Khốn khổ với hành tím

03/04/2013 09:27 GMT+7

Giá hành sụt giảm mạnh, trong khi thị trường tiêu thụ lại đang bế tắc đã đẩy hàng nghìn hộ trồng hành tím ở TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lâm vào cảnh điêu đứng.

Giá giảm hơn phân nửa

Những ngày này, dọc theo tuyến đường về các xã chuyên canh hành tím Vĩnh Châu như Vĩnh Tân, Vĩnh Hải và Lạc Hòa đâu đâu cũng chỉ thấy toàn là hành. Ngoài rẫy, nhiều bà con Khmer vừa thu hoạch vừa ngóng thương lái đến mua, thậm chí nhiều người còn đem hành chất cả đống ngoài đường để chào hàng.

Những người trồng hành cho biết hồi đầu vụ (tháng 1.2013), giá hành tím khoảng 11.000 - 13.000 đồng/kg, rồi xuống 7.000 - 8.000 đồng/kg và đến thời điểm này chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Bà Lâm Thị Xà Phước (ngụ ấp Đại Bái B, xã Lạc Hòa) than: “Vụ hành này, gia đình tôi vừa thu hoạch được 4 tấn. Đầu vụ thấy giá lên trên 10.000 đồng/kg, người trồng hành hết sức phấn khởi, nay hành lại rớt giá thê thảm. Với đà này, người trồng hành chắc chắn lỗ nặng”. “Giá rớt kiểu này nông dân phải chịu lỗ từ 2 - 3 triệu đồng/công. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch rộ, thương lái ra giá bao nhiêu là bán bấy nhiêu. Nông dân toàn bị bắt chẹt, không quyết định được giá. Có lỗ cũng phải cắn răng chịu đựng, chớ biết kêu ai bây giờ”, bà Tăng Thị Phươl (ngụ khóm Cà Lăng A Biển, P.2, TX.Vĩnh Châu) nói.

Khốn khổ với hành tím
Hành chất đống bên vệ đường chờ thương lái thu mua

Bế tắc đầu ra

Vụ hành 2013, toàn TX.Vĩnh Châu trồng trên 6.000 ha. Hiện lượng hành còn tồn đọng trong dân rất lớn, lên đến hàng chục nghìn tấn, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng hành thương phẩm; trong khi đó thương lái chỉ thu mua cầm chừng. Theo ông Trịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, vụ hành tím năm nay, Vĩnh Châu thu hoạch hơn 120.000 tấn. Gần 30% sản lượng hành tím chủ yếu được tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh thành miền Trung, hơn 70% còn lại xuất khẩu sang các nước Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines… “Mỗi năm doanh nghiệp chúng tôi xuất sang thị trường Indonesia khoảng 7.000 - 8.000 tấn hành tím. Thời điểm này năm ngoái, cơ bản doanh nghiệp đã xuất xong, nhưng từ đầu năm đến giờ vẫn chưa xuất được kí nào, trong khi lượng hành ở kho dự trữ ngày càng nhiều. Trước tình cảnh này, không riêng gì bà con trồng hành mà doanh nghiệp cũng đứng ngồi không yên”, ông Vinh than thở.

Ông Vinh cho biết từ đầu năm 2013, phía Indonesia “bỗng dưng” tạm ngưng nhập khẩu khiến doanh nghiệp không biết xoay sở ra sao. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm tham gia xuất khẩu hành tím, doanh nghiệp gặp phải tình trạng này. Bên cạnh đó, việc Indonesia làm hàng rào kỹ thuật đã tạo áp lực cũng như gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Hiện nay, phía đối tác lâu lâu mới nhập khẩu nhưng chỉ ở dạng nhỏ lẻ, mỗi đợt vài container. Kho chứa của doanh nghiệp hiện đang tồn đọng 400 tấn hành chưa tìm được đầu ra. Không riêng gì Việt Nam mà Indonesia cũng không nhập khẩu hành tím của Thái Lan, Philippines... Trước tình cảnh trên, giải pháp tình thế là doanh nghiệp phải chủ động tăng cường tìm kiếm các đối tác tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng tỏ ra lo ngại khi thời gian gần đây phẩm chất hành tím Vĩnh Châu ở một số nơi có dấu hiệu giảm. Phía doanh nghiệp đã phối hợp với người trồng hành thực hiện sản xuất theo quy trình Global GAP trên diện tích 100 ha để chất lượng hành tím có thể cạnh tranh khi xuất khẩu. Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND TX.Vĩnh Châu, cho biết trước mắt, chính quyền đã gửi kiến nghị lên Sở Công thương để sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bà con trồng hành. Đồng thời, thị xã sẽ tiếp tục vận động bà con không nên sản xuất ồ ạt, nhằm bảo đảm cung không vượt cầu. “Để tránh tình trạng được mùa mất giá, bế tắc đầu ra, chúng tôi kiến nghị tỉnh phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, theo dõi sát thị trường; đồng thời vận động nông dân vào tổ, nhóm liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng hành, vận động, hỗ trợ nông dân cách sản xuất sạch, an toàn và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch”, ông Công nhấn mạnh.

NGUYỄN ĐỨC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.