Lãi suất vẫn cao, tiếp cận vốn vẫn khó, hàng ngàn doanh nghiệp chấp nhận kết cục phá sản chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012 sau gần 50.000 doanh nghiệp phá sản trong năm 2011. Chuyện doanh nghiệp rơi rụng vì khủng hoảng kinh tế là hiện tượng bình thường ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Điều này cũng sẽ là bình thường ở Việt Nam nếu không tồn tại những nghịch lý khiến nó trở nên bất thường.
Đầu tiên là lãi suất dù tuyên bố hạ nhưng tiếp cận được nguồn vốn rẻ quá khó. Không phải bây giờ mà ngay từ cuối năm 2011 chúng ta cũng công bố có các khoản vốn rẻ hơn dành cho các lĩnh vực ưu tiên nhưng những ai thực sự tiếp cận được nguồn vốn này thì quá bí ẩn. Đến mức, giờ nói đến vốn rẻ, nhiều doanh nghiệp... không tin.
Thứ hai là chuyện các ngân hàng lãi lớn. Với vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế nhưng mấy năm gần đây, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản, chỉ riêng ngành ngân hàng vẫn sống khỏe. Không cần phân tích sâu xa nhưng rõ ràng, vấn đề điều hành chính sách tiền tệ là chưa hợp lý, tạo lợi thế cho các ngân hàng tối đa hóa lợi nhuận thay vì chia sẻ khó khăn với nền kinh tế.
Thứ ba là việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, than... Đây là những yếu tố quan trọng cấu thành nên giá đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nên việc tăng giá phải xuất phát từ những lý do thực sự thuyết phục và phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, thận trọng. Trong khi chúng ta, tăng giá để bù lỗ cho các khoản đầu tư tay trái của điện; tăng giá vì đòi hỏi ích kỷ, thiếu trung thực của xăng dầu; tăng giá trong khi than vẫn vừa xuất, vừa nhập khẩu một cách phi lý, khó hiểu...
Còn nhớ khi hiện tượng doanh nghiệp phá sản bắt đầu diễn ra, chúng ta tự biện minh rằng, đó là sự đào thải tất yếu với các doanh nghiệp sức khỏe yếu. Nhưng những nghịch lý nói trên cho thấy, góp một phần không nhỏ là do cơ chế, chính sách thiếu phù hợp và sự điều hành chưa thực sự linh hoạt. Minh chứng này càng rõ ràng hơn khi hiện tượng phá sản, đã bắt đầu lan sang các doanh nghiệp lớn, những thương hiệu mạnh. Điều này khiến chúng ta đang đối mặt với nguy cơ giảm phát ngay khi "trị" được lạm phát. Hàng loạt các hệ lụy như thất nghiệp, đình đốn sản xuất, bất ổn xã hội sẽ xảy ra nếu chúng ta không nhanh chóng có biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng doanh nghiệp rơi rớt hàng loạt này.
Cầm cự suốt một thời gian dài với hy vọng lãi suất sẽ giảm, tiếp cận vốn dễ hơn nhưng khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Tình trạng của các doanh nghiệp hiện nay là đối diện với nguy cơ phá sản. Giải quyết các nghịch lý đã và đang tồn tại để giúp doanh nghiệp gượng dậy phụ thuộc vào quyết tâm của chính các cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là câu trả lời chính xác nhất cho việc phá sản là bình thường hay bất thường gây tranh cãi thời gian qua.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)