Ùn tắc bủa vây
|
Theo ghi nhận của Thanh Niên, phần đường dành cho ô tô bình thường có 3 làn xe nay chỉ còn 1 làn, 2 làn còn lại đang được giăng dây để đơn vị thi công nâng cấp đường. Anh Tiến, sinh sống tại khu vực này, than thở từ ngày triển khai dự án, tuyến đường này liên tục ùn tắc, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều. Ô tô nối đuôi nhau xếp hàng, nhiều người điều khiển xe máy lao cả lên vỉa hè để tránh tắc nghẽn, có lần suýt đâm vào một em bé đang chơi trước cửa nhà. “Trước làm làn đường ngoài còn đỡ, giờ đẩy vào đến làn đường trong cùng, bụi bặm, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động buôn bán của các hộ gia đình sống tại khu vực này”, anh Tiến thông tin.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực chân cầu Rạch Ông (đường Trần Xuân Soạn, Q.8). Rào chắn, lô cốt thi công chiếm hết nửa đường, diện tích còn lại chỉ đủ cho 1 chiếc xe buýt len qua. Nhiều người dân hằng ngày đi qua khu vực này phản ánh thời gian gần đây, diện tích lô cốt đã được nới rộng ra nhưng tiến độ thi công ì ạch, có lúc không có công nhân làm việc. “Đào cái hố, chôn đường ống mà làm cả hơn nửa năm chưa xong là quá vô lý, ngày nào cũng kẹt cứng từ sáng tới chiều. Muốn "lánh nạn" thì phải lo đi làm sớm. Thi công kiểu rùa bò thế này thì chỉ có dân khổ thôi”, chị Ánh Hồng, hằng ngày đi làm qua đây bức xúc.
Dọc các tuyến đường gần khu vực chợ Bến Thành (Q.1), người dân đang sống chung với hàng rào “lô cốt” dài hàng trăm mét của dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) dựng trên đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi. Tiến độ thi công của công trình này lùi lại bao nhiêu thì cảnh xe cộ lưu thông qua tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Pasteur ùn ứ, nhích từng chút một, đặc biệt vào giờ cao điểm, lại kéo dài thêm bấy nhiêu. Không những thế, loạt cửa hàng, hộ kinh doanh tại khu vực này cũng gần như “đứng hình” ngồi chờ metro xong để giải tỏa lô cốt, tiếp tục buôn bán.
60 tuyến đường, 148 vị trí rào chắn
|
Theo số liệu thống kê cuối tháng 10 của Thanh tra Sở GTVT TP, hiện có 148 vị trí rào chắn trên 60 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án trên toàn địa bàn TP. Trong đó, ngôi vị “quán quân” thuộc về Q.8 với 29 vị trí rào chắn, tiếp đến là Q.4 với 24 vị trí. Theo ghi nhận của chúng tôi, đường Bến Vân Đồn (Q.4) dọc bờ kênh Tàu Hũ, chỉ dài chưa tới 1 km nhưng có đến 5 lô cốt. Tất cả đều thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2”, đơn vị thi công là liên doanh YASUDA - KOLON. Chiếm quá nửa diện tích đường, xe cộ hằng ngày lưu thông cũng rất chật vật. Đáng chú ý, trên tấm bảng thông tin dự án được gắn ngoài lô cốt, thời gian thi công đoạn rào chắn có dấu hiệu bị sửa, lúc đầu ghi từ ngày 20.10.2016 - 27.8.2017, sau đó sửa đè lên thành từ ngày 18.8.2017 - 24.8.2018. Nhưng dù tính thời gian đã sửa lại thì công trình này cũng đã trễ hẹn khá lâu.
Nếu rào chắn tại các tuyến đường kể trên chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông thì gần 10 công trình dang dở chạy dọc đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) còn đẩy người dân vào cảnh khốn khổ vì đường hỏng, nhà cũng hỏng. Chỉ vào dọc vết nứt trên tường, ông Nguyễn Thanh Tùng, bảo vệ Kho điện lực Tân Thuận (số 22 Tôn Thất Thuyết, P.18, Q.4) ngao ngán: lô cốt trước mặt thi công được vài tháng thì không chỉ nứt đường, nứt nhà mà còn giật cả vỉa hè, tạo thành rãnh sâu ngăn giữa nhà dân và vỉa hè. Dọc cả tuyến đường trước kia mặt đường nhựa bằng phẳng, sạch sẽ nay biến thành “bãi chiến trường” bẩn thỉu, bụi bặm không thể chịu được. Mặt đường bị cày nát, vỉa hè thì bật cả nền bê tông lên, vô cùng nguy hiểm. Xe chở đất hằng ngày qua lại kéo theo sình, bùn rải khắp đường, lô cốt chạy đến đâu thì bùn trải tới đó.
