Không biết xấu hổ!

22/04/2019 04:20 GMT+7

Câu thần chú “tôi không biết, không chỉ đạo” của ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được những thuộc cấp và đồng chí của ông sử dụng không xấu hổ.

Cuối cùng thì đã không còn nghi ngờ gì nữa, con gái ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh được “tặng không” 5,4 điểm không phải là trường hợp cá biệt, tuyệt đại trong 222 thí sinh được “tặng điểm” trong vụ bê bối gian lận điểm thi vô tiền khoáng hậu ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều là con cái quan chức địa phương hoặc có “quan hệ” thân hữu với quan chức chính quyền.
Các cháu có vẻ đã (buộc phải) thuộc câu “nhất hậu duệ/nhì quan hệ/ba tiền tệ/tư trí tuệ” quá sớm, ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên vào đời.
Sự dối trá trong giáo dục đã được đẩy lên đến đỉnh điểm.
Tháng 7.2018, khi vụ gian lận lần đầu tiên được phát hiện, người viết bài này đã rất lạc quan khi mong đó sẽ là chuyện “tái ông thất mã”, rằng ngành giáo dục và chính quyền các địa phương sẽ nhân đó gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, môi trường giáo dục không dung thứ sự giả dối.
Nhưng đau lòng thay, cho đến giờ không có bất kỳ thông điệp chính trị nào được gửi đến cho người dân, ngoại trừ những lời thanh minh của lãnh đạo ngành giáo dục, của người đứng đầu các địa phương. Câu thần chú “tôi không biết, không chỉ đạo” của ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được những thuộc cấp và đồng chí của ông sử dụng không xấu hổ.
Giáo dục là một lĩnh vực không chỉ ảnh hưởng trước mắt. Nếu chúng ta nuôi dưỡng một nền giáo dục coi trọng điểm số, dung dưỡng sự giả dối, nhằm đến mục tiêu kiếm tiền hay quyền lực thay vì xây dựng một lối sống văn minh, nhân bản và hướng thiện thì hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu tiếp tục là môi trường xã hội bị vẩn đục, người chân chính, lương thiện bị thua thiệt, bị chèn ép; nạn tham nhũng càng tinh vi và trầm trọng, niềm tin của người dân vì thế ngày càng giảm sút.
Với diễn biến vụ bê bối gian lận điểm thi ở các địa phương cho đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng, có 2 việc cần phải làm ngay. Thứ nhất, nếu vẫn tiếp tục để cơ quan điều tra địa phương xử lý vụ việc là xung đột lợi ích. Không bao giờ các bị can dám khai ra người "sử dụng ảnh hưởng" để họ phải nâng điểm; khai ra người bỏ tiền mua điểm - đều là những người có chức, có quyền hoặc có ảnh hưởng tại địa phương. Di hại nghiêm trọng của vụ việc đáng để Bộ Công an phải vào cuộc.
Thứ hai, những quan chức địa phương như ông Triệu Tài Vinh và các cán bộ có liên quan đến bê bối nâng khống điểm thi cho con cái, dù chưa có bằng chứng hình sự, nên phải được xem xét trách nhiệm chính trị người đứng đầu, căn cứ quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Một thái độ rõ ràng trong việc giải quyết vụ bê bối gian lận thi cử không chỉ là nhằm giải tỏa bức xúc cho người dân mà còn mang ý nghĩa quyết định cho con đường phát triển của đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.