Mong có giáo trình chuẩn về khởi nghiệp
GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng USSH, khẳng định vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp được nhà trường rất quan tâm trong chương trình đào tạo, môn học khởi nghiệp đã được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường với sự hỗ trợ của đối tác đặc biệt là Quỹ Đào Minh Quang.
GS Tuấn cũng chia sẻ, qua theo dõi xu hướng lập nghiệp của sinh viên sau khi ra trường thì thấy rằng các em không chỉ làm việc trong lĩnh vực mình được đào tạo, không nhiều em chọn làm việc trong khối công lập mà tìm kiếm nhiều cơ hội khởi nghiệp. Nhiều sinh viên cho biết, trường ĐH đào tạo cho các em nền tảng cơ bản về tri thức, về phương pháp và tinh thần sẵn sàng để có thể làm ở bất cứ công việc gì hay ở nơi đâu. Thực tế đã chứng minh không ít em thành công trong con đường khởi nghiệp của mình.
Theo GS Tuấn, Quỹ Đào Minh Quang triển khai dự án lập nghiệp khởi nghiệp bền vững là hướng đi rất trúng để có thể khắc phục được những bất cập trong khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay. Mong muốn của nhà trường là có một bộ học liệu chuẩn ở cấp quốc gia về lĩnh vực này để đưa vào giảng dạy cho sinh viên.
Tiến sĩ Đào Minh Quang, Chủ tịch Quỹ Đào Minh Quang, cũng chia sẻ mong muốn dành tâm sức những năm cuối đời mình để thực hiện thật hiệu quả quỹ mà ông sáng lập. Dự án Lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam theo mô hình của Đức là một dự án quan trọng mà quỹ muốn hợp tác và thực hiện trước hết với USSH, đồng thời với một số trường ĐH khác. Theo thoả thuận đã ký kết thì quỹ sẽ tài trợ cho dự án này trong 4 - 5 năm tại USSH.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thùy Dương, Chủ tịch, Tổng giám đốc TalentPool - một tổ chức đào tạo uy tín tại Việt Nam, cho rằng: viết một cuốn sách truyền cảm hứng về khởi nghiệp thì không khó nhưng viết giáo trình thì chắc chắn sẽ rất khó. Bà Dương nhìn nhận, đây là dự án đầu tiên nói về khởi nghiệp bền vững, bền vững cả về ý chí, về năng lực.
Theo bà Dương, giáo trình về khởi nghiệp nên phát hành dưới dạng "sách sống" để có thể liên tục cập nhật và có sự tương tác cần thiết.
Đồng tình với đề xuất này, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng dạng sách sống sẽ giúp cho người sử dụng có thể tương tác, có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề này.
Tránh ủng hộ khởi nghiệp một cách chung chung
Ông Triệu Thế Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá cao dự án, đồng thời cũng chỉ ra nhiều bất cập trong lĩnh vực khởi nghiệp hiện nay ở nước ta.
Trong đó, việc thương mại hóa các dự án khởi nghiệp của sinh viên còn nhiều khó khăn do việc thực hiện chưa bài bản, chưa có tính thực tiễn cao; chuyên môn kỹ thuật thấp, thiếu thông tin về thị trường, kinh phí đầu tư hạn chế…
Dưới góc độ pháp lý, ông Hùng cho rằng quy định, chính sách về khởi nghiệp hiện nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nhà nước quản lý ban hành.
Do vậy, theo ông Hùng, cần có những kiến nghị, hiến kế với Quốc hội và Chính phủ để có thể nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp lý về khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Tránh tình trạng chung chung như hiện nay, ủng hộ khởi nghiệp nhưng chưa rõ đối tượng và cách thức thực hiện…
Quỹ Đào Minh Quang là một quỹ từ thiện của Đức, do tiến sĩ Đào Minh Quang thành lập vào tháng 12. 2016 tại Berlin theo bộ luật Dân sự Đức. Quỹ Đào Minh Quang được Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng của bang Berlin, CHLB Đức, công nhận là một tổ chức pháp lý độc lập. Quỹ chỉ thực hiện các hoạt động công ích và từ thiện.
Mục tiêu của Quỹ Đào Minh Quang là khuyến khích các hoạt động hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam và Đức, thông qua 5 hoạt động, đặc biệt trong việc khyến khích giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo ĐH, khuyến khích các dự án lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững cũng như âm nhạc và văn hóa.
Bình luận (0)