Khốn khổ vì đường, nhà hư hỏng
Cũng theo chỉ dẫn của bảo vệ Kho điện lực Tân Thuận, chúng tôi gặp được cô Nguyễn Thị Hà, ngụ tại P.18, hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc thi công xây dựng hệ thống cống bao - Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2 trên đường Tôn Thất Thuyết. Cô Hà cho biết đoạn thi công trước nhà cô vừa xong, đơn vị thi công vừa rút mấy cây sắt dài 6 - 7 m lên thì loạt nhà dân khu này tụt theo, xé cả nhà ra. Trong đó, nhà cô Hà hư hại nhiều nhất nên chủ đầu tư phải xây mới hoàn toàn để đền bù. "Bữa đó mẹ tôi đang ngủ thì miếng la phông trên nóc nhà bất ngờ sụp xuống, may mà không dính ai", cô Hà kể và cho biết, chủ đầu tư khi đó mới bắt đầu xuống thuê nhà, kêu cô cùng vài hộ dân xung quanh di dời, sau đó giám định để đền bù thiệt hại. Nhà 6 người nhưng chủ đầu tư chỉ thuê cho căn nhà có 18 m2, quá nhỏ nên đồ đạc vẫn phải để lại một phần. “Từ ngày xây nhà, em trai tôi phải nghỉ làm cả tháng trời để qua trông, tôi cũng hôm làm hôm nghỉ chạy ra liên tục. Chưa kể tiền di dời đồ đạc chúng tôi cũng phải tự trả. Những thiệt hại này ai đền bù cho chúng tôi? Thật sự tôi còn không biết họ đang làm công trình gì, trước mắt là thấy khổ lắm rồi”, cô Hà nói.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Thanh tra Sở GTVT cho biết thời gian qua, nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh và liên tỉnh, cải tạo, nâng cấp chỉnh trang đô thị, nhiều công trình trọng điểm và các dự án cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, ngầm hóa điện lực, viễn thông... đang được khẩn trương thi công. Do đó, số lượng công trình, rào chắn có tăng hơn so với các năm gần đây. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về thi công công trình nói chung, cũng như công tác tái lập nói riêng trong 10 tháng đầu năm 2018 có giảm hơn so với năm 2017.
Như vậy, vi phạm giảm nhưng thực tế những người dân sống tại TP lớn nhất cả nước đang hằng ngày phải khốn khổ đối mặt với bao rủi ro, phiền toái từ chính những dự án “hình thành hệ thống giao thông đô thị đồng bộ và hiện đại của TP”, theo đánh giá của Thanh tra Sở GTVT.
Nên tăng cường ứng dụng công nghệ đào ngầm
Hầu hết các công trình nâng cấp hệ thống hạ tầng trên địa bàn TP.HCM hiện nay đang được áp dụng theo biện pháp thi công cuốn chiếu. Sở GTVT chỉ cấp giấy phép đào đường mỗi lần 100 m dài, thi công xong cấp phép tiếp.
Tuy nhiên chính điều này khiến nhà thầu phải tịnh tiến rào chắn theo từng đoạn, rồi tập kết thiết bị, vật tư để thi công cho nên lúc nào cũng thấy rào chắn tồn tại trên một tuyến đường. Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn đường sắt, metro, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận xét theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có hàng trăm giấy phép đào đường được cấp, trong đó ngành có yêu cầu đào đường nhiều nhất thường là cấp nước, bưu chính - viễn thông, điện lực, thoát nước. Từ khi UBND TP ban hành các quyết định về quản lý công tác đào đường và tái lập mặt đường sau khi sửa chữa và lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm trên địa bàn, tình hình đào đường và tái lập mặt đường đã có những tiến triển hơn trước. Các quy định về đào và tái lập mặt đường hiện nay đã khá đầy đủ, nhưng chưa có các quy định để chế tài các đơn vị thi công thực hiện công tác đào và tái lập mặt đường, nhất là sau thời gian bảo hành công trình, nên thực tế chất lượng đường sau một thời gian tái lập xuống cấp nhanh chóng. Quá trình thực hiện thi công, tái lập mặt đường vẫn còn khá nhiều bất cập, cơ bản nhất là công tác phục vụ cho giao thông chưa được chuẩn bị tốt, người dân lưu thông rất khó khăn. Đơn vị thi công thường xuyên tập trung vật tư tại công trường nhiều hơn khối lượng thực tế thi công trong ngày nên dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, làm mất mỹ quan đô thị và cản trở giao thông… Đáng nói, đào đường bằng những biện pháp thi công như hiện nay làm hư hỏng kết cấu đường, không thể hoàn trả mặt đường nguyên trạng như trước.
Để hạn chế tình trạng rào chắn đào đường tràn lan ảnh hưởng xấu đến giao thông và sinh hoạt, buôn bán của người dân, ông Hà Ngọc Trường cho rằng nên tăng cường ứng dụng công nghệ khoan ngầm khi đào đường, trừ những trường hợp bất khả kháng. Ở các nước phát triển, việc thi công công trình ngầm thường sử dụng công nghệ rô bốt khoan ngầm nên thời gian thi công rất nhanh, an toàn và không ảnh hưởng đến giao thông bên trên. Cũng theo ông, thực tế trong nhiều năm qua, đường bị đào để thực hiện các hoạt động quản lý và thi công công trình ngầm đã hư hỏng rất nhiều, nhưng không được bồi hoàn theo nghĩa sửa chữa đem lại chất lượng như yêu cầu trước. Điều này đã tăng thêm gánh nặng kinh phí cho công tác quản lý và bảo dưỡng đường bộ. Hư hỏng chồng lên hư hỏng, đã làm hệ thống đường xuống cấp, trong khi nguồn từ ngân sách cấp không có khả năng cân đối đủ. “Vấn đề không chỉ là tái lập phui đào sau khi đã kết thúc thi công công trình ngầm, mà phải bồi hoàn chất lượng đường (cụ thể là phần kết cấu mặt đường) sau những hoạt động sử dụng đường bộ đang khai thác của các ngành đang quản lý công trình hạ tầng ngầm”, ông Trường đề xuất.
H.Mai
|
Bình luận (0)