lửa đến từ Thái Lan thực hiện và đạn chuyên dụng cũng được đem về từ Mỹ.

Quay những cảnh "khói lửa", người tạo cảnh quay không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm mà còn nắm trong tay sự sống còn của đoàn làm phim, vì một chút sơ sẩy có thể lấy mạng của diễn viên như chơi.

Diễn viên M.C cho biết với những cảnh quay bị trúng đạn, họ phải cài kíp nổ trong người. "Những khi đóng phim mà có cảnh cháy nổ, tôi rất lo lắng vì chuyện gì cũng có thể xảy ra dù rằng mọi người đều cố gắng thận trọng tối đa. Mẹ tôi mỗi lần biết con đi đóng phim mà có những cảnh nguy hiểm đều ở nhà cầu trời khấn phật cho tôi được bình an vô sự", diễn viên này nói.

Mặc dù các chuyên viên khói lửa vẫn gắn thêm một lớp da để bảo đảm an toàn cho diễn viên nhưng đâu ai đảm bảo được chuyện gì sẽ xảy ra khi mang trên người chất cháy nổ.

Nguy hiểm rình rập với cascadeur 
 
Phải liều mình với những cảnh cháy nổ không ai khác chính là những cascadeur (đóng thế hoặc vào vai trực tiếp) trong những cảnh quay mạo hiểm.

Cascadeur Bảo Anh cho biết: "Những cảnh cháy nổ xác suất an toàn chỉ khoảng 80 - 90%. Đóng những cảnh này, cascadeur bị văng trúng miểng của lựu đạn, bị phỏng vì lửa bắn ra xa là chuyện thường xuyên. Nghe tin chú Phương như vậy, chúng tôi ai cũng buồn bã, nghĩ lại cũng lo vì cái nghề mạo hiểm của mình".

Cũng từng tham gia rất nhiều cảnh quay cháy nổ, cascadeur Tuấn Anh vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc chạm mặt tử thần trong một cảnh quay cháy nổ trong phim Huyền thoại 1C cũng do ông Phương "khỏi lửa" thực hiện.

Tuấn Anh kể: "Đó là cảnh quay hoành tráng nhất phim và cũng là cảnh kết thúc của bộ phim này. Lúc đó, có 4 trái nổ đặt xung quanh tôi, gần nhất là 2 m, xa nhất cách tôi 4 m, tổng khối lựợng là 2,5 kg thuốc nổ TNT có trộn than, mạt cưa để tạo hiệu ứng được đặt trong địa hình đồi núi, bên dưới vị trí của tôi.

Khi trái đầu tiên phát nổ, tôi cảm thấy mình bị ép tim, lồng ngực thắt lại, không thở được nhưng cũng không thể la lên vì lúc đó âm thanh hiện trường quá lớn. Không biết làm sao nên tôi tiếp tục chịu trận với những trái tiếp theo.

Biết thế nào cũng bị chấn thương với trái cách tôi 2 m nên tôi đã kéo tay che đầu mình lại. Kết quả là sau vụ đó, tôi bị phỏng vùng cánh tay và bị đa chấn thương, phải điều trị suốt thời gian dài".


Cảnh cháy nổ trong phim Huyền thoại 1C - Ảnh: Cascadeur Tuấn Anh cung cấp

Cho đến bây giờ, trên người Tuấn Anh vẫn còn vết sẹo lớn từ vụ tai nạn này. Tuy nhiên, khi hỏi rằng có còn "dám" đóng những cảnh cháy nổ thế này nữa không, Tuấn Anh cười bảo: "Trước khi gặp tai nạn lần đó, tôi đã gặp không ít tai nạn khác. Trong những cảnh quay cháy nổ, tôi vẫn bị cháy xém hoài do xăng bốc ra. Nhưng làm nghề này phải chịu vậy thôi. Những người như tôi vẫn tin là có "tổ đãi" nên dù biết nguy hiểm vẫn cố gắng bám nghề".

Nguy hiểm luôn rình rập trên phim trường nhưng theo nhiều diễn viên và cascadeur, mức bảo hiểm cho họ khá thấp. Đơn cử như vụ tai nạn của Tuấn Anh, dù bị bỏng cấp độ 3, tỷ lệ thương tật khá cao nhưng cũng chỉ được bảo hiểm (do đoàn làm phim mua) hỗ trợ khoảng 1 - 2 triệu đồng.

Cảnh khói lửa làm sao để an toàn?

Hầu hết những người từng theo nghề khói lửa và các đạo diễn từng làm phim đề tài chiến tranh đều cho rằng nguy hiểm trong những cảnh quay khói lửa ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ việc dùng thuốc nổ thật. Trong khi ở nước ngoài, người ta chỉ dùng hóa chất để tạo hiệu ứng hình ảnh mà không gây sát thương cho diễn viên.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết bản thân anh khi làm phim có những cảnh quay nguy hiểm thì đều nhờ đến các chuyên gia khói lửa ở nước ngoài để đảm bảo an toàn cho các diễn viên. Hai bộ phim Dòng máu anh hùngBẫy rồng của Charlie Nguyễn đều là do các chuyên gia khói lửa ở Thái Lan và nước ngoài đảm nhiệm.

 
"Làm cảnh cháy nổ chủ yếu là khiến cho người xem cảm thấy sướng mắt bởi những hiệu ứng hình ảnh chứ không phải mang đến cho người ta cảm giác rùng rợn, ghê sợ".

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, ở nước ngoài, họ sử dụng hóa chất để tạo hiệu ứng, không có sức công phá nên khá an toàn, diễn viên có thể đứng cạnh "trái mìn" cũng chẳng sao.

Ngoài ra, những chuyên gia khói lửa ở ngước ngoài đều trải qua các khóa học và được cấp bằng hẳn hoi chứ không phải "nghề truyền nghề" như ở nước ta.

"Theo tôi, để hạn chế nguy hiểm trong những cảnh quay khói lửa thì trước hết người làm nghề phải chuyên nghiệp. Ở Mỹ, họ phải thi để lấy bằng, có bằng rồi mới được quyền mua và sử dụng các hóa chất để tạo hiệu quả hình ảnh. Nhiều nơi vẫn đổ lỗi là do phim thiếu kinh phí nên không thể sử dụng hóa chất như ở ngước ngoài nhưng rõ ràng phim Thái Lan kinh phí cũng thấp mà người ta vẫn dùng hóa chất đó thôi. Tôi không nghĩ vấn đề nằm ở chỗ kinh phí. Quan trọng là người làm nghề ở nước ta chưa chịu đầu tư nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật mới để tiến bộ", đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ.

Vị đạo diễn này cũng chốt lại một câu: "Nếu không muốn nguy hiểm, tốt nhất là đừng làm phim khói lửa, còn nếu làm thì phải chịu khó học hỏi và tiếp thu kỹ thuật của nước ngoài để đảm bảo an toàn cho những người tham gia".

Thiên Hương

>> Cháy nổ lớn làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Khởi tố, điều tra vụ nổ làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Vụ nổ sập 3 ngôi nhà, 10 người chết: Không thể là thuốc nổ bình thường
>> Nổ lớn làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Cận cảnh vụ nổ làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Charlie Nguyễn biến Chợ Lớn thành phim trường
>> Miền Tây thành đại phim trường
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Bi hài phim trường "cảnh nóng
>> “Kòn Trô” trở lại phim trường
>> Phim trường thiên nhiên Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.